Báo Công An Đà Nẵng

Cựu Tổng thống Mahinda - đau đáu sự trở lại

Thứ bảy, 28/02/2015 07:00

(Cadn.com.vn) - Những người ủng hộ cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đang hướng mắt vào cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, với hy vọng sẽ đưa ông trở lại chính trường Sri Lanka, động thái có thể đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với chương trình nghị sự của tân Tổng thống Maithripala Sirisena trong nỗ lực cải cách dân chủ.

Với thành tích đánh bại lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil Elam (LETTE) chấm dứt nội chiến vào năm 2009, đưa đất nước đi đến hòa bình lâu dài, ông Rajapaksa được tung hô như người hùng và dễ dàng tái đắc cử năm 2010. Tuy nhiên, ông bị đồng minh một thời, ông Sirisena, đánh bại trong cuộc bầu cử hồi tháng trước. Dù vậy, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.

ÂM MƯU

“Những gì chúng ta đang trải qua hôm nay không phải là thất bại mà là kết quả của một âm mưu”, ông Rajapaksa phát biểu tại cuộc biểu tình  trước hàng chục ngàn người ủng hộ ở Colombo hôm 18-2 kêu gọi ông quay trở lại.

Nhiều bài viết nói về vai trò của nước láng giềng Ấn Độ trong chiến thắng của ông Sirisena. Trong thời gian lãnh đạo đất nước, đặc biệt là sau khi phải đối mặt với chỉ trích của phương Tây và kêu gọi điều tra tội ác chiến tranh, ông Rajapaksa xích lại gần hơn với Trung Quốc chống lại hành động của cộng đồng quốc tế. Đối với phương Tây, Ấn Độ là đối trọng tiềm năng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực. Dĩ nhiên, New Dehli không hài lòng với ông Rajapaksa, người cho phép các tàu ngầm của Trung Quốc cập cảng Colombo và chấm dứt nhiều thỏa thuận với Bắc Kinh trong việc xây dựng cảng nước sâu ở thị trấn Hambantota và tài trợ cho các dự án xây dựng lớn.

Người ủng hộ ông Rajapaksa thẫn thờ khi hay tin ông thất bại. Ảnh: AP

VAI TRÒ QUAN TRỌNG

Ông Rajapaksa cũng từng phải nhờ đến chủ nghĩa dân tộc để giành sự ủng hộ của người dân, cáo buộc, phương Tây và LHQ “tuyên truyền và bắt nạt”, và do đó là kẻ thù của Sri Lanka.

Nhiều người ủng hộ nỗ lực của ông Rajapaksa trong việc thúc đẩy dân tộc thiểu số Tamil ra bên lề xã hội và chính trị Sri Lanka và nằm dưới sự lãnh đạo của dân tộc đa số Sinhalese. Các đồng minh của ông Rajapaksa trong Liên minh Tự do nhân dân (UPFA) cáo buộc ông Sirisena, người cam kết cải cách dân chủ trong vòng 100 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, chia rẽ đất nước Ấn Độ Dương với những người Tamil. Cho rằng ông Sirisena là “mối đe dọa” đối với sự thống nhất quốc gia, những người ủng hộ ông Rajapaksa tin rằng, ông sẽ giành chức thủ tướng trong cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức vào tháng 4 tới.

Trớ trêu thay, việc ông Rajapaksa có được vị trí thủ tướng hay không phụ thuộc vào chương trình cải cách của ông Sirisena, người cam kết sẽ giảm bớt quyền lực của tổng thống và trả lại quyền đáng kể cho Quốc hội trong việc bầu chọn một thủ tướng đứng đầu chính phủ. Sau khi kết thúc cuộc chiến chống Tamil, ông Rajapaksa sửa đổi hiến pháp nhằm củng cố quyền lực của văn phòng của tổng thống. Ông cũng bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống.

Thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng trước không hề kết thúc sự nghiệp chính trị của ông Rajapaksa. Nó không làm mất đi sức hấp dẫn về hệ tư tưởng và ông tiếp tục được ủng hộ. Nhiều tờ báo bằng tiếng Sinhala vẫn ủng hộ ông. Ông Rajapaksa vẫn giành được sự ủng hộ của những người theo Phật giáo, nhờ những nỗ lực đánh bại nhóm cực đoan Bodu Bala Sena. Ông cũng được phong trào dân tộc Sinhalese ủng hộ.

Ông Rajapaksa là sự đặt cược tốt nhất cho các đồng minh, những người cần ông để đảm bảo chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội. Nhưng ông cũng là nỗi sợ hãi nhất của những người quan tâm đến dân chủ, dân quyền, chính trị, và bình đẳng sắc tộc ở Sri Lanka.

An Bình

(Theo Diplomat)