Đã ly hôn, vợ chồng vẫn phải liên đới trả nợ chung
* Bạn đọc hỏi: ông Võ Quỳnh, trú tỉnh Quảng Nam, hỏi: Trước đây, hai vợ chồng chúng tôi có vay nợ của ông Hải 600 triệu đồng. Năm 2016, vợ chồng tôi ly hôn, tài sản chung và nợ do các bên tự giải quyết mà không yêu cầu tòa án (TA) giải quyết. Sau khi biết vợ chồng tôi ly hôn, ông Hải đã khởi kiện ra tòa và TA đã có bản án buộc chúng tôi cùng chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ này. Tuy nhiên, nay ông Hải chỉ yêu cầu cơ quan thi hành án (CQTHA) cưỡng chế tài sản của tôi để thanh toán cho toàn bộ khoản nợ gốc và lãi mà không yêu cầu vợ cũ của tôi trả nợ (vì ông Hải không xác định được tài sản của vợ tôi). Tôi muốn hỏi rằng, CQTHA có quyền cưỡng chế nhà riêng của tôi để thanh toán toàn bộ khoản nợ gốc và lãi cho ông Hải không? Nếu tôi phải chịu toàn bộ trách nhiệm với khoản nợ này thì trách nhiệm của vợ cũ của tôi ở đâu, trong khi đây là nợ chung phát sinh trong thời kỳ hôn nhân?
* Th.S, LS Lê Ngô Hoài Phong – Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng trả lời: Xét về bản chất pháp lý, vợ chồng ông Quỳnh phải có trách nhiệm trả nợ đối với các khoản nợ đã hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Tại thời điểm ly hôn, vợ chồng ông Quỳnh đã không yêu cầu TA xử lý về khối nợ chung. Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ chung của vợ chồng ông Quỳnh hoàn toàn không mất đi bởi việc ly hôn. Có ý kiến cho rằng, đối với nghĩa vụ nợ, vợ chồng mỗi người có trách nhiệm trả 50% giá trị. Tuy nhiên, ý kiến này không phù hợp bởi không đảm bảo được quyền lợi của người thứ ba, đó là chủ nợ. Khi ly hôn, hai vợ chồng có thể tự thỏa thuận một trong hai người sẽ giữ toàn bộ tài sản, người kia không giữ bất kỳ tài sản nào. Như vậy, vô hình trung, việc ly hôn sẽ tạo điều kiện cho một trong các bên trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Theo quy định tại Điều 27, Điều 37 và Điều 60 Luật Hôn nhân và Gia đình, vợ chồng phải có các nghĩa vụ chung phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng xác lập. Khi ly hôn, vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về nghĩa vụ tài sản đối với người thứ ba. Do vậy, trong phán quyết của TA khi giải quyết yêu cầu trả nợ chung sau ly hôn sẽ thể hiện cụm từ “liên đới chịu trách nhiệm” trừ những trường hợp chủ nợ chấp nhận một hình thức khác. “Liên đới chịu trách nhiệm” được ghi nhận tại Điều 288 Bộ luật Dân sự và được hiểu như sau: chủ nợ có quyền yêu cầu một trong những người có nghĩa vụ phải thực hiện 100% nghĩa vụ hoặc mỗi người phải thực hiện một phần nghĩa vụ. Vì vậy, trong trường hợp của ông Quỳnh, nếu ông Hải không chấp nhận sự phân chia % nghĩa vụ trả nợ của hai vợ chồng ông Quỳnh và trong bản án hoặc quyết định của TA có nội dung vợ chồng ông Quỳnh có trách nhiệm liên đới trả nợ cho ông Hải thì ông Hải hoàn toàn có quyền yêu cầu và CQTHA có quyền tiến hành cưỡng chế nhà của ông Quỳnh để giải quyết toàn bộ khoản nợ gốc và lãi cho ông Hải. Sau khi thực hiện nghĩa vụ với ông Hải xong, ông Quỳnh có quyền yêu cầu vợ cũ của mình thực hiện thanh toán lại phần giá trị mà bà ấy có trách nhiệm phải thanh toán cho ông Hải.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn
của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425