Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng cần 37 ngàn tỷ đồng cho 8 dự án lớn

Thứ sáu, 28/08/2020 09:50

Trong 5 năm tới, Đà Nẵng cần hơn 47,5 ngàn tỷ đồng vốn ngân sách T.Ư (cấp phát và vay nước ngoài) để phát triển 38 dự án. Trong đó, chỉ tính riêng 8 dự án lớn như di dời ga đường sắt và tái thiết đô thị, hệ thống tàu điện ngầm và trên cao... đã cần tới gần 37 ngàn tỷ đồng. Riêng nhu cầu vốn ngân sách T.Ư năm 2021 của TP là hơn 2,3 ngàn tỷ đồng.

Thông tin trên được lãnh đạo Đà Nẵng đưa ra tại hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công giai đoạn 5 năm tới giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 19 tỉnh thành miền Trung- Tây Nguyên hôm 27-8.

Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nêu kế hoạch đầu tư công giai đoạn 5 năm tới của TP.

Đề nghị bố trí vốn còn nợ

Hiện tại nguồn vốn ngân sách T.Ư cấp cho Đà Nẵng trong giai đoạn 2016-2020 để triển khai các dự án vẫn còn thiếu hàng ngàn tỷ đồng. Vì thế, lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị T.Ư sớm bố trí nguồn vốn còn thiếu này trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, nguồn ngân sách T.Ư hỗ trợ có mục tiêu cho TP còn thiếu hơn 657 tỷ đồng, gồm dự án cầu Nguyễn Văn Trỗi- Trần Thị Lý còn thiếu 25 tỷ đồng, Nhà thi đấu thể dục thể thao thiếu hơn 116 tỷ đồng, Khu công nghệ cao thiếu hơn 127 tỷ đồng, Cải tạo cung thể thao Tiên Sơn và Trung tâm hội chợ triển lãm phục vụ APEC 2017 còn thiếu 40 tỷ đồng… Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đề nghị T.Ư tiếp tục bố trí vốn ngân sách giai đoạn 5 năm tới để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh từ trước năm 2015 (đã được Chính phủ đồng ý), tổng cộng hơn 911 tỷ đồng cho 6 dự án. Nổi bật như dự án mua thiết bị y tế cho BV Ung bướu hơn 70 tỷ đồng, Nhà thi đấu TDTT hơn 244 tỷ đồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi- Trần Thị Lý hơn 482 tỷ đồng, đường Lê Văn Hiến-Trần Đại Nghĩa hơn 51 tỷ đồng…

Cũng theo đề nghị của Đà Nẵng, do vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, dịch Covid-19 nên chưa giải ngân hết vốn đầu tư một số công trình trong giai đoạn vừa qua buộc phải chuyển vốn sang giai đoạn tới để tiếp tục thực hiện. Nổi bật nhất là dự án đường vành đai phía Tây đoạn từ QL14B đến đường Hồ Chí Minh, tổng vốn hơn 156 tỷ đồng. Theo lập luận của Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương miền Trung, quy định chuyển không quá 20% vốn đầu tư công từ giai đoạn trước sang giai đoạn 2021-2025 không hợp lý. Bởi lẽ nhiều dự án dang dở, thời hạn triển khai vẫn còn theo quy định, vì thế nguồn vốn bắt buộc phải chuyển sang giai đoạn sau.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, qua tính toán, có 11 dự án với tổng vốn hơn 4,7 ngàn tỷ đồng sẽ phải chuyển từ giai đoạn trước sang giai đoạn 2021-2025.

 Dự án di dời ga đường sắt và tái thiết đô thị cần hơn 10,2 ngàn tỷ đồng vốn ngân sách T.Ư để thực hiện trong giai đoạn tới. 

Nhắm vào dự án động lực

Trong 5 năm tới, Đà Nẵng cần nguồn vốn từ ngân sách T.Ư để đầu tư hàng loạt dự án trọng điểm như Khu Công nghệ cao mở rộng hơn 1,7 ngàn tỷ đồng; Trung tâm công nghệ sinh học mở rộng hơn 324 tỷ đồng; Bệnh viện Bắc Hòa Vang 285 tỷ đồng; Khu liên hiệp thể thao Hòa Xuân gần 800 tỷ đồng. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng dự kiến nguồn vốn ngân sách T.Ư (cấp phát và vay lại vốn nước ngoài) để triển khai 8 dự án động lực với tổng vốn khoảng 37 ngàn tỷ đồng. Trong đó nổi bật như Dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị Đà Nẵng hơn 10,2 ngàn tỷ đồng, Dự án hệ thống tàu điện trên cao và ngầm của TP với tổng vốn hơn 16,1 ngàn tỷ đồng, Dự án Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong quản lý, điều hành giao thông thông minh hơn 2,8 ngàn tỷ đồng…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, trong kế hoạch đầu tư công phải chọn các dự án động lực, có sức lan tỏa chứ đừng đầu tư dàn trải, băm nát nguồn lực. Chẳng hạn với các tỉnh miền Trung, dự án động lực chính là tuyến đường ven biển. Nó không chỉ là tuyến giao thông bình thường mà còn gắn với việc sắp xếp dân cư ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với bảo vệ quốc phòng, tạo quỹ đất, không gian phát triển du lịch, kinh tế biển, các khu kinh tế… Ông Dũng cũng lưu ý các địa phương phải cân nhắc thận trọng với các dự án dùng vốn vay ODA bởi lẽ nó không còn nhiều ưu đãi như trước, lãi cao, thủ tục khắt khe, giải ngân chậm. Kiên quyết không vay vốn ODA để làm các dự án có thể xã hội hóa được.

Theo kế hoạch Đà Nẵng sử dụng hơn 1,7 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư dự án Khu Công nghệ cao mở rộng trong giai đoạn 5 năm tới.

Cũng theo ông Dũng, các địa phương muốn phát triển bứt phá thì phải tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút mạnh nguồn lực xã hội hóa chứ đừng chỉ dựa vào đầu tư công. “Tất cả nguồn lực đầu tư chỉ chảy về vùng trũng có nhiều điều kiện, lợi thế cạnh tranh. Nhiều địa phương chỉ chăm chăm xúc tiến đầu tư nhiều mà không làm gì để cải thiện môi trường, thì kêu mãi nhà đầu tư cũng chẳng về. Nhiều địa phương, lãnh đạo thì trải thảm mời gọi đầu tư nhưng bên dưới toàn rải đi, nhà đầu tư không thể vào được”- ông Dũng nói.

Về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm tới, ông Dũng yêu cầu các địa phương cần hướng đến mô hình kinh tế mới, tạo nguồn thu ngân sách bền vững từ các dự án sản xuất động lực, thay vì trú trọng nguồn thu từ đất và xổ số. “Tài nguyên từ đất hữu hạn, không đẻ ra được nên phải sử dụng tiết kiệm, để dành nguồn lực cho sau này. Giờ giá đất còn thấp, giao hết cho DN, đến lúc giá đất cao thì nguồn lợi địa tô đã thuộc về tư nhân hết. Chưa kể, lúc đó nhiều dự án tốt song địa phương không còn đất để giao”- ông Dũng nói.

HẢI QUỲNH