Báo Công An Đà Nẵng

Đã đến lúc Nhật nên phát triển vũ khí hạt nhân?

Thứ hai, 24/04/2017 09:21

(Cadn.com.vn) - Nếu Nhật Bản muốn phát triển vũ khí hạt nhân, đây là thời điểm tốt nhất để bắt đầu. 

Tuần trước, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cảnh báo Triều Tiên đang chuẩn bị phóng tên lửa chứa chất độc hóa học Sarin chống Tokyo. Tổng thống Mỹ Donald Trump đổ thêm dầu vào sự hỗn loạn này khi tuyên bố một "đội quân" các tàu quân sự Mỹ đang hướng tới bán đảo Triều Tiên, song trên thực tế đội tàu này được cho là đã đi ngược hướng. Niềm tin Mỹ sẽ bảo đảm chiếc ô an toàn cho Nhật, giảm đi rất nhiều sau sự kiện này. Giờ đây, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều cảm thấy bị lừa dối và bỏ rơi.

Tình hình căng thẳng hiện nay là cơ hội để Nhật Bản bắt đầu chương trình hạt nhân. Ảnh: Diplomat

Trong khi chờ đợi, Nhật Bản phải tính đến sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực, việc tiếp tục xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông và tuyên bố chủ quyền các hòn đảo khác ở Biển Hoa Đông. Nhật Bản thực sự cần nâng cao khả năng tự bảo vệ an ninh quốc gia. Một trong số đó là phát triển chương trình hạt nhân.

Tàu chiến Mỹ tập trận cùng Nhật

Ngày 23-4, hai tàu khu trục của Nhật Bản bắt đầu tập trận hải quân chung với đội tàu chiến Mỹ do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu trên đường tới bán đảo Triều Tiên.

Theo thông cáo của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản (MSDF), các tàu khu trục này sẽ diễn tập "nhiều chiến thuật khác nhau" với biên đội tàu chiến của Mỹ. Tuy nhiên, MSDF không tiết lộ, các tàu khu trục này sẽ đồng hành với nhóm tàu chiến Mỹ trong bao lâu.

Trong khi đó, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đánh chìm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ để thể hiện sức mạnh quân sự của Bình Nhưỡng. "Các lực lượng cách mạng của chúng ta sẵn sàng chiến đấu để đánh chìm tàu sân bay hạt nhân Mỹ chỉ bằng một đòn", tờ Rodong Sinmun của đảng Lao động Triều Tiên cho biết trong một bài bình luận. Bài bình luận ví tàu USS Carl Vinson là "loài vật to béo" và tấn công con tàu là "ví dụ thực tế để phô diễn sức mạnh quân sự".

Thúy Ngọc

Tuy nhiên, Tokyo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chính trị, tài chính, công nghệ và xã hội nếu phát triển vũ khí hạt nhân. Sẽ không dễ dàng để chính quyền Thủ tướng Abe đẩy mạnh việc phát triển vũ khí hạt nhân mặc dù Hiến pháp Nhật Bản không ngăn cản việc sở hữu chúng.

Về chi phí, chắc chắn kế hoạch này sẽ ngốn rất nhiều ngân sách. Chỉ để bắt đầu thôi cũng đã mất vài tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh Tổng thống Trump thúc đẩy Nhật chi nhiều tiền hơn cho an ninh, trong dài hạn, ông Abe sẽ đầu tư để tăng cường khả năng phòng thủ thay vì phải chi tiền cho chiếc ô an ninh của Mỹ vốn ngày càng không đáng tin cậy.

Phát triển vũ khí hạt nhân, ngay cả đối với một trong những nước tiên tiến nhất trên thế giới, sẽ không chỉ tốn kém mà còn là một nhiệm vụ đầy thách thức. Nhật Bản là một hòn đảo, do đó việc triển khai một số tên lửa trên tàu ngầm và triển khai chúng trong các vùng nước sâu gần bờ biển là phương án tối ưu để ngăn chặn hạt nhân. Đội tàu ngầm đầy ấn tượng hiện nay do Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) đang vận hành bằng dầu diesel. JMSDF không có tàu có động cơ hạt nhân. Ngoài ra, Tokyo có nguồn nguyên liệu cần thiết. Hiện Nhật Bản tiếp tục dự trữ plutonium từ các nhà máy điện hạt nhân, và có thể làm giàu để sản xuất vũ khí.

Xã hội Nhật Bản phần lớn chống lại vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, điều này có thể nhanh chóng thay đổi và nhường chỗ cho sự ủng hộ do kết quả của mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên. Người Nhật sẽ lựa chọn ủng hộ chương trình hạt nhân thay vì bị Triều Tiên đánh bom.

Ông Trump vô tình mở ra khả năng phát triển chương trình hạt nhân của Nhật trong chiến dịch tranh cử. Ông kêu gọi Tokyo "tiến lên hạt nhân". Mặc dù ông đã thay đổi lập trường, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson một lần nữa gợi ý rằng "hoàn cảnh có thể tiến triển" cho phép Nhật bản có kho vũ khí hạt nhân. Dường như Nhật Bản thực sự đang ở trong một "khoảnh khắc hạt nhân".

Quyết định bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân trước hết là một vấn đề chính trị, và dựa trên tính toán chi phí cẩn thận, đánh giá các rủi ro, một ý chí chính trị và sự sẵn sàng. Trong trường hợp Nhật Bản trở thành một quốc gia hạt nhân, phản đối từ các nước láng giềng sẽ rất lớn. Nga cũng sẽ báo động. Có thể Mỹ cũng sẽ phản đối, chẳng hạn như rút khỏi liên minh an ninh. Tất cả điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Bất kỳ hành động trả đũa nào nhằm vào Tokyo cũng có thể gây ra cú sốc kinh tế nghiêm trọng đối với quốc gia đang gặp khó khăn về mặt kinh tế.

Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro, có những dấu hiệu cho thấy Tokyo đang ngầm xem xét "cơ hội" hiện tại. Quyết định bắt đầu tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng từ giữa năm 2018 tại cơ sở Rokkashu-mura thuộc tỉnh Aomori thay vì dựa vào các nước khác như Anh và Pháp như trước đây, làm dấy lên nghi ngờ rằng Tokyo chuẩn bị "tiến tới hạt nhân". Ngay cả các quan chức cấp cao cũng bắt đầu công khai nói về việc phát triển hạt nhân.

Hiện nay, có lẽ là lần đầu tiên kể từ Thế chiến II kết thúc, cánh cửa cơ hội mở ra cho Nhật Bản giúp Tokyo tự bảo vệ an ninh quốc gia.

An Bình
(Theo Diplomat)