Đà Nẵng cần tập trung thu hút đầu tư vào công nghệ cao
“Đà Nẵng cần tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao (CNC). Đây là ngành có giá trị gia tăng lớn, tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển” - Đó là chia sẻ của TS Phùng Tấn Viết - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng trong công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư.
TS Phùng Tấn Viết |
P.V: Ông có thể cho biết hạ tầng KCNC, các chính sách ưu đãi vượt trội cho nhà đầu tư hiện nay?
TS Phùng Tấn Viết: Hiện nay, tại KCNC hạ tầng cơ sở như hệ thống giao thông; hệ thống cấp, thoát nước; điện; công nghệ thông tin và truyền thông được đầu tư quy mô và hiện đại đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Đến nay, KCNC Đà Nẵng đã thu hút được 7 dự án với tổng vốn đầu tư 158 triệu USD.
Các nhà đầu tư khi đầu tư vào KCNC Đà Nẵng được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất và sử dụng hạ tầng. Đối với tiền thuế thu nhập DN với mức ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm (áp dụng thuế suất ưu đãi được tính liên tục từ năm đầu tiên DN có doanh thu); miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo (thời gian miễn thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên DN có thu nhập chịu thuế).
Ưu đãi tiền thuê đất, giá thuê đất từ 5.250 - 10.500 đồng/m2/năm tùy theo loại dự án (dự án sản xuất hoặc dự án kinh doanh dịch vụ), với 2 phương thức trả tiền thuê đất linh hoạt: trả từng năm hoặc trả một lần cho toàn bộ thời gian thuê. Cụ thể, miễn 11 năm tiền thuê đất đối với dự án xây dựng chung cư cho công nhân làm việc tại KCNC; Miễn 11 năm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ; Miễn 3 năm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Ưu đãi tiền sử dụng hạ tầng, miễn 100% tiền sử dụng hạ tầng trong 2 năm đầu kể từ ngày nhận giao đất và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo đối với các dự án nghiên cứu - phát triển CNC, ươm tạo CNC, ươm tạo DN CNC, đào tạo nhân lực CNC; miễn 100% tiền sử dụng hạ tầng trong 2 năm đầu kể từ ngày nhận giao đất đối với các dự án thuộc danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển; Giảm 50% tiền sử dụng hạ tầng trong 2 năm đầu kể từ ngày nhận giao đất đối với các dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp CNC.
Bên cạnh các chính sách ưu đãi cho Nhà đầu tư, BQL KCNC còn hỗ trợ nhà đầu tư các dịch vụ như: Cung ứng dịch vụ hành chính một cửa; hỗ trợ thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú; hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực CNC; hỗ trợ vay vốn…
P.V: Theo ông đâu là những rào cản trong việc thu hút đầu tư vào KCNC Đà Nẵng hiện nay?
TS Phùng Tấn Viết: Hiện nay, chưa có nhà đầu tư lớn có sức lan tỏa, lôi kéo các nhà đầu tư khác đến Đà Nẵng. Cơ chế chính sách ưu đãi có nhưng không có gì vượt trội hơn so với 2 đầu đất nước. Trong khi đó, tại Đà Nẵng thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, thị trường tiêu thụ nhỏ nên nhiều nhà đầu tư phải lựa chọn, cân nhắc. Về nguồn nhân lực đúng là khá dồi dào nhưng khi nhà đầu tư cần các nhà quản lý, các chuyên gia công nghệ, lao động có kỹ năng cao lại thiếu buộc nhà đầu tư phải tìm kiếm hoặc chiêu mộ ở nơi khác. Đà Nẵng cứ ngộ nhận nguồn nhân lực rất dồi dào. Đà Nẵng có đến 24 trường ĐH, CĐ đào tạo nguồn nhân lực đại trà nhưng đào tạo kỹ năng chuyên sâu chưa có… Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài vào họ thường thuê các chuyên gia từ miền Bắc hoặc miền Nam đến quản lý.
P.V: Ông nói đến thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, vậy KCNC có Vườn ươm tạo nhân lực phục vụ cho nhà đầu tư đến nay hoạt động như thế nào?
TS Phùng Tấn Viết: Để xây dựng và phát triển KCNC theo đúng định hướng đa chức năng, trong đó tập trung phát triển hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), ươm tạo và đào tạo bên cạnh hoạt động sản xuất, BQL đã chủ động liên kết hợp tác với các trường ĐH, các viện nghiên cứu uy tín trong nước và quốc tế như ĐH Quốc gia Hanbat (Hàn Quốc), ĐH Đà Nẵng nhằm phát triển mạnh hoạt động R&D, ươm tạo công nghệ, thương mại hóa sản phẩm công nghệ trong sự gắn kết của mối quan hệ hợp tác đại học và công nghiệp.
Việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa KCNC Đà Nẵng và các trường ĐH sẽ là tiền đề để KCNC Đà Nẵng nỗ lực vươn lên tạo bước đột phá mới trong việc hoạch định chiến lược phát triển, trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN về khoa học và công nghệ tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
KCNC Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng chờ đón nhà đầu tư. Trong ảnh: Đường vào KCNC Đà Nẵng. |
P.V: Đà Nẵng nhiều năm liền dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... nhưng thu hút đầu tư chưa được như kỳ vọng, thậm chí là sụt giảm so với một số địa phương khác? Ông nghĩ gì về nghịch lý này?
TS Phùng Tấn Viết: Môi trường đầu tư tại Đà Nẵng cơ bản là thuận lợi, đó là có Nghị quyết 33/ BCT của Bộ Chính trị về ưu tiên đầu tư CNC, có KCNC có cơ chế đặc thù, có phương tiện vận chuyển và logistis thuận lợi như cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ. Đà Nẵng cũng là một điển hình về tính năng động của chính quyền, với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh… Tuy nhiên, để thu hút đầu tư như vậy là chưa đủ.
Chỉ số PCI đánh giá sự năng động điều hành của chính quyền thành phố, môi trường đầu tư thông thoáng… nhưng đối với nhà đầu tư, vào địa phương nào thì họ phải so sánh được lợi ích tính bằng tiền mang lại cho họ. Mà lợi ích ở đây thể hiện bằng cơ chế đặc thù, bằng chính sách miễn giảm thuế, phí… Đối với Đà Nẵng, trong nhiều năm dẫn đầu chỉ số PCI nhưng chỉ xem đây là tiêu chí tham khảo. Chúng ta không say sưa với chỉ số PCI, vì sao TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam… có bao giờ đứng đầu chỉ số này đâu nhưng nhà đầu tư vẫn ào ào đổ về?
Tôi xin nhấn mạnh, Đà Nẵng cần tập trung phát triển công nghiệp và xem công nghiệp CNC là ngành kinh tế động lực để phát triển thành phố trong thời kỳ mới. Từ đó, có chính sách miễn tiền thuê đất đai, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm và chính sách thu hút nhân tài, thu hút nguồn lực đầu tư…
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
XUÂN ĐƯƠNG (thực hiện)