Đà Nẵng: Bệnh sởi trong tầm kiểm soát
(Cadn.com.vn) - Tình hình bệnh sởi trên địa bàn TP Đà Nẵng có dấu hiệu chững lại và vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất biến chứng do bệnh sởi gây ra, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng thì mỗi người dân cần chủ động trong công tác phòng chống bệnh...
Để hạn chế số trẻ mắc bệnh sởi, các bậc phụ huynh nên đưa con mình đi tiêm ngừa vaccine. |
Hạn chế thấp nhất tử vong và tai biến
Theo Sở Y tế thành phố, tính đến ngày 24-4, trên địa bàn Đà Nẵng ghi nhận 126 ca sốt phát ban nghi sởi, không có tử vong, trong đó tỷ lệ bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi chiếm gần 30%, trên 15 tuổi khoảng 8%. Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã lấy được 76 mẫu xét nghiệm, có kết quả 46 mẫu, trong đó 34 mẫu dương tính với sởi, 12 mẫu âm tính.
Trong 34 ca dương tính thì số trẻ dưới 9 tháng tuổi 3 ca (nhỏ tuổi nhất là 3,5 tháng), trẻ từ 9 tháng-15 tuổi là 25 ca và trên 15 tuổi là 6 ca (lớn tuổi nhất 39 tuổi). Số ca đã tiêm vaccine sởi 1 mũi 6 ca, 2 mũi 2 ca và chưa tiêm hoặc không rõ 26 ca. Hiện BV Phụ sản – Nhi và BV Đà Nẵng đã dành khu vực riêng để thu dung, điều trị bệnh sởi nên không xuất hiện tình trạng quá tải tại BV.
Bên cạnh đó, với các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất thông thoáng, thuốc dự phòng đầy đủ cộng với đội ngũ y, bác sỹ các bệnh viên luôn tích cực, nhiệt tình trong khám, điều trị nên hầu hết các bệnh nhân đều yên tâm.
Theo bác sỹ Ngô Thị Kim Yến - Phó Giám đốc Sở Y tế TP phụ trách công tác phòng chống dịch thì quan điểm của ngành y tế thành phố là hạn chế đến mức thấp nhất tử vong và tai biến do sởi gây ra cũng như luôn cảnh giác để tránh tình trạng lây chéo trong bệnh viện giữa các bệnh nhân. Trong ngày 23-4, có gần 68 ca đang điều trị tại BV Phụ sản – Nhi, trong đó có 3 ca (từ 10 đến 13 tháng tuổi) phải thở bằng máy là do các bệnh nhi đều có sẵn bệnh tim bẩm sinh, não úng thủy và trên nền nhiễm trùng huyết.
Hầu hết cả 3 ca bệnh này đều chưa tiêm vaccine phòng sởi. Bác sỹ Ngô Thị Kim Yến cho biết: “Nhìn chung, tình hình mắc bệnh sởi trong các năm qua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thấp và tương đối ổn định (năm 2012 là 54 ca và năm 2013 là 27 ca nghi sởi). Có được kết quả trên là do kết quả tiêm chủng mở rộng vaccine sởi hàng năm tại Đà Nẵng luôn đạt trên 95%.
Trong năm 2013, một số địa phương trong cả nước xảy ra sự cố trong tiêm chủng khiến người dân hoang mang không đưa trẻ đi tiêm chủng, tuy nhiên thành phố Đà Nẵng vẫn đạt tỷ lệ 99,7%, với tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt cao thì tỷ lệ mắc sởi sẽ giảm, hoặc nếu mắc thì tình trạng bệnh sẽ nhẹ hơn bình thường...”.
Y, bác sĩ BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng kiểm tra tình hình sức khỏe của các bệnh nhi sởi. |
Chủ động phòng bệnh
Nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn thành phố, trong thời gian qua Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch và công tác cách ly, điều trị, phân tuyến bệnh nhân sởi tại các tuyến trên địa bàn thành phố.
Phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện vệ sinh trường học phòng bệnh sởi và cho các học sinh ốm nghỉ học để phòng ngừa bệnh lây lan. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình bệnh sởi, cách nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh sởi, đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phối hợp các nội dung tuyên truyền phòng, chống bệnh sởi cho người dân với công tác điều tra, giám sát bệnh sởi tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng. Thực hiện tuyên truyền các nội dung về phòng chống bệnh sởi trong các cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác điều tra, giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi sởi tại các cơ sở y tế. Phân công cán bộ đứng điểm tăng cường công tác giám sát bệnh tại cộng đồng trên 7 quận, huyện.
Các đơn vị khám, chữa bệnh đã sẵn sàng đầy đủ thuốc, nhân lực, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phân tuyến điều trị (hạn chế chuyển tuyến), chỉ đạo chuyển tuyến trong trường hợp bệnh nhân nặng; đặc biệt, bố trí khu vực cách ly để kịp thời tiếp nhận, chẩn đoán, và điều trị bệnh nhân, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo bệnh sởi giữa các bệnh nhân, hạn chế tối đa các biến chứng và không để xảy ra tử vong do bệnh sởi.
Bệnh nhi sởi điều trị tại khu y học nhiệt đới BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. |
Hiện phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh sởi đã được triển khai thống nhất trên toàn quốc, các bệnh viện tỉnh, huyện đều có thể điều trị bệnh sởi, do đó đối với những trẻ mắc sởi ở các thể nhẹ hoặc các bệnh thông thường khác, các gia đình nên hạn chế chuyển trẻ lên bệnh viện tuyến trên nơi đang điều trị các ca sởi nặng nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần chủ động đưa toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng từ 9 - 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vaccine sởi theo kế hoạch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi và tiêm vét vaccine sởi.
Bác sỹ Ngô Thị Kim Yến cho rằng: “Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm đường tiêu hóa, tiêu chảy, nhiễm trùng mắt, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.
Chính vì vậy để hạn chế trẻ mắc bệnh sởi và xảy ra tình trạng biến chứng, phụ huynh cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sởi như: tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ, nâng cao sức đề kháng cơ thể, cách ly và chăm sóc y tế bệnh nhân, tăng cường vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc sởi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh...”.
T.Dũng