Đà Nẵng áp dụng các biện pháp mạnh để đẩy lùi dịch bệnh
* Sẽ phát hành “giấy thông hành”
Chiều 30-7, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 08 về tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Đà Nẵng. Tinh thần của Nghị quyết lần này là nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, áp dụng các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn các nội dung mà Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhằm sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh...
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại khu công nghiệp Hòa Khánh. |
Quyết liệt, mạnh mẽ hơn
Theo Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, do số lượng ca nhiễm COVID-19 trong thời gian gần đây tăng nhanh, nhất là trong cộng đồng, nhiều ca nhiễm chưa xác định rõ nguồn lây. Căn cứ vào các tiêu chí mà Ban Chỉ đạo quốc gia đưa ra cho thấy Đà Nẵng đang ở mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao nên cần phải có những biện pháp phòng, chống quyết liệt, mạnh mẽ hơn.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu thực hiện các biện pháp mạnh hơn, cao hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo nội dung Chỉ thị số 16 của Thủ tướng nhằm đảm bảo phong tỏa, giãn cách và cách ly trên địa bàn toàn TP; vận dụng các quy định pháp luật để áp dụng các biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và một số hoạt động trong thời gian nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; bắt đầu thực hiện từ 18 giờ ngày 31-7-2021.
Nghị quyết yêu cầu các lực lượng chức năng từ TP đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch; khắc phục tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Huy động lực lượng, tổ chức kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả các chốt kiểm soát ở khu vực giáp ranh với các địa phương khác, đường hàng không, đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt...; tổ chức các chốt kiểm soát trong khu vực nội thành, tại các khu dân cư; đồng thời, tổ chức các lực lượng cơ động tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, nòng cốt là lực lượng Công an, Quân sự, Thanh tra giao thông, Y tế để vừa thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm, vừa hỗ trợ xử lý các vụ việc vượt quá thẩm quyền của các chốt kiểm soát. Phát huy cao độ vai trò của tổ COVID cộng đồng, kêu gọi người dân và phát động phong trào tự giác thông báo những người về từ vùng dịch không khai báo, không thực hiện việc cách ly tập trung theo quy định.
Song song với siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, Nghị quyết cũng nêu rõ cần tiếp tục tổ chức triển khai khẩn trương, có hiệu quả kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng trên toàn địa bàn; qua đó, đánh giá, nắm chắc và dự báo đúng tình hình, nguy cơ, diễn biến dịch bệnh để có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát phù hợp, khả thi...; quyết tâm xử lý các ổ dịch theo phương châm: Làm đến đâu, sạch đến đó, tạo ra các khu vực dân cư, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp... an toàn dịch bệnh (vùng xanh).
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu tập trung đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19, đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả và minh bạch; chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở điều trị, nhân lực y bác sỹ, điều dưỡng và các trang thiết bị, vật tư y tế để đảm bảo việc phân tầng điều trị, nhất là đặc biệt lưu ý hệ thống hồi sức trong cơ sở điều trị ở tầng cao nhất, theo từng cấp độ dịch bệnh, kể cả cấp độ dịch bệnh xấu nhất...
Bên cạnh đó, cần tổ chức thực hiện thật tốt công tác an sinh xã hội; bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, nhất là ở khu phong tỏa, cách ly, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; nắm chắc tình hình, xử lý nhanh, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn; xem xét trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy đảng, các cơ quan, địa phương nếu để xảy ra những tình trạng này. Tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các biện pháp phòng, chống dịch ở các doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách tối đa trong tình hình dịch bệnh.
Đặc biệt, Nghị quyết cũng nêu yêu cầu phải tăng cường nắm chắc tình hình, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh, phòng ngừa, ngăn chặn các phản ứng cực đoan (nhất là trên không gian mạng), chống đối việc giãn cách, gây mất ổn định xã hội; đảm bảo đủ lực lượng ở các chốt kiểm soát, khu vực giáp ranh, biên giới biển, tăng cường lực lượng cho tuyến cơ sở...
Đà Nẵng có kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng trên toàn địa bàn. |
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với các đơn vị, địa phương chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh đề nghị các đơn vị, địa phương với chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp, giải pháp mà TP đã thực hiện có hiệu quả thời gian qua. Liên quan đến các ca mới vừa phát sinh trong ngày, ông Chinh yêu cầu các quận, huyện khẩn trương truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc nguy cơ, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 và Chỉ thị của UBND TP (sắp ban hành), ông Chinh đề nghị Văn phòng UBND TP khẩn trương gửi các biểu mẫu xác nhận cho các đối tượng được di chuyển khi TP áp dụng các biện pháp giãn cách để các cơ quan, đơn vị, địa phương cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do mình quản lý.
Ông Chinh chỉ đạo Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) khẩn trương có văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT không tổ chức thi tốt nghiệp THPT (lần 2) cho các thí sinh trong diện (miễn thi); các sở, ngành căn cứ vào Chỉ thị của UBND TP (dự kiến ban hành trong ngày 31-7) để tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện nghiêm Chỉ thị. “Có thể khẳng định các giải pháp mà thành phố đưa ra trong đợt này quyết liệt, mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, vì vậy, yêu cầu cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân đồng tình, ủng hộ. Thành phố hạ quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, và nếu đồng lòng thực hiện tốt các giải pháp, chắc chắn việc nới lỏng các biện pháp hạn chế sẽ đạt được trong thời gian sớm”, ông Chinh mong muốn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, trong ngày 30-7, số ca nhiễm mới COVID-19 ghi nhận cao nhất từ trước đến nay, trong đó có 10 ca trong cộng đồng và 4 ca trong khu phong tỏa. Vì vậy nguy cơ lây lan là rất cao. Trước tình hình trên, ông Quảng cho rằng phải có quyết tâm rất cao mới có thể sớm ngăn chặn được lây lan dịch bệnh. Trước hết là quán triệt nội dung của Nghị quyết 08 đến tận các chi bộ, đồng thời giao trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị, địa phương trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị mà UBND TP ban hành.
Về các nội dung thể hiện các biện pháp mà Chỉ thị của UBND TP ban hành cao hơn Chỉ thị 16, ông Quảng cho rằng cần thay đổi một số câu chữ trong văn bản. Ví như “yêu cầu mọi người dân không được ra khỏi nhà” thay vì “người dân ở tại nhà”; hay như “chỉ được phép ra khỏi nhà trong những trường hợp sau đây”: thay vì “chỉ ra ngoài trong những trường hợp thật sự cần thiết” để tránh tranh cãi chuyện cái nào là cần thiết, cái nào không cần thiết; kèm với đó là các giấy tờ chứng minh nhân thân, lai lịch, giấy “thông hành” được cấp và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch...
Ngoài ra, theo ông Quảng, lần này, Đà Nẵng phải nghiêm cấm việc người từ bên ngoài xâm nhập vào TP, bất kể đó là ai, bằng các chốt kiểm soát cửa ngõ; đồng thời lập thêm các tổ chốt trong nội đô; tổ chức lực lượng tuần tra cơ động và tăng cường xử lý vi phạm. “Tình hình này, chúng ta cần phải quyết liệt và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đúng với tinh thần của Nghị quyết, Chỉ thị một cách nhanh chóng, hiệu quả”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nói.
* Theo bác sỹ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc CDC Đà Nẵng trong 24 giờ qua, Đà Nẵng ghi nhận thêm 68 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó có 54 trường hợp đã được cách ly; 4 ca trong khu vực phong tỏa được lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và 10 ca chưa được cách ly.
Doãn Hùng