Báo Công An Đà Nẵng

Đã đến lúc chuyển trạng thái

Thứ tư, 22/09/2021 09:28

Cho đến nay, có thể nói rằng, xóa sổ dịch bệnh COVID-19 đã trở thành nhiệm vụ bất khả thi, ít nhất trong một khoảng thời gian ngắn sắp tới.

Trên bình diện thế giới, chiến lược “Zero COVID-19” phải chuyển hướng sang sống chung an toàn với COVID-19 (WHO, 7-9-2021).

Tại Việt Nam, cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội cũng đang trong tâm thế sẵn sàng xoay trục chiến lược từ “chống dịch như chống giặc” sang chung sống với dịch như lời khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Đây là bước chuyển mình đúng đắn, hợp xu thế.

Tuy nhiên, để xoay trục chiến lược bên cạnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng cần phải nhanh nhạy và chủ động. Bởi có một số đối tượng không thể chờ lâu hơn được nữa, trong đó có các doanh nghiệp thoi thóp, đang trên bờ vực phá sản.

Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2021, có 85.508 doanh nghiệp từ bỏ cuộc chơi, thoái lui khỏi thị trường. Trong số đó có đến 43.165 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 50,5% (Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021, Tổng cục Thống kê). Đây chính là con số biết nói, gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng “3 tại chỗ” đã không còn là giải pháp tối ưu. Nó khiến các doanh nghiệp chịu gánh nặng về chi phí ăn ở, xét nghiệm… cho người lao động cũng như đứng trước tình trạng thiếu hụt lao động để sản xuất. Về lâu về dài, doanh nghiệp khó có thể cầm cự nổi. Cần chuyển hướng mau lẹ để hà hơi, tiếp sức cho doanh nghiệp tiếp tục tồn tại và phát triển.

Kinh tế là thước đo sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia. Việc đóng cửa, hi sinh kinh tế để thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch là cần thiết. Nhưng có lẽ đến nay, nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Nếu không nhanh chóng khơi thông dòng chảy kinh tế thì dễ dẫn đến tình trạng “tức nước, vỡ bờ” khi sản xuất bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, sản phẩm nông nghiệp không có đầu ra; lao động thất nghiệp; sinh kế của người dân bị ảnh hưởng… Đó là những hệ lụỵ của chính sách thắt chặt trong phòng, chống dịch bệnh trong thời gian dài.

Và nếu chúng ta tiếp tục “đóng cửa bảo nhau” lâu hơn nữa trong khi các quốc gia trong khu vực và trên đã chủ động nhấn nút “replay” thì vị thế mà chúng ta dày công xác lập trong chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu sẽ bị hủy hoại, không sớm thì muộn cũng sẽ bị thay thế. Thực tế, nhiều đối tác nước ngoài đã chuyển đơn đặt hàng sang các nước khác do chi phí phát sinh từ việc thực hiện các biện pháp giãn cách. Điều này chính là án tử cho các doanh nghiệp.

Các chỉ thị 15/CT-TTg, 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khai sinh từ năm 2020 đã phát huy hiệu quả tối đa trong một khoảng thời gian khá dài, thế nhưng, đến nay tỏ rõ sự bất cập, hạn chế trước đợt tấn công dữ dội của đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Bằng chứng rõ ràng nhất chính là, trong thực tế, một số địa phương đã áp dụng biện pháp phòng chống dịch “cao hơn” hoặc “thấp hơn” các chỉ thị nói trên. Ngay cả Quyết định số 2686/QĐ-BCĐ ngày 31-5-2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tuy đã bám sát thực tế để đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp tương ứng trong phòng chống dịch nhưng chưa có lời giải cho bài toán vừa chống dịch, vừa “giải cứu” kinh tế làm cho tình hình càng thêm bức bách.

Tình hình mới, tư duy mới, chủ trương mới thì cơ chế chính sách cũng phải mới. Chiếc áo cơ chế vốn đã quá chật cần được cởi bỏ. Đừng chần chừ khi nguồn lực xã hội đã bộc lộ dấu hiệu cạn kiệt; người dân và doanh nghiệp đã vô cùng nỗ lực, đang bắt đầu phải gắng gượng, rất có thể đuối sức bất cứ lúc nào. Đã đến lúc chấm dứt sử dụng phương thức garo buộc chặt cho mọi loại vết thương. Hoạt động sản xuất kinh doanh phải được kích hoạt lại ở mức độ cao hơn. Việc phong tỏa trên diện rộng, quy mô lớn, phong tỏa theo “3 vùng” cần chuyển sang phong tỏa theo điểm với quy mô hẹp nhất có thể để tránh nghẽn mạch xã hội và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Tất nhiên, thay đổi chiến lược phòng chống COVID – 19 không phải là liều lĩnh, đánh cược với sinh mạng Nhân dân. Chiếc chìa khóa vàng mở cánh cửa an toàn khi sống chung với COVID - 19 chính là phủ sóng vaccine. Hệ thống y tế cần được gia tăng sức mạnh bảo đảm về thuốc men, oxy, các trang thiết bị cần thiết... để phòng khi làn sóng dịch bệnh gia tăng. Công tác phòng, chống dịch vẫn không được phép lơi lỏng, lơ là.

Một quyết sách mới là đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống. Mới đây, 14 hiệp hội doanh nghiệp đã đệ trình lên Chính phủ bản kiến nghị công phu, chi tiết, với nhiều kiến nghị hết sức mạnh mẽ. Có thể, đây là tài liệu giúp ích, hối thúc phần nào các cấp thẩm quyền, cơ quan chức năng xây dựng quyết sách, chiến lược phòng chống COVID-19 trong giai đoạn mới.

TRƯƠNG THỊ ĐIỆP
Trường Chính trị Đà Nẵng