Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng bàn cách xử lý "xe dù, bến cóc"

Thứ năm, 29/12/2016 10:18

(Cadn.com.vn) - Sáng 28-12, CATP Đà Nẵng và Sở GTVT TP tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện kế hoạch liên ngành về xử lý xe khách trá hình hoạt động gom khách trên địa bàn Đà Nẵng. Đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch liên ngành thời gian qua, 2 đơn vị phối hợp đều cho rằng, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tình trạng “xe dù, bến cóc” vẫn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp.

Đại tá Nguyễn Văn Chính và ông Bùi Thanh Thuận đánh giá, để xử lý hiệu quả “xe dù, bến cóc”, cần sự vào cuộc tổng lực, quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng. 

Giảm “bến cóc”, tăng chiêu trò

Tại hội nghị, Đại tá Lê Văn Kiểm- Phó trưởng Phòng CSTT CATP, cho biết: Những năm qua, vấn nạn “xe dù, bến cóc” trên địa bàn có những diễn biến phức tạp. Nhiều hình thức hoạt động của các nhà xe đón trả khách trái phép, nhất là các đầu xe mang BKS Quảng Ngãi, Bình Định thường xuyên xuất hiện tại các “điểm nóng” như âu thuyền Thọ Quang, các bệnh viện lớn, các khu công nghiệp và trường đại học trên địa bàn. Bên cạnh đó, tình trạng xe “đảo” đón trả khách trên đường Trường Chinh, khu vực Ngã ba Huế, cầu vượt Hoà Cầm và xe “rùa” trên đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Lương Bằng cũng chưa thể xử lý dứt điểm. Tình hình ANTT tại các khu vực này rất phức tạp do các nhà xe tranh dành khách với nhau, gây bức xúc trong nhân dân, làm thiệt hại về kinh tế cho các chủ xe hoạt động đúng quy định.

Sau 2 năm thực hiện Kế hoạch liên ngành số 182/KHLN-SGTVT-CATP, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 9.335 trường hợp “xe dù, bến cóc”, xử phạt hơn 8,2 tỷ đồng. Trong đó, tổ công tác liên ngành gồm CSTT, CSGT, TTGT xử lý 1.417 trường hợp; CA các quận, huyện xử lý 8.775 trường hợp; Thanh tra Sở GTVT xử lý 560 trường hợp. Theo lãnh đạo Phòng CSTT CATP Đà Nẵng, với sự vào cuộc của nhiều đơn vị, tình trạng xe dù tự tung tự tác đã có dấu hiệu giảm, tuy nhiên để đối phó với cơ quan chức năng, các nhà xe đã lợi dụng những kẽ hở trong công tác quản lý để hoạt động tinh vi hơn. “Xe dù hiện không tụ tập, đón trả khách tại 10 “điểm nóng” như trước đây mà di chuyển thường xuyên tới nhiều điểm trong thành phố hoặc “núp” trong các đoạn đường vắng rồi huy động xe nhỏ, xe thồ gom khách. Bên cạnh đó, việc hợp thức hóa danh sách hành khách thành hợp đồng, vận tải theo hình thức du lịch, chạy hợp đồng nhưng lại nhận đặt chỗ, bán vé, thu tiền của khách như tuyến cố định khiến việc theo dõi, xử lý gặp rất nhiều khó khăn...”, Đại tá Kiểm nói.

Cùng chung nhận định, Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Thanh Thuận cho rằng, số điểm nóng về “xe dù, bến cóc” trong những năm qua cơ bản đã được xóa, nhưng lại nổi lên một số điểm mới tại các quán cà-phê. Điều khiến cơ quan chức năng Đà Nẵng gặp khó khăn trong công tác xử lý  là việc một số nhà xe hợp thức hóa giấy tờ, thủ tục rất nhanh. Ông Thuận chỉ đích danh như Cty HAV Travel của TT- Huế (có văn phòng tại 445-Hải Phòng, Đà Nẵng) hoạt động “chuyên nghiệp” đến nỗi “hôm nay kiểm tra thiếu cái gì thì ngày mai sẽ có cái đó”.

“Xe dù” dừng đón khách trên đường Trường Chinh vào chiều 28-12. Ảnh: C.K

Cần củng cố lại Ban Chỉ đạo xử lý “xe dù, bến cóc”

Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Cường nhận định, tình hình quản lý vận tải hiện vẫn rất phức tạp, nhất là tình trạng “xe dù, bến cóc”. Lúc cơ quan chức năng vào cuộc, làm mạnh thì tình trạng này lắng xuống, khi buông ra thì lại nổi lên, thậm chí là biến tướng hết sức tinh vi, khó kiểm soát, xử lý. Do đó, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP đề nghị các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố thành lập lại Ban Chỉ đạo xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”, vì Chỉ thị của Chính phủ về việc chấn chỉnh “xe dù, bến cóc” vẫn còn hiệu lực. “Chúng ta tham mưu cho UBND thành phố củng cố lại Ban Chỉ đạo, do đích thân Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch làm Trưởng ban. Bên cạnh đó, rà soát lại các văn bản, cần có một quy chế phối hợp nào giữa các cơ quan liên quan, vì đây là cơ sở pháp lý, để có thêm điều kiện hoạt động...”, ông Cường kiến nghị. Về ý kiến của ông Cường nêu ra tại hội nghị, theo Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Thanh Thuận, đây là đề xuất xác đáng vì khi có Ban Chỉ đạo, quy chế phối hợp cấp thành phố sẽ gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, hiệu quả xử lý cũng sẽ triệt để hơn.

Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP, cho rằng, với sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan, vấn nạn “xe dù, bến cóc” trong thời gian qua có dấu hiệu giảm nhưng chưa thực sự bền vững. Ngoài việc tiếp tục duy trì thực hiện kế hoạch liên ngành, Đại tá Nguyễn Văn Chính cũng  đề nghị Sở GTVT Đà Nẵng có có văn bản làm việc với Sở GTVT các địa phương như Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, xử lý. Bên cạnh đó, từ đề xuất của CAQ Liên Chiểu về việc lắp đặt 34 điểm camera dọc các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Cừ và đánh giá hiệu quả trong công tác xử lý, Phó Giám đốc Công an thành phố cho rằng cũng cần xem xét thêm việc triển khai trên diện rộng để theo dõi, kiểm tra và có cơ sở xử lý đối với các nhà xe.

Công Khanh