Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng: Bệnh sởi tăng nhưng không phức tạp

Thứ sáu, 18/04/2014 11:23

(Cadn.com.vn) - Dù không phải là địa phương có tỷ lệ bệnh nhi mắc sởi cao và chưa có trường hợp nào tử vong nhưng hiện tại hầu hết các quận, huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng đều đã có trẻ mắc bệnh sởi...

Theo Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, BV tiếp nhận điều trị cho gần 160 ca bệnh nhi sởi trong và ngoài thành phố, không có trường hợp  tử vong. Nếu trong tháng 2, BV chỉ tiếp nhận điều trị cho 15 bệnh nhi sởi thì đến tháng 3 đã tăng lên 38 ca.

Riêng từ đầu tháng 4 đến nay đã có 107 ca bệnh nhi sởi nhập viện điều trị, trong đó có 80 ca là người Đà Nẵng. Tuy số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú tăng nhiều so với những tháng đầu năm nhưng không xảy ra tình trạng quá tải tại bệnh viện và vẫn nằm trong tầm kiểm soát...

Y, bác sĩ BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng kiểm tra tình hình sức khỏe của các bệnh nhi sởi.

Có mặt tại Khoa Y học Nhiệt đới, BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng ngày 17-4, chúng tôi ghi nhận có 38 bệnh nhi sởi đang điều trị tại đây. Theo các bác sỹ,  trong số các bệnh nhi đang điều trị tại khoa có không ít trường hợp bị lây nhiễm khi vào viện khám và điều trị các bệnh khác.

* Ngày 17-4, bác sỹ Nguyễn Đình Thoại-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam cho biết: Trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện dịch sởi. Những ngày qua bệnh viện chỉ tiếp nhận 5 ca bệnh, trong đó có hai ca nặng là bệnh nhân N.H.T. (2 tuổi, trú P. Trường Xuân, TP Tam Kỳ) và T.P.M.T (8 tháng tuổi, trú xã Bình Nam, H. Thăng Bình). Hai bệnh nhân này nhập viện cách đây 1 tuần và đang được điều trị cách ly.

Tuy chưa bùng phát, nhưng nhằm chủ động ứng phó với bệnh sởi, sáng 17-4, lãnh đạo bệnh viện đã họp các phòng ban và lên kế hoạch ứng phó. "Bệnh viện sẽ tập huấn lại cho đội ngũ bác sỹ và điều dưỡng vấn đề chuyên môn về cách chăm sóc, điều trị bệnh sởi. Các khoa phòng chuẩn bị giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân. Phòng khám cấp cứu phải có buồng bệnh riêng; khoa y học nhiệt đới sẽ có phòng cách ly; khoa hồi sức cấp cứu phải có buồng bệnh cách ly; khoa dược chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế để chủ động đủ thuốc cung cấp cho bệnh nhân; các bác sỹ tập trung hội chẩn đối với các trường hợp bệnh nặng; các tổ truyền thông giáo dục sức khỏe chuẩn bị tờ rơi, áp phích, băng đĩa để tuyên truyền về bệnh sởi"- bác sỹ Thoại cho biết.

Trần Tân

Chị Nguyễn Thị Thuận (Q. Liên Chiểu), đang chăm sóc con gái 9 tháng tuổi bị mắc sởi kể: "Cách đây một tháng, con tôi vào viện điều trị bệnh tiêu chảy, nghe có dịch sởi tôi đã rất cẩn thận. Nhưng không ngờ, ngày con tôi ra viện lại là ngày cháu nhiễm sởi. Thế là cháu phải ở lại để điều trị bệnh mới...".

Cùng hoàn cảnh với chị Thuận là chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (quê H. Quế Sơn, Quảng Nam) hiện đang chăm sóc cho con gái 6 tuổi mắc sởi. Chị Nguyệt cho biết: "20 ngày trước, thấy con bị sốt, viêm phế quản, tôi vội đưa con ra đây điều trị. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn nằm viện con tôi bị mắc thêm bệnh sởi. Tuy nhiên, nhờ sự tích cực và nhiệt tình điều trị của các y, bác sỹ nên hiện sức khỏe cháu đã ổn, chờ ngày xuất viện".

Theo bác sỹ Lê Văn Đoan-Phó khoa Nhi BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, tình trạng trẻ từng điều trị hoặc đến khám tại bệnh viện bị lây sởi là không tránh khỏi. Bởi bệnh sởi có tốc độ lan rất nhanh, khoảng 90% số trẻ tiếp xúc với trẻ mắc sởi sẽ bị lây bệnh. Những trẻ có nguy cơ mắc sởi cao là những trẻ có thể trạng yếu, trẻ sinh non, không được tiêm phòng vaccine phòng ngừa đầy đủ.

Theo các bác sỹ, bệnh sởi lây truyền rất nhanh, khi người mang mầm bệnh hắt hơi, ho, người lành hít thở không khí qua miệng, mũi sẽ bị nhiễm bệnh ngay. Người bệnh phát tán virus ra môi trường xung quanh từ thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 5-7 ngày sau khi ra ban. Bên cạnh đó, những người chăm sóc bệnh nhân sởi hoặc tiếp xúc với mầm bệnh mà không rửa tay diệt khuẩn cũng có thể làm lây lan virus sang người khác. Trẻ mắc bệnh thường sốt cao 39-40 độ C, ho nhiều, chảy mũi, đỏ mắt, bỏ ăn.

Phát ban xuất hiện sau 4-5 ngày sốt, ho. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính khoảng 1-2 mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay riêng rẽ. Ban mọc theo thứ tự từ sau tai, mặt, thân và lan dần xuống chân. Sau khi mọc ban, người bệnh còn ho và sốt cao cho đến khi ban lan đến chân. Sau đó sốt sẽ giảm, ban bay dần theo thứ tự mọc và để lại vết thâm da kéo dài nhiều tuần.

Trẻ em mắc bệnh này thường gặp biến chứng như viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy phân có máu, viêm tai giữa gây chảy mủ tai và đặc biệt là gây suy dinh dưỡng, còi cọc lâu dài. Tuy nhiên, bệnh này có thể điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt (nếu có sốt), thuốc giảm ho. Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu.

Cần theo dõi nhịp thở của bệnh nhi, nếu thấy thở nhanh, gấp hoặc kèm theo co giật thì phải đưa đến cơ sở y tế địa phương để theo dõi. Cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ để phòng suy dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân để tránh mắc bệnh cơ hội. Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan cho cộng đồng.

Một bệnh nhi sởi đang điều trị tại BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.

Bác sỹ Lê Văn Đoan cho biết thêm: Trẻ mắc sởi nếu không có biến chứng xảy ra chỉ cần chăm sóc điều trị tại nhà trong điều kiện vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo dinh dưỡng tốt. Nếu phụ huynh nóng lòng yêu cầu được nhập viện sẽ vô tình đẩy những trẻ mắc sởi nhẹ này vào vòng nguy hiểm.

Bởi trong môi trường lưu hành của nhiều mầm bệnh khác nhau như bệnh viện, trẻ có thể trạng yếu sẽ bị các bệnh cơ hội khác như nhiễm trùng, hô hấp, tiêu hóa... tấn công. Sự nhiễm chéo của các bệnh cơ hội sẽ là mối nguy lớn, gây nên những biến chứng cho trẻ trên nền bệnh sởi. Thực tế, đã có nhiều trẻ tử vong do biến chứng sởi từ đầu năm đến nay từ hệ quả của tình trạng nhiễm chéo bệnh viện...

T.Dũng