Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng cần đột phá hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến thu hút đầu tư

Thứ ba, 20/10/2020 07:55

Giai đoạn 2016-2020 là khoảng thời gian rất nhiều khó khăn, thách thức đối với Đà Nẵng khi thành phố tập trung rà soát, điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng, đô thị theo các kết luận của Thanh tra Chính phủ... Dịch bệnh Covid-19 với đỉnh điểm bùng phát tâm dịch tại thành phố từ cuối tháng 7-2020 đã ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình phát triển KT-XH. Trong bối cảnh này, công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước của thành phố trong những năm qua vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây sẽ là bàn đạp để Đà Nẵng bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2025.

Khởi công công trình khu công viên phần mềm số 2 tổng mức đầu tư gần 704 tỷ đồng.

Đón “làn sóng mới”

Theo ông Trần Phước Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, trong giai đoạn 2016-2020, với những chủ trương, giải pháp mạnh mẽ, môi trường đầu tư của thành phố được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Từ đó, nguồn lực xã hội từ khu vực kinh tế tư nhân được khơi dậy, phát triển và dần trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Từ năm 2016 đến tháng 9-2020, thành phố có 430 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 108.765,9 tỷ đồng, có 523 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD được thu hút đầu tư vào thành phố. Cũng trong giai đoạn này có 60 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 144,5 triệu USD và 607 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng vốn 212,1 triệu USD.

Với các chính sách, hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính và đặc biệt là công tác hỗ trợ, xử lý vướng mắc, kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư mà thành phố đã quyết liệt triển khai trong những năm qua được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là điểm cộng về sự đột phá; các chương trình “Tọa đàm mùa Xuân”, “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” cũng như việc ban hành và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách vào thực tiễn. Chỉ tính riêng trong 3 năm thực hiện “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” (2018, 2019 và 9 tháng đầu năm 2020) có 334 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư cấp mới đạt gần 846 triệu USD, chiếm 63,9% về số dự án và 81% về vốn đầu tư thu hút giai đoạn 2016 - 2020.

Trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 còn diễn biến phức tạp, để kịp thời đón các làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài (FDI) từ các quốc gia trên thế giới và tiếp cận với các doanh nghiệp trong nước đang tìm kiếm thị trường đầu tư mới sau dịch bệnh, thành phố Đà Nẵng đang đẩy nhanh chuẩn bị một số quỹ đất, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư; tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng Khu công nghệ cao, Khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các khu/cụm công nghiệp mới (Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Cầm giai đoạn 2), mở rộng Khu Công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng, thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung - Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng; triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Công viên phần mềm số 2… Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình UBND thành phố Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2021, trong đó, xác định ưu tiên thu hút đầu tư FDI trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin; công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ; các ngành dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là thương mại, du lịch, logistics, y tế, giáo dục, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,... Chú trọng thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa từ các tập đoàn công nghệ của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Châu Âu,...

Có đột phá mới đạt kỳ vọng

Theo tính toán, để đạt tốc độ tăng trưởng 9- 10% trong giai đoạn 2021-2025, Đà Nẵng cần khoảng 240.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; trong đó khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cần khoảng 190.000 tỷ đồng, chiếm 78-80% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đây là nguồn lực quan trọng, vì vậy cần thiết phải có những giải pháp đột phá trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy mạnh thu hút đầu tư để khơi thông nguồn lực, nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng, kỳ vọng.

Trước hết, phải bám sát định hướng phát triển theo Nghị quyết 43-NQ/TW, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón làn sóng chuyển hướng đầu tư sau tác động của đại dịch Covid-19, tập trung vào 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn đã được xác định; ưu tiên triển khai các công trình, dự án trọng điểm theo danh mục giai đoạn 2021-2025 trình tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII như: dự án cảng Liên Chiểu (đang đề xuất Trung ương bố trí 2.994,6 tỷ đồng - chiếm 87,4% tổng mức đầu tư, trong đó từ nguồn vốn NST.Ư hỗ trợ cho các dự án liên vùng là 1.500 tỷ đồng và từ nguồn vốn NST.Ư hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương 1.494,6 tỷ đồng); Khu đô thị Đại học Đà Nẵng; xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ… để khẳng định được vị thế, vai trò động lực phát triển của thành phố đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tiếp đó, thành phố cần tập trung chỉ đạo triển khai 10 chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Thành ủy và UBND thành phố gắn với các định hướng giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2021-2025 theo dự thảo Văn kiện Đại hội về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy các động lực tăng trưởng mới; phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế; phát triển dịch vụ logistics, cảng biển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tổ chức không gian đô thị hiện đại, hướng đến xây dựng thành phố môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai các cơ chế chính sách đặc thù, các dự án động lực, trọng điểm, tạo sự liên kết, lan tỏa phát triển trong khu vực, phát huy vai trò hạt nhân của Đà Nẵng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, ưu tiên những nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố; xây dựng, phát triển Đà Nẵng thành trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, chất lượng cao gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hướng đến xây dựng “thành phố đáng sống”... Có giải pháp phát huy các cơ chế, chính sách đặc thù về phân cấp, phân quyền trong quản lý đô thị, quản lý đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường tiếp cận, mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và nước ngoài với những cơ chế, chính sách khả thi; đổi mới, đa dạng hóa phương thức tổ chức xúc tiến, vận động đầu tư, đặc biệt là các hình thức trực tuyến và xúc tiến đầu tư tại chỗ trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu…

Bên cạnh đó, thành phố cần tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đang triển khai dự án trên địa bàn thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động. Đồng thời, đẩy nhanh hoàn chỉnh quy hoạch, rà soát, điều chỉnh cơ chế theo hướng thông thoáng, đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả, tạo sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế lớn có năng lực tài chính và công nghệ hiện đại, lợi thế về trình độ quản lý đầu tư, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực tới các nhà đầu tư mới.

Ngoài ra, để tạo hấp lực đối với các nhà đầu tư, cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục về đầu tư và doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng. Chính vì vậy, thành phố nhất thiết phải đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư. Trong đó cần ưu tiên việc thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng để giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Để cập nhật, rút ngắn khoảng cách, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp triển khai hiệu quả phần mềm “Quản lý, giám sát các dự án đầu tư” nhằm theo dõi và đẩy nhanh tiến độ xúc tiến các dự án, phát huy trách nhiệm và tính chủ động của các sở, ban, ngành, quận, huyện trong công tác hỗ trợ, đôn đốc các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án.

Ông Trần Phước Sơn nhấn mạnh: “Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố; sự chung tay, vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, công tác thu hút đầu tư vào thành phố trong thời gian đến sẽ tiếp tục gặt hái nhiều kết quả khả quan hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển không chỉ của thành phố mà còn khẳng định vai trò, vị thế của Đà Nẵng là đầu tàu, động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, là trung tâm kinh tế- xã hội lớn của cả nước”.

CÔNG KHANH