Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng cần có chiến lược cạnh tranh xứng tầm

Thứ tư, 29/12/2021 13:11

Ngày 28-12, dự và phát biểu tại buổi Tọa đàm “Thành phố Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và phát triển”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: 25 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và tương đối toàn diện trong tất cả các lĩnh vực. Từ một đô thị nhỏ, Đà Nẵng đã trở thành một thành phố có tốc độ phát triển nhanh; trở thành một điểm đến, đáng sống, đáng đầu tư và đáng để trải nghiệm.

Buổi tọa đàm do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN thành phố Đà Nẵng tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1-1-1997 – 1-1-2021).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Vươn lên bằng ý chí và khát vọng

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Văn Quảng, cách đây 25 năm, ngày 1-1-1997 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã được chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Những ngày đầu chia tách, Đà Nẵng phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức, nhất là phải chống chịu thiên tai bão lụt triền miên, sự yếu kém nội tại của nền kinh tế, việc đổi mới tư duy trong xây dựng phát triển... Trong điều kiện vô vàn khó khăn đấy nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên bằng ý chí và khát vọng phát triển; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương bạn, dốc toàn lực, toàn tâm, toàn ý vào công cuộc kiến thiết, xây dựng thành phố.

“Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Đà Nẵng đã phát huy truyền thống cách mạng anh dũng kiên cường, đoàn kết, bản lĩnh, phát huy những thành quả của các thời kỳ trước đây, luôn nhạy bén với cái mới, dám nghĩ, dám làm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của thành phố, và đã đạt được những thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhìn nhận.

Cho biết, với sự phát triển nhanh chóng, tháng 7- 2003, Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại I cấp quốc gia. Đặc biệt, để giúp cho Đà Nẵng có những cơ chế đột phá cho sự phát triển lâu dài, bền vững, ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33 về “xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định “đây là những dấu mốc lịch sử quan trọng giúp thành phố có những động lực mới, nhanh chóng chuyển mình, phát huy tiềm năng, lợi thế để thành phố từng bước vươn lên giữ vai trò là đô thị trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.

Đến nay, quy mô và trình độ nền kinh tế thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt khoảng 9%/năm, GRDP bình quân đầu người hiện nay gấp hơn 15 lần so với năm 1997. Không gian đô thị được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997. Môi trường đầu tư được đánh giá năng động và thông thoáng; luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh và năm 2021 đứng đầu cả nước về chuyển đổi số. Nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn, mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng như chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân…

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có được nhiều bài học quý giá trong việc hoạch định phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, trong đó, trên hết và trước hết là công tác xây dựng đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển.

“25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã trải qua nhiều thăng trầm để phát triển. Trong quá trình vươn mình lớn lên đó, Đà Nẵng đã có những va vấp, thiếu sót, nhưng đã không ngừng tự hoàn thiện mình để trưởng thành, vững vàng và mạnh mẽ hơn để bước vào một chặng đường mới”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nói. Đồng thời nhìn nhận, thế giới đang có những chuyển biến mạnh mẽ vừa mang đến cho thành phố Đà Nẵng những thời cơ, lại vừa đặt ra trước mắt những thách thức không nhỏ.

Trong đó, đại dịch COVID-19 với những diễn biến khó lường tiếp tục là mối nguy hiểm chung của nhân loại, dẫn đến sự suy thoái kinh tế toàn cầu, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người dân, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế - xã hội của thành phố. Vì vậy, nhân buổi tọa đàm này, ông Chinh mong muốn nhận được sự góp ý, chia sẻ, trao đổi, thảo luận của các đại biểu nhằm làm rõ hơn những thành tựu, kết quả đạt được trong 25 năm qua và gợi mở những định hướng, giải pháp xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho thành phố Đà Nẵng.

Cần tìm ra những động lực phát triển mới

Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: 25 năm qua giúp Đà Nẵng đúc kết cho mình nhiều bài học quý báu, trong đó có cả những bài học đáng được coi là “xương máu”… Nhưng 25 năm vừa qua cũng cho thấy, đối với Đà Nẵng, cả những điều khó nhất cũng đã vượt qua. Và không chỉ 25 năm đó. Toàn bộ lịch sử của Đà Nẵng – can trường, gan góc, tất cả đều hướng tới mục tiêu “đáng sống” cho con người – tạo niềm tin vững chắc rằng tương lai với Đà Nẵng sẽ không gì là không thể. Đà Nẵng đang hành động theo tinh thần đó. Và Đà Nẵng sẽ là như vậy.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhìn nhận: Nhiều năm trước đây, Đà Nẵng là một trong số ít các địa phương tiên phong trong mô hình chính quyền điện tử của cả nước, và trong hai năm trở lại đây, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu xây dựng lộ trình chuyển đổi số hướng đối tượng là công dân, doanh nghiệp và tổ chức, là bước phát triển mới kế thừa từ nền tảng chính quyền điện tử gắn với xây dựng thành phố thông minh… Hiện nay, tầm nhìn và định hướng phát triển, quyết tâm, kinh nghiệm và những thành công rực rỡ Đà Nẵng đều đã có. Đà Nẵng với sứ mệnh là một địa phương đi đầu, tiên phong trong cải cách và phát triển cần nhanh chóng tìm ra những động lực phát triển mới và tiếp tục cải cách để nuôi dưỡng và thúc đẩy các động lực này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, chào mừng các đại biểu tại buổi Tọa đàm.

