Cứu người trên đường đi công tác
(Cadn.com.vn) - “Nếu không có các chiến sỹ công an kịp thời cứu giúp, anh tôi đã không qua khỏi cơn nguy kịch. Từ sâu thẳm đáy lòng, gia đình tôi chân thành cảm ơn các anh và cầu mong các anh luôn mạnh khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ, là chỗ dựa tin cậy cho người dân chúng tôi”.
Đọc những dòng thư cảm ơn đó của người dân gửi, trung sỹ Nguyễn Văn Ân và đồng đội trong tổ Pháp y của Phòng Kỹ thuật Hình sự - CATP Đà Nẵng không khỏi xúc động. Dường như đó cũng là động lực thôi thúc để Ân và đồng đội nỗ lực làm nhiều việc tốt hơn cho người dân.
Trung sỹ Nguyễn Văn Ân thăm hỏi nạn nhân Nguyễn Hồng Phong. |
Câu chuyện xảy ra vào chiều 21-8, khi tổ Pháp y của Ân được phân công đi làm nhiệm vụ tại H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Trong lúc đang hối hả tới hiện trường làm nhiệm vụ theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT CAQ Thanh Khê thì Ân và đồng đội bắt gặp một vụ TNGT ở thôn An Ngãi Đông. Lúc đó nạn nhân Nguyễn Hồng Phong, 1982, ở thôn An Ngãi Tây xã Hòa Sơn, H. Hòa Vang nằm bất tỉnh bên đường, người nhà chưa tới kịp, trong khi người gây tai nạn đã thoát khỏi hiện trường.
Khi tiếp cận, trung sỹ Ân nhận thấy nạn nhân sùi bọt mép, co giật, với hiểu biết của một y sỹ được đào tạo bài bản, Ân nhận định nạn nhân Phong cực kỳ nguy kịch, nếu không làm các động tác sơ cấp cứu và cấp bách chuyển tới bệnh viện sẽ khó qua khỏi. Hội ý nhanh với đồng đội, 2 chiến sỹ trong tổ Pháp y ở lại bảo vệ hiện trường chờ CA địa phương đến giải quyết theo thẩm quyền còn Ân và một chiến sỹ lái xe khác đã dùng ô-tô khám nghiệm của đơn vị gấp rút đưa nạn nhân Phong tới bệnh viện cấp cứu.
Trên quãng đường gần 10km tới bệnh viện, Ân đã vận dụng chuyên môn, hô hấp nhân tạo, thực hiện các động tác sơ cấp cứu cần thiết. Thời gian lúc này với Ân dài dằng dặc cùng với đó là sự lo lắng cho tình trạng của nạn nhân. Ân kể, thực sự lúc đó không còn thời gian để suy nghĩ gì nữa, chỉ biết phải cấp bách cứu người, dù rằng công việc khám nghiệm cũng đang đòi hỏi phải thực thi gấp gáp. Bởi với đặc thù nếu khám nghiệm chậm chạp thì hiện trường có thể bị xáo trộn, mất đi tính chủ động, hiệu quả, thậm chí là dấu vết quan trọng.
Sau này khi kể với bạn bè, có người bảo Ân “liều”, không chịu suy nghĩ. Họ bảo chẳng may trên đường đi cấp cứu nạn nhân chết trên xe của Ân sẽ phải giải trình rất phức tạp. Rồi người nhà nạn nhân liệu có thông cảm? Ân chỉ cười bảo, cứu người là quan trọng, cấp bách, thời gian đâu mà suy nghĩ thiệt hơn.
Nạn nhân Phong được đưa tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, được các BS chẩn đoán xuất huyết não, nếu cấp cứu chậm hơn có thể đã không qua khỏi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khám nghiệm, Ân và đồng đội trở lại bệnh viện thăm nạn nhân, Ân rất vui mừng khi biết rằng nạn nhân Phong đã qua cơn nguy kịch, dần hồi phục sức khỏe.
Thượng tá Lê Minh Sùng - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Hình sự CATP Đà Nẵng cho biết, trung sỹ Ân mới về đơn vị công tác được hơn 1 năm song đã thể hiện rõ sự tận tụy, nhiệt huyết, hiệu quả trong công việc. Chỉ trong 2 tháng qua, Ân đã trực tiếp tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và giám định Pháp y về tử thi 22/25 vụ.
Trong tất cả các vụ việc Ân đều tham mưu cho chỉ huy tìm ra được nguyên nhân để đưa ra kết luận chính xác, định hướng để phục vụ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra. Đơn cử, ngày 24-8 CAP Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà) nhận được tin báo chị Dương Thị Hồng Trang (1982, trú P. An Hải Đông, Q.Sơn Trà) tạm trú không hôn thú với anh Nguyễn Cường (1984) tại khu chung cư C2 P. Nại Hiên Đông nằm chết trong phòng ngủ.
Qua khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi Ân xác định nguyên nhân tử vong của chị Trang là do uống thuốc tự tử. Việc nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cái chết của chị Trang đã giúp trấn an tư tưởng cho gia đình, bà con khu chung cư, không để có những nghi ngờ khác. Thượng tá Lê Minh Sùng cũng cho biết, hành động cứu người trong cơn nguy kịch của trung sỹ Ân được biểu dương trong đơn vị, thể hiện đúng tinh thần tận tụy vì nhân dân phục phụ của người chiến sỹ Công an.
Hải Quỳnh