Đà Nẵng cần 231.000 tỷ đồng để điều chỉnh qui hoạch
Để thực hiện theo đồ án điều chỉnh qui hoạch chung Đà Nẵng tới 2030 mà tư vấn Singapore thiết kế, trong 5 năm tới Đà Nẵng cần 231.000 tỷ đồng. Chưa kể, nếu làm theo qui hoạch sẽ phải đụng chạm đến 28 dự án lớn, mà mỗi dự án muốn thu hồi chi phí đền bù cũng hàng ngàn tỷ đồng.
Phiên họp thường kỳ tháng 5 của HĐND TP Đà Nẵng đề cập sâu tới Đồ án điều chỉnh qui hoạch chung Đà Nẵng tới năm 2030 tầm nhìn 2045. |
Nguồn lực ở đâu để Đà Nẵng thực hiện? Nếu phê duyệt qui hoạch mà không thực hiện được sẽ thành qui hoạch treo. Đây là nội dung trọng tâm được đề cập tại phiên họp thường kỳ của HĐND Đà Nẵng chiều 11-5.
Kinh phí vượt quá xa so với nguồn lực
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung nói, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP lần này được các chuyên gia đánh giá cao nhờ có những nét mới, khắc phục được những bất cập trước đây trong quá trình phát triển Đà Nẵng. Nét mới khác của đồ án là tích hợp được định hướng của Nghị quyết 43 và Điều chỉnh kinh tế xã hội của Thủ tướng. Theo ông Trung, nếu đồ án qui hoạch chung năm 2013 chỉ tích hợp lại tất cả các qui hoạch đã làm, kể cả những bất cập, thì đồ án lần này gần như làm mới nên tác động xáo trộn xã hội rất lớn. Chẳng hạn khi điều chỉnh qui hoạch có thu hồi đất, chủ yếu đất của dân, doanh nghiệp (DN), mà thu hồi thì gắn với pháp lý, phải đền bù, lại liên quan tới nguồn lực. Mà nguồn lực ở đây rất lớn, đơn cử chỉ thu hồi một dự án nhỏ ven biển của Cty 55 để thực hiện theo đồ án qui hoạch cũng phải đền bù hơn 4 ngàn tỷ đồng.
Để thực hiện theo đồ án, trong 5 năm tới Đà Nẵng cần 231.000 tỷ đồng, trong số đó riêng ngân sách chi cho đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) 61.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế, Phó Chủ tịch HĐND Lê Minh Trung cho biết, giai đoạn này TP thu khoảng 130 ngàn tỷ đồng, như vậy chỉ có 26 ngàn tỷ đồng chi cho đầu tư XDCB. Con số thực tế 26.000 tỷ và con số 61.000 tỷ dự tính chi (thực hiện theo đồ án) vênh nhau quá lớn, gần gấp 3 lần, vượt quá năng lực thực hiện.
Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách Trần Chí Cường cũng cho biết, tổng mức đầu tư toàn xã hội giai đoạn này của TP khoảng 230.000 tỷ đồng trong đó vốn chi cho ngân sách từ các dự án này 6.900 tỷ. Như vậy vượt quá xa so với nguồn lực mà TP có. Bên cạnh đó, chưa tính đến việc thực hiện công tác giải tỏa đền bù, bởi vì đồ án điều chỉnh quy hoạch đụng đến những dự án rất lớn, đền bù hàng ngàn tỷ đồng. Ông Cường nhấn mạnh, rõ ràng với nguồn lực có được, TP rất khó thực hiện được nhiệm vụ mà đồ án điều chỉnh qui hoạch đưa ra. Nhưng nếu phê duyệt đồ án rồi mà không thực hiện được cũng là gánh nặng cho nhiệm kỳ tới. Vì vậy, nên rà soát lại các dự án này, để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các dự án thực sự cần thiết. Căn cứ vào nguồn thu thực tế của TP ở mức bao nhiêu thì sẽ thực hiện bao nhiêu dự án là phù hợp.
Đồng quan điểm, ông Lê Minh Trung cho rằng, đồ án qui hoạch lần này thông qua kèm với danh mục dự án, mà danh mục dự án thì Chính phủ đã phê duyệt rồi, sau này muốn điều chỉnh cũng rất khó khăn. Vì vậy, TP cần tính toán danh mục các dự án này, cái nào cấp thiết thì ưu tiên làm trước chứ bây giờ đưa lên tới 61.000 tỷ đầu tư công cho 5 năm tới thì khó mà thực hiện.
Chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, với đồ án điều chỉnh qui hoạch chung qui mô thế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Trong giai đoạn đầu thực hiện đồ án, sau khi có cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng cũng phải tính chuyện vay mượn để thực hiện. Trước mắt vay các quĩ tài chính hoặc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Ví dụ vốn TP có thể cân đối được các công trình trọng điểm còn vốn thu hồi các dự án thì phải đi vay để bồi thường. Cũng theo ông Thơ, với nguồn lực từ ngân sách, TP sẽ cân đối lại phù hợp để các dự án cấp thiết làm trước. Điều lo nhất là các dự án lớn, trước mắt TP thực hiện qui hoạch phải di dời, bồi thường, nổi bật như Dana-Ý, Công viên APEC, dự án Vũ Châu Long, Marina Complex, Olalani. Các dự án này đã bị treo mấy năm nay, bây giờ nếu thu hồi phải chi trả tiền bồi thường ngay.
Cũng liên quan tới Đồ án điều chỉnh qui hoạch lần này, Trưởng ban Đô thị Nguyễn Thành Tiến cho biết, trong đồ án có loại hình đất hỗn hợp thể hiện gần như quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, một phần của Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu. Tuy nhiên qua rà soát Luật Đất đai không có loại đất hỗn hợp. Chỉ trong qui chuẩn của Bộ Xây dựng có ghi đất sử dụng hỗn hợp nhưng cơ sở pháp lý yếu. Trong đồ án qui hoạch mới cũng đề xuất các khu vực như cảng Liên Chiểu, Khu CNC, khu phía Tây của Ga đường sắt mới, Hòa Cầm đề xuất là khu vực công nghiệp, logistics gần như giải tỏa trắng dân cư hiện trạng. Nhưng trong báo cáo chưa thể hiện rõ lấy ý kiến người dân có đồng ý không, giải pháp xử lý như thế nào trong tương lai? Quy hoạch tới năm 2030 nhưng đề xuất thay đổi, xáo trộn rất lớn. Chưa kể thực hiện qui hoạch này sẽ có xáo trộn lớn với 28 dự án lớn.
Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung cho biết, người dân, DN đang kỳ vọng lớn vào đồ án điều chỉnh qui hoạch lần này, vì thế đồ án phải là cơ sở định hướng phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, trong đồ án có điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất sẽ tác động đến xã hội, tới người dân, doanh nghiệp. Đối với đất hỗn hợp, giờ qui định không có, nhưng Chính phủ có duyệt qui hoạch cho một số TP như Hạ Long (Quảng Ninh) có ghi đất hỗn hợp. Như vậy cơ sở đất hỗn hợp là có. Tuy nhiên trong quĩ đất hỗn hợp làm rõ chỉ tiêu đất ở; qui định rõ quyền lợi của người dân, tổ chức đối với đất hỗn hợp này.
HẢI QUỲNH