Báo Công An Đà Nẵng

Cựu tù Côn Đảo làm kinh tế giỏi

Thứ hai, 30/03/2015 11:02

(Cadn.com.vn) - Người lính trở về từ chiến tranh, thể xác chưa nguôi  nỗi đau lửa đạn nhưng vẫn vượt lên chính mình, gắn bó với thời cuộc. Đó là cựu chiến binh Ngô Đình Thương (73 tuổi, tổ 1, thôn Ban Mai 1, xã Ba, huyện Đông Giang,  Quảng Nam), nhiều năm được tặng bằng khen là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện.

Ông Thương bên những cây hồng xiêm miền Nam mới trồng phát triển tươi tốt.

Ông Thương nguyên quán ở thôn Châu Phong, xã Duy Hòa, Duy Xuyên (Quảng Nam), gia đình 3 đời làm cách mạng (ông nội và cha là liệt sĩ, mẹ là Mẹ VNAH). Khi đất nước chia cắt, khói lửa ngập tràn miền Nam, ông thoát ly làm cách mạng, 13 tuổi đã làm giao liên. Tháng 6-1963, ông gia nhập đội du kích xã Duy Hòa. Năm 1969, ông lên Tây Nguyên làm nhiệm vụ vận động thanh niên địa phương trong vùng địch trở về cách mạng. Trên đường đi công tác, ngày 20-12-1969, ông bị địch bắt đưa vào nhà lao Khánh Hòa rồi bị đày ra Côn Đảo. Ngày nào cũng bị chúng tra tấn cực hình, chứng kiến những cái chết của đồng đội nhưng ông vẫn giữ khí tiết, cùng với anh em trong tù đoàn kết đấu tranh chống chào cờ giặc, chống học tố cộng diệt cộng, phản đối khủng bố trắng...

Khi địch hỏi vì sao tụi bây không theo chính nghĩa quốc gia mà theo Việt Cộng, ông trả lời: “Thế tại sao các ông lại theo Mỹ”... Mùa đông năm 1973, ông và nhiều chiến sĩ cách mạng khác được trao trả tại sân bay Lộc Ninh. Vừa ra tù cũng là lúc, người chiến binh 32 tuổi này nghe tin báo cha mẹ anh chị trong gia đình đều đã bị địch sát hại. Nên, khi được cấp trên cho an dưỡng ngoài Bắc, ông đã không chịu đi; vì nghĩ suy đơn giản: gia đình đã không còn ai, nhưng không phải vì thế mà mình suy sụp đến nỗi phải đi an dưỡng, còn sống một ngày cũng cống hiến. Năm 1974, ông xin về quê hương Quảng Nam, vì sức tàn lực kiệt không thể chiến đấu được nữa nên xin về công tác ở nông trường chè.

Nghỉ việc ở nông trường chè Quyết Thắng vào năm 1988, ông Thương tìm kế sinh nhai mới nơi vùng cao Đông Giang. Với diện tích chỉ 5.000 mét vuông đất vườn, từ số tiền dành dụm trước đó, cộng với lương hưu, ông trồng sắn, nuôi cá rồi lần lần phát triển dần lên thành mô hình VAC. Học tập mô hình này từ nhiều nơi, ông trồng thêm những cây ngắn ngày như chuối, khoai, sắn; nuôi cá mè, bò, nhím...Khi đó, vườn chuối của ông lớn nhất xã Ba với hơn 60 cây; 100 con bò. Mô hình VAC ngày càng hoàn thiện, giúp ông trong suốt mấy năm qua thu nhập 10 triệu đồng/tháng; liên tục các năm là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, nhiều người trong huyện tới tham quan học tập mô hình của ông.

Nuôi nhím nhà ông Thương.

Bây giờ, vào vườn nhà ông, sẽ thấy một căn nhà khuất lấp trong những ao cá, cây trái, được ông quy hoạch rất đẹp, không để một tấc đất nào bỏ không. Ông bảo, ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình VAC còn giúp tạo cảnh quan thanh bình, trong lành an dưỡng tuổi già. Từ đầu năm nay, ông chuyển hướng từ trồng cây ngắn ngày sang trồng các loại cây ăn quả miền Nam. Ông đã liên hệ với những người họ hàng, bạn chiến đấu thời xưa trong Nam, nhờ tư vấn kỹ thuật, chuyển giống về.

Vườn nhà ông bây giờ đủ cả măng cụt, lòn bon Thái ghép, cam xoàn ghép, dừa xoắn, vú sữa, mít Thái Lan ghép, mít tố nữ, xoài giòn, hồng xiêm... đang phát triển tốt, không sâu bệnh, ông tin chắc hơn 1 năm nữa sẽ thu hoạch  hiệu quả kinh tế cao. “Lao động giúp cho tôi khỏe khoắn hơn, xua đi cái đau vết thương chiến tranh để lại trên da thịt”–ông bộc bạch. Gia đình ông đã được Chính phủ tặng bảng vàng gia đình danh dự. Ngoài các Huân chương kháng chiến, Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị tù đày... bây giờ, những bằng khen nông dân giỏi là những cống hiến mới của ông với đời.

Mai Thành Dũng