Cựu Thủ tướng Yingluck với phiên xử cuối cùng
Phiên xét xử cuối cùng trong vụ án kéo dài 2 năm liên quan chương trình trợ giá gạo của cựu Thủ tướng Thái Lan bị lật đổ, bà Yingluck Shinawatra, đã diễn ra ngày 21-7 tại Bangkok. Tòa án dự kiến sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong vài tuần tới, trong đó nếu bị kết tội, vị cựu thủ tướng này có thể đối mặt án 10 năm tù và bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bị cáo buộc không làm tròn trách nhiệm |
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra có mặt tại tòa vào ngày 21-7. Nhiều người trung thành với cựu thủ tướng có mặt để ủng hộ bà. Trên tay họ là những đóa hoa hồng đỏ. Và nhiều người trong số họ đã khóc.
Vị nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan cũng không ngăn nổi dòng nước mắt khi đón nhận hoa và tình cảm từ những người ủng hộ. Bà đã lau nước mắt khi ôm họ ở bên ngoài tòa án ở Bangkok. “Tôi muốn cảm ơn tất cả các phương tiện truyền thông và những người đến đây để ủng hộ tôi”, bà nói trong bình luận ngắn gọn với báo chí.
An ninh được thắt chặt quanh phiên tòa sau khi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cảnh báo những người ủng hộ bà Yingluck không được gây rối, nguy cơ dẫn đến xung đột bạo lực ở thủ đô. Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan, đại tướng Chalermchai Sitthisart cho biết, quân đội đưa lực lượng đến hỗ trợ cảnh sát đảm bảo an ninh trật tự tại phiên tòa cuối cùng xét xử cựu Thủ tướng Yingluck.
Cuộc chiến pháp lý của bà Yingluck bắt đầu sau khi bà bị tịch thu nhiều tài sản và phạt 35,7 tỷ baht (hơn 1 tỷ USD) vì làm thất thoát tiền trong kế hoạch trợ giá gạo cho nông dân. Ngoài án phạt hơn 1 tỷ USD, bà Yingluck còn đối mặt với 15 cáo buộc như cấp hộ chiếu cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, cũng là anh trai bà; can thiệp quá mức vào cải tổ quân đội...
Tuy nhiên, dù bị cấm tham gia hoạt động chính trị, bà vẫn giữ vai trò đại diện không chính thức cho đảng Peau Thai và vẫn nhận được sự ủng hộ vững chắc từ tầng lớp nông dân. Những người ủng hộ của bà nói rằng, vụ việc lần này là “âm mưu” của chính quyền quân sự vốn lật đổ chính phủ của bà Yingluck vào năm 2014 và quyết tâm giải thể gia tộc siêu giàu có ra khỏi sân khấu chính trị của Thái Lan.
Bà Wachiraporn Laongnual, người cho biết đã đi 2 tiếng đồng hồ để tham dự phiên tòa, nói: “Mọi người yêu thích gia đình Shinawatra vì họ đã giúp những người nghèo có tiền và kiếm sống. Theo chương trình trợ giá gạo của bà Yingluck, gạo đã được chính phủ mua lại và nông dân có thể sống tốt”.
Ông Thaksin là nhân vật bắt đầu đưa ra các chương trình trợ giá gạo này. Nhưng bà Yingluck là người đẩy dự án tiến xa hơn khi mua gạo của nông dân với mức giá cao hơn khoảng 50% so với giá thị trường. Bà bị cáo buộc không làm tròn trách nhiệm trong chương trình này, khiến ngân sách quốc gia thiệt hại hàng tỷ USD.
Cựu Thủ tướng Thaksin, người đứng đầu gia đình Shinawatra, cũng đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và đang sống lưu vong vì những cáo buộc tham nhũng. Ông Thaksin có khả năng sẽ không thể trở về nước khi Thái Lan thay đổi luật.
Mới đây nhất, hôm 13-7, Tổng cục Thuế Thái Lan phong tỏa các tài khoản ngân hàng với giá trị khoảng 100 triệu baht của cựu Thủ tướng Thaksin sau khi cáo buộc ông này phạm tội trốn thuế cách đây 10 năm được đưa ra xem xét lại hồi đầu năm nay. Hồi tháng 3-2017, Tổng cục Thuế đòi ông Thaksin phải hoàn trả số tiền 16 tỷ baht sau khi bị Văn phòng Tổng Kiểm toán Thái Lan gửi thư yêu cầu truy thu số tiền thuế ông Thaksin đã trốn, dù lãnh đạo Tổng cục Thuế, ông Prasong Poontaneat nói rằng vụ việc đã kết thúc và cơ quan này đã tịch thu số tài sản trị giá 46 tỷ baht của vị cựu Thủ tướng vào năm 2010.
Trong khi đó, chính phủ Thái Lan cho biết, tiến trình phong tỏa và tịch thu tài sản của cựu Thủ tướng Yingluck gặp một số trở ngại và chưa thể thực hiện được trong thời gian tới.
KHẢ ANH