Báo Công An Đà Nẵng

Cựu binh và đàn bồ câu lai Pháp

Thứ ba, 28/05/2019 12:15

Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phong (TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) Dương Hiễn Công giới thiệu với chúng tôi: "Ở xã, mô hình nuôi chim bồ câu lai Pháp của cựu binh Ngô Đình Sáu (60 tuổi, trú thôn Cẩm Phú 2) mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Từ một cựu binh ở chiến trường Campuchia, sau khi về quê hương, ông Sáu bắt tay vào việc chăn nuôi. Riêng nuôi chim bồ câu lai Pháp là hướng đi mà ông đã chọn gần 20 năm nay".

Cựu binh Ngô Đình Sáu thành công với mô hình nuôi chim bồ câu lai Pháp. 

Ông Sáu thường chở bồ câu giống và thịt đi giao cho khách hàng ở Đà Nẵng và một số địa phương ở Quảng Nam. Do vậy, chúng tôi phải gọi điện thoại hẹn trước mới gặp được. Từng là một cựu chiến binh, ông Sáu tự hào về những năm tháng ở chiến trường. "Tháng 3-1979, lúc đó tôi đang học cấp 3, hưởng ứng cuộc tổng động viên nên quyết định tạm dừng việc học để đi bộ đội. Tôi được đưa đi sang Campuchia để tham gia cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pôn- Pốt. Cuộc sống của bộ đội Việt Nam ở nước bạn rất gian khổ, thiếu thốn đủ thứ. Lương thực chỉ là lương khô được vận chuyển từ Việt Nam sang. Tôm cá đầy sông nhưng không ai dám đánh bắt vì chưa được sự đồng ý của nước bạn. Nhiều chiến sĩ đã phải bỏ mạng nơi "đất khách quê người" vì sốt rét, bệnh tật. Gian khổ là vậy, nhưng bộ đội ta vẫn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả, năm 1983 tôi về địa phương và được cho đi học lớp sơ cấp giao thông", ông Sáu kể lại.

Vốn đam mê chăn nuôi từ nhỏ, ông Sáu đi làm giao thông thủy lợi được một thời gian rồi quyết định nghỉ việc về quê chăn nuôi. Ông bắt đầu nuôi gà. Lúc đầu công việc rất thuận lợi, nhưng những lứa sau gà bị bệnh dịch chết rất nhiều khiến ông lâm vào cảnh khó khăn. Ông quyết định tạm dừng việc chăn nuôi một thời gian để tìm hướng đi khác. Năm 1999, ông Sáu cùng Hội cựu chiến binh H. Điện Bàn (nay là TX Điện Bàn) vào miền Tây tham quan các mô hình chăn nuôi. Lúc đó, ông thấy việc nuôi bồ câu lai Pháp mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao nên quyết định mua 15 cặp mang về làm giống. "Chim bồ câu là động vật hoang dã nên rất ít bị bệnh, vả lại thịt bồ câu chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nên nhu cầu thị trường sẽ rất lớn. Nuôi chim bồ câu cũng ít tốn công sức, chỉ cần bỏ đầy đủ thức ăn, nước uống trong 1 ngày tôi có thể kết hợp làm được nhiều công việc. Chuồng trại của chim bồ câu cũng không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, chỉ cần làm khung gỗ sau đó ép lưới sắt với diện tích rộng chừng 45cm có thể nuôi được 1 cặp trống mái cho sinh sản. Ngoài ra, thức ăn của chim bồ câu chủ yếu là lúa, gạo, bột viên nên phân không hôi, nguồn phân được tận dụng để trồng trọt rất tốt. Do vậy, tôi quyết định chọn hướng đi mới là nuôi chim bồ câu lai Pháp", ông Sáu lý giải.

Chim bồ câu nuôi 6 tháng sẽ bắt đầu sinh sản, mỗi năm bồ câu sẽ đẻ 8 lứa, mỗi lứa để 2 trứng, đa số sẽ nở được 2 con. Từ 15 cặp bồ câu giống, gần 2 năm sau, số đàn bồ câu của ông Sáu tăng lên 100 cặp. Lấy ngắn nuôi dài, ông  Sáu vừa chọn lọc những con chim đẻ tốt để làm giống, những con khác bán thương phẩm lấy vốn mua thức ăn. Mô hình nuôi chim bồ câu của ông Sáu nhanh chóng được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, họ tìm đến học hỏi kinh nghiệm và mua giống về nuôi. Vài năm sau, số đàn chim bồ câu Pháp của ông Sáu đã tăng lên 1.000 cặp. Hiện các đầu mối thu mua chim bồ câu giống và thịt của ông Sáu rất nhiều nhưng ông chỉ nhận cung cấp bồ câu thương phẩm cho một số bạn hàng thân ở Đà Nẵng và Quảng Nam. "Chim bồ câu lai Pháp ra ràng thương phẩm giá thị trường hiện nay là 50 ngàn đồng/1con, bồ câu giống 250 ngàn đồng/1 cặp. Với số lượng 1.000 cặp bồ câu giống hiện nay thì mỗi tháng tôi xuất bán 600 cặp bồ câu thịt và giống, trừ chi phí mỗi tháng tôi còn lãi khoảng 15 triệu đồng. Với kinh nghiệm nuôi chim lâu năm của mình, tôi nhận thấy nên cho chim bồ câu ăn gạo lức vì loại gạo này còn nhiều chất dinh dưỡng, chim dễ hấp thụ. Mỗi bữa ăn tôi trộn thêm cám viên nhỏ cho gia cầm, hằng tuần tôi bổ sung thêm vitamin trong nước uống hoặc trộn vào thức ăn để chim tăng sức đề kháng. Gần 20 năm nuôi chim bồ câu, tôi nhận thấy chim chưa bị mắc bệnh chết. Tuy chim bồ câu tỉ lệ cận huyết chỉ 1%, nhưng tôi vẫn thường xuyên lai giống để bồ câu sinh sản tốt hơn", ông Sáu chia sẻ.

Nguồn thu từ việc nuôi chim bồ câu lai Pháp, ông Sáu có điều kiện nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, xây dựng được nhà cửa khang trang. Nhiều năm liền ông Sáu được huyện, tỉnh tặng Giấy khen và Bằng khen "Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi", "Nông dân sản xuất kinh tế giỏi". Ngoài ra, ông Sáu còn được tham gia báo cáo về mô hình nuôi chim bồ câu lai Pháp tại các hội nghị Nông dân cùng giúp nhau phát triển kinh tế do xã, TX Điện Bàn tổ chức.

LÊ VƯƠNG