Đã “gỡ nút thắt” cho nhà máy xử lý rác thải rắn Khánh Sơn?
Ngày 11-1, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã kiểm tra thực tế Khu liên hiệp xử lý rác thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn sau khi nghe báo cáo tiến độ triển khai dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng trong một chuyến khảo sát thực trạng bãi rác Khánh Sơn.
Giữa năm 2024 có nhà máy?
Hiện tại vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày đêm đã cơ bản hoàn thiện giải phóng mặt bằng để triển khai hạ tầng kỹ thuật. Liên danh TDH Ecoland-XNK Huy Hoàng-Huy Hoàng Eco là đơn vị được TP chọn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo hình thức PPP để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Theo ông Nguyễn Công Hồng- Tổng Giám đốc TDH Ecoland, đại diện liên danh thì đơn vị đã hoàn thiện chỉnh sửa báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM), đang chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Về báo cáo công nghệ của dự án hiện đã được thống nhất, phân loại thành 2 tổ hợp công nghệ (gồm 7 công nghệ thành phần).
Tuy nhiên, đại diện Liên danh cũng cho biết, công tác lập, thẩm định báo cáo kỹ thuật và các báo cáo thành phần (DTM, báo cáo công nghệ, Thiết kế cơ sở) của dự án được thực hiện khẩn trương từ tháng 1-2020 đến nay, nhưng vì lý do khách quan đã chậm tiến độ khoảng 6 tháng. Do đó, Liên danh và các sở, ngành phải thường xuyên cập nhật, điều chỉnh tiến độ và kế hoạch triển khai so với dự kiến ban đầu.
Từ thực trạng đó, nhanh nhất phải tháng 8-2022 mới hoàn thành các thủ tục để phê duyệt báo cáo kỹ thuật của dự án. Sau đó, cần tối thiểu 9 tháng để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, với yêu cầu về quy mô và công nghệ của dự án, nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm cũng phải cần tối thiểu 10-12 tháng để tổ chức thi công xây dựng, đưa nhà máy vào vận hành chạy thử. Như vậy, phải tháng 5-2024 mới có nhà máy đi vào vận hành.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng kiểm tra vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn tại Khánh Sơn sáng 11-1.
Còn nhiều vướng mắc
Theo lộ trình thì giữa năm 2024 nhà máy đi vào hoạt động, tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, theo Luật Bảo vệ môi trường thì điều kiện triển khai thi công xây dựng và đưa dự án vào vận hành phải có bán kính cách khu dân cư, công trình dân dụng, công trình hạ tầng xã hội 500m. Nhưng khảo sát hiện trạng, xung quanh khu vực dự kiến xây dựng nhà máy vẫn còn khoảng 336 hộ dân và một số công trình xây dựng nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m của dự án. Cho đến nay, TP vẫn chưa thể hoàn thành việc đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư cho các hộ dân và di dời các công trình xây dựng khỏi vùng ảnh hưởng môi trường của dự án.
Đại diện Liên danh đánh giá, Đà Nẵng cần vài năm để hoàn thành toàn bộ công tác di dời, giải tỏa, bố trí tái định cư cho các hộ dân, các công trình hạ tầng xã hội trong vùng bán kính 500m. Đặc biệt, chi phí có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Trong điều kiện cấp bách phải có nhà máy xử lý rác thải rắn, nguồn kinh phí giải tỏa, đền bù lớn… thì giải pháp khả thi có thể đảm bảo không phải giải tỏa đền bù, vẫn đảm bảo khoảng cách bán kính 500m tiến hành xây dựng, vận hành nhà máy, đó là thay đổi vị trí thực hiện dự án.
Theo đề xuất của Liên danh, vị trí xây dựng dự án gần với hộc rác số 7, sát chân núi tại khu vực bãi rác Khánh Sơn. Nếu xây dựng tại vị trí này sẽ không phải di dời, giải tỏa các hộ dân, công trình xây dựng khỏi vùng ảnh hưởng môi trường của dự án mà vẫn tổ chức đầu tư xây dựng, đưa dự án vào hoạt động, đồng thời tiết kiệm ngân sách cho TP hàng ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, sẽ không phải chịu áp lực rủi ro pháp lý khi dự án đi vào hoạt động gây tác động đến tổ chức, cơ quan, cộng đồng dân cư xung quanh…
Sau khi kiểm tra thực tế vị trí mới xây dựng dự án, bước đầu lãnh đạo TP thống nhất đề xuất của Liên danh. Về phía Liên danh cũng cam kết tự chịu trách nhiệm toàn bộ kinh phí để khảo sát, lập quy hoạch chi tiến và đề xuất dự án đầu tư Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt công suất từ 1.000-1.500 tấn/ngày đêm tại vị trí mới (đồng thời đảm bảo quỹ đất để đầu tư xây dựng dự án Nhà máy xử lý 650 tấn/ngày đêm nếu TP tiếp tục thực hiện dự án này) trong thời gian 1 tháng. Liên danh cũng cam kết thi công xây dựng và đưa nhà máy vào vận hành chạy thử trong thời gian 8-10 tháng, tổ chức chạy thử trong 2 tháng. Trong thời gian này, TP có thể mời chuyên gia đánh giá, quan trắc môi trường theo các thông số về bụi, khí thải, nước thải, chất thải từ quá trình xử lý rác thải rắn sinh hoạt và chất lượng của các sản phẩm tái chế.
Với lượng rác thải rắn sinh hoạt gia tăng nhanh chóng cùng với sự phát triển của đô thị, nhu cầu phải có nhà máy xử lý thay vì chôn lấp rất cấp bách với Đà Nẵng. Tuy nhiên, quá trình triển khai nhà máy theo hình thức PPP gặp nhiều khó khăn vì chưa có tiền lệ (đây là dự án đầu tiên về xử lý môi trường được thực hiện theo hình thức PPP). Với “nút thắt” lớn nhất được tháo gỡ, hy vọng Đà Nẵng sẽ sớm có nhà máy xử lý rác thải rắn. Tuy nhiên, để nhà máy hoạt động thực sự hiệu quả, đòi hỏi việc phân loại rác tại nguồn phải thực hiện tốt.
HẢI QUỲNH