Đà Lạt có ngôi nhà... điên
(Cadn.com.vn) - Đà Lạt có một căn nhà, đúng hơn là một căn biệt thự gợi lên bao sự tò mò cho du khách bốn phương, mà khi nghe danh, ai cũng muốn chính mình đặt chân đến khám phá. Đó là biệt thự Hằng Nga, nhiều người còn gọi là căn nhà... điên (Crazy House) bởi nó được tạo ra từ ý tưởng nghệ thuật lạ lùng, khác người, từng được tạp chí du lịch nước ngoài The Richest đưa vào “top ten” những khách sạn kỳ quặc vào bậc nhất thế giới.
Du khách khám phá căn nhà điên. |
Ngôi nhà tọa lạc tại số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Đà Lạt, trên một diện tích gần 2.500m2. Người thiết kế và tạo dựng lên ngôi nhà này là nữ kiến trúc sư Đặng Việt Nga, con gái thứ hai của nhà thơ Sóng Hồng. Trong một buổi giao lưu thơ ca ở Đà Lạt, tôi tình cờ được giới thiệu làm quen với bà Nga. Ngôi nhà nay đã trở thành tổ hợp tham quan du lịch và khách sạn. Dịp ấy tôi may mắn được tham quan các không gian riêng tư của gia đình như phòng khách, thư viện, phòng trưng bày kỷ vật và không gian thờ phụng mang tính gia đình. Tôi lại có cơ hội thắp hương cho nhà thơ Sóng Hồng.
Bà Đặng Việt Nga năm nay đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”. Thời trẻ bà học ngành kiến trúc tại Nga thời Liên Xô cũ và lấy học vị tiến sĩ cùng ngành vào những năm đầu thập niên 1970 của thế kỷ trước. Bà bảo bà có duyên với xứ sở ngàn thông, bởi nơi đây có điều kiện thời tiết và khí hậu thích hợp với không gian nghệ thuật mà bà ấp ủ thực hiện. Năm 1983, bà cùng hai con nhỏ đến định cư tại Đà Lạt và năm 1990 thì bắt tay vào xây dựng căn nhà với những ý tưởng nghệ thuật của riêng mình. Vừa lao động nghệ thuật, vừa phải kiếm sống nhưng sự bền chí, bền lòng, khát vọng sáng tạo nghệ thuật và chọn hướng đi đúng đã giúp bà vượt qua tất cả khó khăn và đi đến thành công hôm nay...
Tác giả và nữ chủ nhân căn nhà điên. |
Bước vào không gian của căn nhà điên, du khách không khỏi trố mắt thú vị khi chính mình khám phá ra những điểm khác biệt so với một căn nhà bình thường. Khó có thể tìm thấy sự vuông vức, bằng phẳng và trơn tru, toàn bộ công trình là sự gắn kết những đường cong, đường chéo và sự méo mó. Vật liệu chừng như tan chảy và kết dính trở lại tạo cho người xem cảm giác mạnh mẽ như đang lạc vào chốn hang động hoang vu có từ ngàn năm trước. Đường dẫn vào nhà và đến các hành lang, sân vườn, phòng khách sạn là hệ thống hốc hang và những chiếc cầu hẹp, ngoằn nghèo, buông thả hững hờ giữa không trung tạo nên sự lạ lẫm, vừa thích thú vừa hồi hộp, sợ sệt. Nhiều đoạn hẹp và cao chênh vênh khiến người yếu bóng vía phải dò dẫm từng bước. Đó đây là những chiếc mạng nhện giăng mắc như những chiếc bẫy đợi mồi, gợi lên liên tưởng những con nhện khổng lồ đang ẩn mình, rình rập đâu đó và sẵn sàng xông ra bất cứ lúc nào.
Có khoảng 10 phòng được bố trí làm phòng khách sạn trong ngôi nhà. Mỗi phòng là một hang động với đầy đủ các tiện nghi được bài trí và che giấu một cách tài tình trong các ngóc ngách. Các phòng của khách sạn kỳ quái này không đánh số mà gọi tên theo các con vật được bố trí trong hang làm chủ đề. Đó là những con kiến, gấu, hươu cao cổ, thú có túi... Khi thắc mắc về những bức tượng phụ nữ khỏa thân với những sắc thái biểu cảm khác nhau, tượng thì quằn quại đau khổ như bị trói buộc, tượng thì hân hoan như đón nhận hạnh phúc, chúng tôi được ông chủ giải thích đó là dấu ấn tâm trạng của chính bà qua từng giai đoạn “lịch sử” xây dựng căn nhà điên này.
Mai Hữu Phước