“Cứu” Nam Sudan khỏi nội chiến
(Cadn.com.vn) - LHQ và các cường quốc đang nỗ lực không để Nam Sudan rơi vào vũng lầy nội chiến như nhiều thập kỷ trước khi giành độc lập năm 2011.
Bóng ma nội chiến vẫn không thôi ám ảnh người dân Nam Sudan. Một không khí lo sợ và tuyệt vọng đang bao trùm quốc gia nghèo khó này do bạo lực leo thang.
Những quan ngại về nội chiến ở Nam Sudan đang ngày càng gia tăng sau khi chính quyền để mất quyền kiểm soát thủ phủ Bentiu của bang Unity sản xuất dầu mỏ quan trọng. Theo Reuters, trên trang Twitter, phát ngôn viên quân đội Nam Sudan, Đại tá Philip Aguer ngày 23-12 thừa nhận, thủ phủ Bentiu hiện nằm dưới quyền kiểm soát của một tư lệnh quân đội nổi dậy vốn ủng hộ cựu Phó Tổng thống Machar. Đến nay, phe nổi dậy chiếm nhiều khu vực, trong đó có một số mỏ dầu, đe dọa nền kinh tế khi lợi nhuận từ dầu mỏ cung cấp gần 99% ngân sách. Tuy nhiên, chính phủ Juba tuyên bố vẫn kiểm soát được các mỏ dầu quan trọng cho nền kinh tế.
Đội y tế của UNMISS giúp đỡ người dân Nam Sudan. Ảnh: Reuters |
Lo sợ cho sự ổn định vốn đã rất mong manh của quốc gia non trẻ nhất thế giới này, LHQ tuyên bố đang nỗ lực hết mình để nhanh chóng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Manila, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định đang xúc tiến kế hoạch gửi thêm Lực lượng gìn giữ hòa bình trong khu vực đến Nam Sudan. Người đứng đầu cơ quan quyền lực nhất thế giới cũng hối thúc các nhà lãnh đạo Nam Sudan “làm tất cả trong quyền hạn của mình” nhằm ngăn chặn bạo lực. Một phát ngôn viên của phái bộ LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) cho biết đã triển khai nhiều máy bay từ căn cứ hậu cần tại Entebbe ở Uganda đến Nam Sudan.
Trong khi các cường quốc khác kêu gọi cả hai bên ngừng chiến, Mỹ đứng ngồi không yên. Sau cảnh báo sẽ cắt giảm viện trợ, ông chủ Nhà Trắng Barack Obama tuyên bố đã triển khai thêm 46 binh sĩ tới Nam Sudan và cân nhắc sẽ có thêm hành động nếu cần thiết sau vụ 3 máy bay vận tải CV-22 Osprey của nước này bị tấn công trong khi đang tiến hành sơ tán công dân Mỹ. Hiện, máy bay cùng tất cả các quân nhân rời Nam Sudan mà không thể hoàn thành việc sơ tán khiến Washington thực sự quan ngại cho tính mạng và tài sản của công dân họ.
Cho đến nay, chỉ có khoảng 300 quan chức và công dân Mỹ cùng 300 công dân các nước khác được đưa từ Nam Sudan tới Nairobi (Kenya) và các nơi khác. Còn UNMISS tuyên bố đang tái bố trí tất cả số nhân viên không làm nhiệm vụ quan trọng từ thủ đô Juba sang quốc gia láng giềng Uganda sau khi đã sơ tán toàn bộ nhân viên dân sự tại Bor, nơi chiến sự xảy ra ác liệt.
Đụng độ giữa các nhóm đối thủ tại thủ đô Juba vốn khiến hàng trăm người chết và 62.000 người phải tị nạn, hiện lan rộng trên khắp đất nước. Tổng thống Salva Kiir, là người dân tộc Dinka của Nam Sudan, buộc tội ông Machar, người dân tộc Nuer vốn bị sa thải vào tháng 7, âm mưu đảo chính. Ông Machar bác bỏ cáo buộc nhưng sau đó tuyên bố đang chỉ huy quân đội chiến đấu với chính phủ. Nói về cuộc chiến ở Bentiu, Bộ trưởng Ngoại giao Barnaba Marial Benjamin cho biết, “Machar trốn thoát, sử dụng thuyền đi dọc theo sông Nile đến làng Ado và đi vào Bentiu... đêm hôm trước, ông ta tấn công cơ quan chính phủ”.
Hôm 20-12, các bên trung gian hòa giải từ các quốc gia Châu Phi gặp nhau tại Kiir ở thủ đô Juba và đạt những gì họ gọi là “các cuộc đàm phán hiệu quả”. Chính phủ Tổng thống Kiir cho biết sẵn sàng đàm phán với bất kỳ nhóm nổi loạn nào. Tuy nhiên, theo tướng Lazarus Sumbeiywo của Kenyan, các bên trung gian vẫn chưa liên lạc với ông Machar.
Người ta đang rất lo ngại cho số phận những người dân vô tội ở Nam Sudan. Trong khi nhiều người xin vào trú ẩn tại phái bộ của LHQ, rất nhiều người khác phải trú ẩn trong bụi rậm với đầy rẫy hiểm nguy. Tình trạng cướp bóc đã xảy ra tại các cơ sở nhân đạo của LHQ tại bang Jonglei (Akobo và Bor) và Unity. Một số cơ sở của LHQ và các tổ chức phi chính phủ khác tại thị trấn Bor cũng bị cướp phá, trong đó có cả ô-tô.
Khả Anh