Đà Nẵng cần nhìn nhận lại vai trò ngành công nghiệp
(Cadn.com.vn) - Mặc dù ngành công nghiệp được đầu tư không cao song đóng góp vào ngân sách lại cao hơn các ngành dịch vụ, vì vậy Đà Nẵng cần nhìn nhận lại vai trò của ngành công nghiệp để có chiến lược phát triển tương xứng.
Giai đoạn 2011-2015 tổng vốn đầu tư phát triển công nghiệp của Đà Nẵng gần 25 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư phát triển TP. Tuy vậy, trong cơ cấu thu ngân sách, ngành công nghiệp luôn dẫn đầu. Năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 54 ngàn tỷ đồng chiếm hơn 41% giá trị sản xuất toàn TP. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng hơn 11% (các ngành dịch vụ tăng hơn 9%). Một số ngành sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao nhờ thị trường tiêu thụ ổn định và mở rộng, đồng thời có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng đã đi vào giai đoạn khai thác phát huy công suất. Tiêu biểu như sản xuất bê-tông tăng 45%, sản xuất dụng cụ thể dục thể thao tăng hơn 33%, sản xuất săm lốp cao su tăng hơn 22%...
Đà Nẵng có gần 18 ngàn DN, trong đó gần 1,3 ngàn DN công nghiệp, hơn 92% là DN ngoài nhà nước, số DN ngành công nghiệp chế biến khoảng 93%. Tổng số lao động ngành công nghiệp đến năm 2015 khoảng 120 ngàn người (công nghiệp chế biến chiếm 88%). Số DN có qui mô vốn dưới 10 tỷ đồng chiếm hơn 75%, từ 10-200 tỷ đồng chiếm hơn 21%, còn vốn trên 200 tỷ đồng chỉ chiếm 3,6%, chủ yếu là DN FDI. Năng suất lao động thực tế ngành công nghiệp TP khoảng 126 triệu đồng/lao động/năm. Sản phẩm công nghiệp chủ lực của Đà Nẵng gồm thủy sản, bia, dệt may, giày, săm lốp cao cu, xi-măng, sắt thép, linh kiện điện tử... Về hạ tầng công nghiệp, Đà Nẵng hiện có 6 Khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích quy hoạch hơn 1 triệu ha, trong đó diện tích dành cho thuê chiếm 73%, tỷ lệ lấp đầy của 6 KCN hiện trên 85%. Cụ thể, có 432 dự án đã đầu tư trong 6 KCN, trong đó 102 dự án FDI tổng vốn khoảng 1 tỷ USD. Ngoài ra Đà Nẵng còn 1 khu Công nghệ cao (hơn 1,1 ngàn ha) hiện đã hoàn thành 200 ha, thu hút được 4 dự án; 2 khu Công nghệ thông tin tập trung và một số công viên phần mềm, Khu đô thị công nghệ.
Công nghiệp Đà Nẵng đang chuyển dịch theo hướng có hàm lượng cao về kỹ thuật- công nghệ. Trong ảnh: Hoạt động tại nhà máy ô-tô trong KCN Hòa Khánh. |
Hiện tại ngành công nghiệp TP đang có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp sạch, có hàm lượng cao về kỹ thuật- công nghệ (điện tử, thiết bị điện, cơ khí chế tạo), các ngành sản xuất hàng tiêu dùng giá trị tăng cao (ô-tô, dược phẩm, bia, bao bì). Ngành công nghiệp hỗ trợ của TP đã hình thành với một số sản phẩm có qui mô khá lớn như săm lốp cao su, sợi, bao bì, chi tiết phụ tùng máy móc thiết bị... Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, công nghiệp Đà Nẵng hiện còn nặng về gia công, lắp ráp, chế biến thô nên sản phẩm có hàm lượng, giá trị chưa cao; phần lớn DN ngoài nhà nước có qui mô nhỏ và siêu nhỏ (85%); chưa có sự hợp tác tạo thành chuỗi liên kết theo giá trị gia tăng...
Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, sở dĩ có những hạn chế trên, trước hết do việc phát triển khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp. TP cũng thiếu cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu mặt bằng mở rộng sản xuất và di dời các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư của các DN nhỏ và vừa. Nguồn lực của TP triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ, đào tạo nghề, ứng dụng KHCN còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đặc biệt, công tác xúc tiến đầu tư chưa thật sự hiệu quả và còn nhiều bất cập. Giai đoạn vừa qua, TP chủ yếu tập trung phát triển hạ tầng đô thị, thu hút du lịch, dịch vụ, chưa có sự quan tâm thích đáng với công nghiệp.
Không chỉ đóng góp lớn cho ngân sách, ngành công nghiệp TP còn góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động. Do đó, việc đầu tư, phát triển công nghiệp phải có chiến lược phù hợp hơn trong điều kiện TP có diện tích nhỏ hẹp, lại đang tập trung phát triển mạnh các ngành thương mại, dịch vụ. Cụ thể, công nghiệp Đà Nẵng phải phát triển hướng mạnh vào các ngành có kỹ thuật và công nghệ cao, khuyến khích DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Riêng với các KCN hiện có, việc bố trí sản xuất chưa hợp lý, diện tích đất còn lại bị chia cắt, qui mô nhỏ lẻ, khó thu hút đầu tư. Chưa kể, phần lớn DN của Đà Nẵng nhỏ và siêu nhỏ, họ thực sự có nhu cầu thuê đất sản xuất trong các KCN, tuy nhiên diện tích thuê theo qui định lớn, nhu cầu DN không sử dụng hết. Vì thế, đất trong KCN cứ trống còn DN nhỏ thì cứ phải sản xuất trong khu dân cư, ảnh hưởng tới môi trường sống.
Để thúc đẩy sản xuất, tạo thêm giá trị và việc làm, TP cần khẩn trương xây dựng 7 cụm công nghiệp mới theo qui hoạch. Thời gian qua, nhiều DN cũng than phiền không thể yên tâm sản xuất bởi hạ tầng các KCN bộc lộ nhiều bất cập, đơn cử như bất cập trong xử lý nước thải ở các KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu, Hòa Cầm. Vì vậy, để DN yên tâm đầu tư, sản xuất đòi hỏi đầu tư hạ tầng các KCN mới phải đồng bộ, hiệu quả và hiện đại theo mô hình KCN sinh thái. Cụ thể trong thời gian tới TP sẽ phát triển mới KCN Hòa Cầm (GD2) 110 ha, Hòa Ninh 200ha, Hòa Nhơn hơn 483ha, giảm dần diện tích KCN Đà Nẵng để chuyển thành khu đô thị, từng bước chuyển KCN Hòa Cầm thành KCN sinh thái thì những bài học từ các KCN cũ không thể lặp lại.
Nhìn nhận lại vai trò của ngành công nghiệp để có đầu tư thích đáng, định hướng phù hợp, trong điều kiện đảm bảo môi trường phát triển cách ngành dịch vụ của TP là cần thiết. Bởi lẽ, TP muốn phát triển bền vững, tạo nguồn thu ổn định, giải quyết việc làm cho lao động buộc phải thúc đẩy, mở mang sản xuất, tức là vẫn phải dựa vào công nghiệp là chủ yếu.
Hải Hậu