Đà Lạt có "Phố bích họa"
Một góc "Phố bích họa" Đà Lạt. |
"Phố bích họa" là công trình nghệ thuật đang được 15 họa sĩ chuyên nghiệp trong và ngoài nước dày công thực hiện tại dốc Nhà Làng, một con dốc cao nằm sâu trong hẻm nhỏ, nối từ đường Trương Công Định xuống đường Phan Đình Phùng, P. 1, TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Công trình nghệ thuật này gồm trên 30 bức bích họa được vẽ trên biệt thự, tường nhà, taluy, hài hòa với không gian mái phố.
Đây là công trình nghệ thuật được thể hiện qua các phong cách nghệ thuật đại chúng. Trong không gian đặc thù được ví như là một gallery ngoài trời đầu tiên Đà Lạt là hoa cỏ thiên nhiên, là con người, là lịch sử thành phố hoa, đã truyền tải được vẻ đẹp cả chiều rộng lẫn chiều sâu của Đà Lạt trong quá khứ cũng như hiện tại. Một thế giới màu sắc tươi tắn được tái hiện giữa chính cuộc sống cư dân phố núi hiền hòa, thanh lịch với dốc cao lặng lẽ, thanh bình. "Phố bích họa" là nơi tái hiện sống động những công trình kiến trúc tiêu biểu, điển hình của Đà Lạt từ những năm đầu của thế kỷ XX đến ngày nay, như Nhà ga Đà Lạt, Trường CĐSP Đà Lạt, Nhà thờ Con Gà, Đỉnh Langbiang, quảng trường Lâm Viên, các căn biệt thự nổi tiếng, vườn hoa, đường phố, chân dung những thi sĩ, nhạc sĩ cùng những bài hát đã đi vào bất tử... Đó là chân dung bác sĩ A. Yersin, người đã có công phát hiện ra Đà Lạt; Là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người từng cho ra đời nhiều bài hát hay tại thành phố này, như: Chiều chủ nhật buồn, Tuổi đá buồn, Xin mặt trời ngủ yên, Dấu chân địa đàng, Phúc âm buồn...
Dốc Nhà Làng là một con hẻm nhỏ, sâu thăm thẳm với chiều dài khoảng 200m. Là nơi hình thành khu dân cư sống lâu đời bậc nhất Đà Lạt. Ngày nay, dù là khu vực trung tâm TP Đà Lạt những người dân vẫn giữ được "thói quen làng xã" và có mối quan hệ gắn kết cộng đồng cao.
UBND TP Đà Lạt kỳ vọng, "Phố bích họa" sẽ trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng trong dịp Festival hoa năm nay.
Đ.L