Đầu kéo tăng trưởng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao buổi tọa đàm, xem đây là cách thức tổ chức kỷ niệm ý nghĩa, thiết thực nhân dịp 25 năm ngày chia tách tỉnh. Đây là dịp Đà Nẵng lắng nghe những ý kiến đầy tâm huyết, trí tuệ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đồng thời nhìn lại quá trình phát triển để có hướng đi mới đúng đắn.

Chủ tịch nước đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội mà Đà Nẵng đã đạt được trong 25 năm qua. Từ một đô thị nhỏ, Đà Nẵng đã trở thành một thành phố có tốc độ phát triển nhanh so với cả nước. Trở thành một điểm đến, đáng sống, đáng đầu tư và đáng để trải nghiệm. Tuy vậy, Chủ tịch nước vẫn nhắc nhở Đà Nẵng về những bài học trong công tác quản lý nhà nước. Cần luôn chú trọng nguyên tắc hoạt động của Đảng để tránh những sai phạm như thời gian qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh việc cần phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, chú trọng vấn đề con người. Thành tựu lớn nhất mà Đà Nẵng trong 25 năm phát triển là đạt được sự đồng thuận của nhân dân. Phải chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội như cách mà Đà Nẵng vừa làm rất tốt trong thời gian chống dịch COVID-19 vừa qua.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển trong tương lai của Đà Nẵng. Nhấn mạnh rằng, để thực hiện được những mục tiêu mà Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã đề ra thì ngoài là đầu kéo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước, Đà Nẵng còn phải là một biểu tượng và niềm tự hào về sự vươn mình vượt qua khó khăn, trở ngại và trỗi dậy thành công của Việt Nam. Muốn thế, thành phố nên coi giáo dục - đào tạo là vũ khí mạnh nhất để thay đổi Đà Nẵng, coi chuyển đổi số là động lực để bứt phá. Trong đó, thành phố nên suy nghĩ về một chiến lược đi tắt, đón đầu, sớm hoàn thành quá trình chuyển đổi số và tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới trong chính những lĩnh vực kinh tế hiện hữu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đà Nẵng cần sớm trở thành đô thị trung tâm, động lực kinh tế quan trọng nhất của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên cũng như của toàn vùng Bắc và Nam Trung Bộ. Trong phát triển, thành phố không nên tự so mình với các địa phương khác trong nước, thay vào đó cần mạnh dạn so sánh với các thành phố trong khu vực để có chiến lược cạnh tranh xứng tầm.

Với những nét riêng có, Đà Nẵng không nhất thiết phải sao chép hay lặp lại mô hình đô thị ở đâu đó mà cần phải tạo ra sự khác biệt, phải trở thành một thành phố độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam, trong khu vực mà còn trên thế giới. “Với mục tiêu này, cần xây dựng chính quyền liêm chính, đoàn kết, hiệu quả và thân thiện, triển khai bài bản và hiệu quả, đồng bộ các Nghị quyết, chú trọng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị khóa XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đà Nẵng lần thứ 22. Toàn diện các quy hoạch, thúc đẩy sự liên kết, phát triển tương khớp với các địa phương lân cận về chiến lược, quy hoạch trong xây dựng và phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch trong hành lang kinh tế chung”…, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gợi ý.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch nước, Đà Nẵng cần chú trọng đến người dân, chú trọng nhà trường, các nền tảng xã hội thông qua các chính sách người có công, an sinh xã hội, tạo việc làm, các nội dung chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” gắn với việc xây dựng văn minh đô thị, tăng cường đối thoại, giải quyết thấu đáo những khó khăn, vướng mắc, những khiếu nại của người dân, doanh nghiệp. “Xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị không có người nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đây là cái không thứ 5 rất quan trọng đối với thành phố Đà Nẵng, chúng ta có thể làm được”, Chủ tịch nước nhìn nhận.

DOÃN HÙNG