Báo Công An Đà Nẵng

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe qua đời sau khi bị bắn

Thứ bảy, 09/07/2022 07:28
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Trong một cuộc họp báo chiều 8-7, người đứng đầu bệnh viện Đại học Y Nara, nơi ông Abe được đưa tới điều trị sau khi bị bắn lên tiếng xác nhận cựu lãnh đạo Nhật Bản đã qua đời. Theo vị quan chức của bệnh viện, ông Abe Shinzo trút hơi thở cuối cùng vào lúc 17giờ 03 (giờ địa phương).

Ông Abe bị bắn khi đang vận động cho đảng Dân chủ Tự do trước cuộc bầu cử thượng viện diễn ra ngày 10-7. Ảnh: Asahi

Bị bắn và ngã gục tại chỗ

Cựu thủ tướng Abe, 67 tuổi, bị bắn vào khoảng 11 giờ 30 (giờ địa phương), khi đang có bài phát biểu vận động tranh cử cho đảng Dân chủ tự do tại thành phố Nara, miền Tây Nhật Bản, trước thềm các cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản, dự kiến diễn ra vào cuối tuần.

Theo Đài NHK, ông Abe Shinzo đã bị bắn vào vùng ngực và vùng cổ. Các nhân chứng cho biết ông Abe đã bị bắn từ phía sau và ngã gục ngay tại chỗ. Theo Đài NHK, ông Abe đã bị chảy máu ở vùng ngực sau vụ việc. Còn hãng tin Kyodo cho biết, cựu Thủ tướng Abe đã rơi vào hôn mê ngay sau khi trúng đạn. Ông được đưa khỏi hiện trường bằng xe cứu thương sau đó được vận chuyển tới bệnh viện bằng trực thăng y tế. NHK và Kyodo đều đưa tin, cựu Thủ tướng Nhật Bản được đưa đến bệnh viện trong tình trạng "ngừng tim phổi" - một thuật ngữ được sử dụng cho thấy nạn nhân không có dấu hiệu sự sống.

Người dân Nhật Bản "bị sốc" sau vụ nổ súng nhằm vào cựu Thủ tướng Abe. Ảnh: AP

Trong cuộc họp báo lúc 15 giờ chiều 8-7, đương kim Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho hay ông Abe đang trong trạng thái nguy kịch và các bác sĩ đang nỗ lực bảo toàn mạng sống cho nhà cựu lãnh đạo Nhật Bản. Ông Kishida đã rất xúc động và nói trong nước mắt: "Từ trái tim mình, tôi đang cầu nguyện cho ông Abe sẽ vượt qua cơn nguy kịch này". Thủ tướng kịch liệt lên án vụ tấn công "man rợ" và "không thể tha thứ" này, đồng thời cho biết vụ việc xảy ra ngay trong chiến dịch tranh cử của Nhật Bản, vốn là nền tảng dân chủ, là điều không thể tha thứ.

Theo Thủ tướng Kishida, Văn phòng đảng Dân chủ Tự do (LDP) tại Nara cho biết sự xuất hiện của ông Abe tại sự kiện ở địa phương này mới được quyết định vào tối 7-7 và sau đó, các thông tin chi tiết được tiết lộ cho những người ủng hộ. Thủ tướng Kishida tin rằng an ninh đã được đảm bảo một cách phù hợp trong sự kiện nhưng cho biết đây sẽ là một phần trong các cuộc điều tra về vụ việc.

Sau vụ việc, Thượng viện Nhật Bản đã ra quyết định ngừng tất cả các hoạt động vận động bầu cử đối với tất cả các ứng cử viên trên toàn quốc.

Nghi phạm Yamagumi Tetsuya bị bắt ngay tại hiện trường. Ảnh: Getty

Nghi phạm từng làm việc trong Lực lượng phòng vệ

Nghi phạm đã bị bắt giữ ngay tại hiện trường vụ nổ súng vì tội cố ý giết người. Theo thông tin từ cảnh sát, nghi phạm có tên là Yamagumi Tetsuya, 41 tuổi, cư dân thành phố Nara (miền Tây Nhật Bản). Y từng phục vụ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong 3 năm và đã ra khỏi lực lượng này từ năm 2005.

Tetsuya Yamagami đã khai với cảnh sát rằng, y đã chủ ý sát hại cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Đài truyền hình NHK dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết nghi phạm đã khai với các nhân viên điều tra rằng, y không hài lòng với cựu Thủ tướng Abe và có ý định sát hại chính trị gia này. Cảnh sát đã thu giữ tại hiện trường một khẩu súng, dường như là súng tự chế được làm thủ công.

Ông Abe được đưa tới Bệnh viện đại học y Nara để cấp cứu. Ảnh: AP

Thế giới "bị sốc"

Vụ nổ súng nhằm vào cựu Thủ tướng Shinzo Abe khiến người dân Nhật Bản cũng như thế giới bất ngờ và "bị sốc" bởi Nhật Bản là một trong những quốc gia có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt nhất thế giới. Số người chết vì súng hàng năm ở đất nước 125 triệu dân này thường là những con số đơn lẻ. Quá trình cấp giấy phép sử dụng súng là một quá trình lâu dài và phức tạp ngay cả đối với công dân Nhật Bản, khi họ phải được một hiệp hội bắn súng giới thiệu và sau đó phải trải qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt của cảnh sát. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo của Nhật Bản - dù còn tại vị hay đã nghỉ hưu - bị bắn chết kể từ thập niên 1930.

William Cleary, giáo sư luật hình sự tại Đại học Hiroshima Shudo cho biết: "Ở Nhật Bản, kiểu nổ súng thế này cực kỳ hiếm, đó là lý do tại sao nó lại dễ dàng thực hiện". "An ninh rõ ràng là quá lỏng lẻo và vụ việc này sẽ thúc đẩy an ninh được thắt chặt hơn, đặc biệt là tại các bài phát biểu công khai".

Yuki Ito, 42 tuổi, người đang mua sắm tại một hiệu thuốc gần đó cho biết: "Thật là sốc, tôi chưa bao giờ nghĩ thảm họa như vậy lại xảy ra ở một thị trấn nông thôn". "Nó xảy ra ở một nơi gần các văn phòng, ngân hàng và trung tâm mua sắm, và là một nơi vốn rất an toàn. Tôi sợ hãi khi biết rằng đó là một tội phạm sử dụng súng".

Bà Nancy Snow - Giám đốc Hội đồng Công nghiệp An ninh Quốc tế cho rằng, vụ nổ súng vào cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 8-7 sẽ thay đổi Nhật Bản "mãi mãi". "Người Nhật không thể tưởng tượng được việc phải đối mặt với tình trạng bạo lực súng đạn như ở Mỹ. Đó là một khoảnh khắc không thể nói thành lời… Điều gì sẽ xảy ra với tâm lý của người dân nước này khi trước giờ họ vẫn tự do đi lại và tương tác xã hội với nhau. Họ không phải sử dụng kiểu bạo lực như vậy", bà Nancy Snow nhận định.

AN BÌNH