Báo Công An Đà Nẵng

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy

Thứ bảy, 12/09/2020 19:00

Xác định công tác tuyên truyền là một trong những biện pháp quan trọng, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng, tác động không nhỏ của tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng các đơn vị, địa phương trên địa bàn Đà Nẵng vẫn tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, phòng, chống và đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

CAP Bình Hiên (Q.Hải Châu) tổ chức tuyên truyền về tác hại của ma túy cho người dân.

Đặc biệt, trong thời gian cao điểm hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” (tháng 6), mà xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, các đơn vị, địa phương trên toàn TP đã, đang và sẽ tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, với nhiều nội dung và hình thức phong phú.

Đơn cử tại Q. Hải Châu, nhân “Tháng hành động phòng, chống ma túy” 6-2020, ngoài việc phối hợp với địa phương tổ chức treo hàng trăm băng rôn, phướn, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng chống tệ nạn ma túy, thì UBND các phường cũng đã tổ chức gặp mặt các đối tượng đang quản lý sau cai và số đã hết thời hạn quản lý sau cai để giáo dục, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, qua đó có giải pháp tạo điều kiện giúp đỡ, hạn chế tái nghiện. Trong đó, UBND P. Hòa Thuận Đông tổ chức Hội thi tuyên truyền với chủ đề phòng, chống ma túy, HIV/AIDS với hơn 350 người tham dự, đa số là thanh thiếu niên (TTN) và đối tượng đang quản lý sau cai nghiện tại địa phương. Ngoài ra, các địa phương như Hòa Thuận Tây, Bình Thuận, Bình Hiên, Nam Dương còn phối hợp với CA, Đoàn Thanh niên phường tổ chức tuyên truyền, gặp mặt và đối thoại với khoảng 100 đối tượng đã và đang quản lý sau cai nghiện, đối tượng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; TTN vi phạm pháp luật và sinh viên thuê trọ trên địa bàn phường. Qua buổi gặp mặt, CAP cho các đối tượng viết cam kết không tái phạm hoặc vi phạm pháp luật.

“Điểm mấu chốt trong công tác tuyên truyền chính là ở các tuyên truyền viên – họ là những người quản lý sau cai nghiện hoàn lương, tiến bộ. Chính họ trực tiếp chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm của bản thân trong việc từ bỏ ma túy, với những việc làm cụ thể, họ quyết tâm làm lại cuộc đời nên hiệu quả tuyên truyền rất cao”, bà Phạm Thị Sen- Phó Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB-XH) nhìn nhận.

Bên cạnh công tác tuyên truyền thì các địa phương cũng tích cực thăm hỏi, động viên, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của những người từng sa cơ lỡ vận. Đơn cử như P. Hải Châu 2 tổ chức gặp mặt, sinh hoạt CLB sau cai, đồng thời tổ chức sinh hoạt dã ngoại, thăm và tặng 30 phần quà với số tiền 9,5 triệu đồng cho trẻ em tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Đà Nẵng; CLB “Sức Sống Mới” (CLB sau cai) P. Hòa Thuận Tây tặng phần quà trị giá 1 triệu đồng cho 1 đối tượng đã hoàn thành thời gian quản lý sau cai nghiện có công việc ổn định, có nhiều tiến bộ; P. Phước Ninh, Hải Châu 1, Thạch Thang và Thanh Bình phối hợp với Mặt trận, CA, Đoàn Thanh niên phường tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tác hại do ma túy gây ra với hơn 450 người tham dự…

Tại Q.Thanh Khê, Phòng LĐ-TB-XH phối hợp với Ban Chỉ đạo 138 các phường mở 4 lớp tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm cho các chủ kinh doanh dịch vụ và nữ tiếp viên, kỹ thuật viên trên địa bàn quận với hơn 700 lượt người tham dự; phối hợp với UBND các phường mở 10 lớp tuyên truyền phòng chống TNXH cho các đối tượng nguy cơ cao nghiện ma túy, gia đình, cộng đồng, sau cai nghiện và gia đình họ với hơn 1.000 người tham dự.

Với các địa phương như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hòa Vang, căn cứ vào tình hình thực tế, mỗi địa phương đều có những hình thức tuyên truyền cụ thể, phù hợp, mang lại hiệu ứng khá tích cực. Như tại Liên Chiểu, Ban Chỉ đạo 138 quận đã phối hợp với Phòng Tư pháp, TAND, Viện KSND quận tổ chức Phiên tòa giả định xét xử hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy… thu hút được hàng trăm lượt người theo dõi. Tại Q. Cẩm Lệ, thông qua Đài Truyền thanh, UBND quận đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống ma túy với tần suất 2 buổi/tuần vào các ngày thứ ba và thứ năm, H. Hòa Vang tổ chức tuyên truyền tại 6 điểm cho hơn 600 lượt người tham gia trên địa bàn các xã; Trung tâm văn hóa thông tin huyện duy trì chương trình truyền thanh ANTT, pháp luật và đời sống hàng tuần trên sóng truyền thanh huyện; đã cấp phát 200 băng rôn tuyên truyền tại 11 xã...

“Thông qua các hoạt động nhân “Tháng hành động phòng, chống ma túy, các đơn vị, địa phương đã chuyển tải nhiều thông tin bổ ích đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức về tác hại của ma túy và có biện pháp phòng tránh”, ông Lương Vĩnh Thái, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH cho hay.

Có thể khẳng định, nhờ công tác tuyên truyền, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn Đà Nẵng còn phát động phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy, giúp đỡ người nghiện, người sau cai và nhân rộng các mô hình, gương điển hình tiên tiến... Các hình thức tuyên truyền đa dạng này đã và đang góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn.

D.H