Cứu hộ trên từng cây số
Từ "cháy" xe cứu hộ
Từ chiều đến khuya 14-10, trận mưa như trút nước đổ xuống Đà Nẵng khiến các tuyến cống, sông và dải bờ biển vây quanh Đà Nẵng không cứu nổi thành phố thoát khỏi trận ngập kỷ lục. Hàng loạt tuyến đường khắp các quận huyện ngập sâu trong biển nước. Nhiều nơi nước ngập đến 1,2 mét, điển hình như Nguyễn Văn Linh, Đống Đa, Lê Thanh Nghị… Trên đường Lê Duẩn- khu phố thời trang, đường Nguyễn Văn Linh- tuyến phố kinh doanh sầm uất nhất Đà Nẵng, ô-tô nối hàng dài chết máy, xe cộ chen nhau mắc cứng. Khuya 14-10, nhiều chủ xe kiên nhẫn nhất cũng đành bỏ lại xe trên đường để tìm lối tháo chạy về nhà, tránh hậu họa.
Anh Võ Văn Hào, người dân P. Hải Châu 2, Q. Hải Châu kể: "Tôi đang trên đường đi làm về từ sân bay, khi qua đường Nguyễn Văn Linh lúc 18 giờ 30 thì xuất hiện nước dâng quá nhanh. Sau đó mắc kẹt giữa đoàn xe vì chết máy. Cố gắng trụ thêm một thời gian đành bỏ xe kiếm đường về nhà để thoát thân". Đường Lê Thanh Nghị cũng vậy, anh Lê Văn Hoàn, Nguyễn Thanh Phong, trú cùng khu đô thị sinh thái Nam Hòa Xuân cùng hàng trăm người khác cũng phải bỏ lại xe ở khu vực ngã tư Lê Thanh Nghị- Xô Viết Nghệ Tĩnh do ngập quá sâu để lội bộ về nhà. "Không còn cách nào khác, thiên tai mà. Xe hỏng cũng phải chịu thôi, chờ hôm sau cứu hộ, chứ cứ ngồi lì trên xe, nước cuốn trôi người lúc nào không hay", anh Phong thổ lộ.
Đúng là ngoài thiệt hại về người, tài sản, người dân còn chịu thiệt hại lớn do hàng trăm ô-tô bị ngập nước, chết máy mắc kẹt trên phố. Cũng vì đó, dịch vụ gọi xe cứu hộ bắt đầu "cháy máy" từ khuya 14-10 cho đến 17-10 vẫn chưa ngớt đổ chuông. Anh Nguyễn Văn Hưng, lái xe cứu hộ cho hãng Ford, trú tại khu đô thị sinh thái Hòa Quý- Đồng Nò cho biết: "Trên đường làm nhiệm vụ, người dân gọi cứu hộ quá trời! Chuông đổ liên tục 24/24 giờ! Để hỗ trợ khách hàng, gần như phải ăn ngủ trên xe từ đêm 14 đến ngày 17-10. Nhiều khả năng, lượng xe còn "bất động" phải cứu hộ thêm ba đến 5 ngày nữa mới hết. Ngoài tuyến đường lớn ngày 17-10 xe đã hết, nhưng trong những kiệt hẻm thì còn nhiều vô số kể".
Nhiều chủ xe cứu hộ tư nhân khác cũng tâm sự, lượng xe quá nhiều, khách hàng cấp thiết nhiều người điện tới chấp nhận trả giá từ 2-3 triệu đồng cũng phải chờ cả nửa ngày vì đơn hàng tài xế nào cũng cả trăm chiếc. Thậm chí, khi chở xe tới những tuyến gara tập trung đông nhất như Nguyễn Hữu Thọ, 2-9, Lê Đình Lý…, chủ gara còn lắc đầu không nhận xe vì lượng xe đã quá nhiều.
Đến áp lực trên từng cây số
Theo ghi nhận của phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ngoài những đầu xe cứu hộ của các hãng xe, không ít hãng tư nhân như cứu hộ 117, 119… cũng xuyên ngày đêm cẩu xe, chở đi vun vút. Sau một chuyến, xe trở lại nơi khách hàng yêu cầu lại "bốc, hốt" chở đi. Ngoài ra, xe cẩu tư nhân cũng đầy đường khi khách hàng cần đến, chủ yếu là cẩu những xe mắc kẹt giữa dòng xe hỏng. "Chúng tôi cẩu xe từ giữa ra rồi mới đưa lên xe cứu hộ chở đi, nên công sức bỏ ra nhiều. Do khó vận chuyển nên khách hàng yêu cầu nhiều cũng không đáp ứng nổi", một lái xe cho dịch vụ xe cẩu và cứu hộ nói.
Bên cạnh đầu xe cứu hộ của các hãng và công ty cứu hộ tư nhân, những ngày qua, lực lượng Công an đã tổng lực huy động xe cứu hộ cứu nạn và phối hợp với các đơn vị có xe cứu hộ tiến hành hỗ trợ di dời ô-tô bị chết máy trên các tuyến phố cho người dân. Trung tá Phạm Hồng Hải- Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng) cho biết, do có quá nhiều ô-tô bị chết máy sau trận lụt, nên đơn vị đã kêu gọi các doanh nghiệp có xe cẩu tải cùng tham gia giúp sức để nhanh chóng đưa hoạt động giao thông trở lại bình thường. Về phần đơn vị, đã cũng huy động các cán bộ chiến sĩ, phương tiện… bắt tay ngay vào việc hỗ trợ người dân, di chuyển các ô-tô vào ven đường để thông xe cho các tuyến đường. Riêng trong ngày 15-10, lực lượng Công an đã cứu hộ được trên 200 ô-tô, trả lại sự thông thoáng cho các tuyến đường giao thông.
Những ngày sau đó, lực lượng Công an vẫn đang tiếp tục "bám đường", tích cực cùng người dân khắc phục hậu quả sau trận ngập lụt tối 14-10 gây ra. "Tính đến ngày 17-10, lực lượng CSGT cùng lực lượng Công an các cấp đã hỗ trợ cứu hộ cho gần 400 ô-tô chết máy do lũ lụt… cùng hàng trăm mô-tô ngập lụt, người dân khóa cổ để lại hiện trường do nước quá sâu không thể dắt về. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng PCCC và CNCH, Cảnh sát Cơ động triển khai lực lượng cứu hộ phương tiện của người dân để mọi người sớm sửa chữa, bảo hành", Trung tá Hải thông tin.
Công Hạnh