Cứu người trong lũ dữ
(Cadn.com.vn) - Do việc xả lũ từ thượng nguồn sông Vu Gia (Quảng Nam) từ chiều 15-12, nên các khu vực hạ lưu sông Yên thuộc 2 xã Hòa Tiến, Hòa Khương (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) ngập trong biển nước, nhiều nơi ngập sâu hơn 1m... Vẫn còn chưa hết bàng hoàng sau cơn lũ, ông Đinh Ngọc Tuấn (trú thôn La Châu, xã Hòa Khương) cho biết: “Nước lũ dâng lên nhanh quá, tôi chưa biết xoay xở như thế nào để đưa mẹ già vô phía trong gò, thì các anh ở thôn như vị “cứu tinh” đã gan dạ chống ghe men theo biền sông có mặt trước hiên nhà để đưa mẹ tôi và gia đình đến nơi cao ráo”. Còn cụ bà Lê Thị Thôi (1921, mẹ ông Tuấn) lại xuýt xoa: “May nhờ các cháu trong thôn chống ghe cứu hộ, chứ không thân già này tưởng đâu về với tổ tiên rồi”.
Bà Thôi vui mừng gặp lại anh Phan Công Tuấn. |
Được biết, 5 giờ ngày 16-12, thấy nước lũ bủa vây tứ bề, lo sợ tính mạng của hơn 30 hộ dân ở vùng trũng thấp, các anh Phan Công Tuấn (CA viên thôn), Phùng Văn Tiễn (Thôn đội trưởng) vội vàng chống ghe đi cứu hộ. Các anh liên tục quần đảo ghe đưa hàng chục người già, trẻ nhỏ lên vùng đất gò tránh lũ. Để đi đến nhà bà Thôi, các anh phải liều mình băng qua các vùng nước chảy xiết, luồn người dưới những bụi tre gai góc để tiếp cận ngôi nhà sát biền sông Yên này. Phải mất nửa giờ vật lộn với nước lũ, các anh mới đưa được bà Thôi đến nơi an toàn. Bà Thôi nhớ lại, chỉ kịp choàng tấm ni-lon ra khỏi nhà, trời mưa tầm tã, ghe nhỏ nên liên tục chao đảo, còn bà thì co rúm hoảng sợ. “Khi thằng Tuấn em (anh Tuấn - CA viên) cõng bà xuống ghe, lội nước ngập ngang thắt lưng đến được nhà người con, lúc đó bà mới biết là mình còn sống...”, bà Thôi nói.
Bất chấp mưa rét, bụng đói, các anh Tuấn, Tiễn ngược xuôi trong lũ tìm đến từng nhà dân. Hết chuyến này đến chuyến khác, ăn qua loa buổi trưa bằng gói mì tôm, các anh tiếp tục quần đảo cho đến khi màn đêm sụp xuống. Bà Phùng Thị Hơn xúc động: “Nhà neo người, con đi làm ăn xa không về kịp, tui còn đang chới với tìm cách di tản thì cháu Tuấn, Tiễn đã tìm đến phụ giúp đưa tui với bọn nhỏ cùng đồ đạc lên chỗ cao nương náu”...
Anh Bùi Hồng tại nơi phát hiện chiếc ghe nan lật úp. |
Cũng trong sáng hôm đó, anh Bùi Hồng - CA viên Thường trực xã Hòa Tiến đang trên đường làm nhiệm vụ kiểm tra các điểm xung yếu bị ngập nước trên tuyến ADB5 để cảnh báo người dân và các phương tiện lưu thông được an toàn. Khi đến cầu Suối Đá (thôn La Bông, xã Hòa Tiến), anh nghe nhiều tiếng kêu cứu thất thanh, nhìn xuống khu vực Cầu Đá (cũ), anh hoảng hốt thấy chiếc ghe nan lật úp giữa dòng nước chảy xiết, 2 đầu mũi ghe có 2 người dân địa phương là ông Phạm Thơ (1967), cụ Nguyễn Bán (1934) đang bu bám.
Bất chấp hiểm nguy, anh Hồng nhảy lên chiếc ghe đang neo đậu gần đó. Khi ông Thơ bám được một nhành tre thì ông Bán và chiếc ghe đã bị nước lũ đẩy xa một đoạn 30m, anh Hồng kịp thời chống sào lao theo níu kéo ông Bán đưa lên ghe. Khi chúng tôi hỏi “Vì sao, anh lại hành động liều lĩnh như thế?”. Anh Hồng chân tình: “Người dân trong làng đều là người thân của mình cả, nên ở thời khắc nguy hiểm đó, tôi không kịp toan tính mà chỉ biết hành động thật nhanh, nỗ lực cứu người cho bằng được”...
Với tình cảm và trách nhiệm với dân, lực lượng CAX vùng nông thôn Hòa Vang đã và đang cố gắng vừa đảm bảo công tác chuyên môn, phòng chống các loại tội phạm không để kẻ xấu lợi dụng hoạt động phạm pháp, đảm bảo tốt nhất tình hình ANTT ở cơ sở; vừa bảo vệ, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là những vùng bị ngập lụt. Phẩm chất đó là truyền thống và là hành động thiết thực của lực lượng CA các cấp trong việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: “CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Vy Hậu