Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng cần tiếp tục "khác biệt" để phát triển

Thứ tư, 13/03/2024 10:10
Đà Nẵng sẽ mở rộng không gian đô thị về phía Tây và Tây Bắc thành phố, phát triển đô thị nén khu vực trung tâm hiện hữu.

Mở rộng không gian đô thị

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43, Ban kinh tế Trung ương nhìn nhận, diện mạo đô thị Đà Nẵng thay đổi nhanh theo hướng văn minh, hiện đại với nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm, quy mô lớn được đầu tư. Không gian đô thị được mở rộng nhanh, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2022 đạt hơn 87%, cao nhất cả nước. Theo định hướng của Ban kinh tế Trung ương, trong thời gian tới, Đà Nẵng cần tiếp tục phát triển trở thành đô thị du lịch lớn, chuyển từ cấu trúc đơn tâm sang đa cực. Trong đó, khu vực trung tâm phát triển theo mô hình đô thị nén, xây dựng hệ thống không gian ngầm. Khu vực phát triển đô thị mới hướng về phía Tây, Tây Bắc thành phố, với việc đô thị hoá 9 xã của huyện Hoà Vang bao gồm Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Sơn và một phần xã Hòa Ninh. Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn, hình thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố. Đô thị Đà Nẵng cũng sẽ phát triển các loại hình cơ sở lưu trú du lịch phù hợp với đặc thù từng không gian du lịch, trong đó Khu du lịch Sơn Trà và Nam Bán đảo Sơn Trà, Khu đô thị du lịch Bà Nà - Suối Mơ (khu vực chân núi Bà Nà) thành khu du lịch đẳng cấp quốc tế.

Đánh giá về phát triển hạ tầng kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, Đà Nẵng đã tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các công trình, dự án được xác định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW như cảng Liên Chiểu, Làng đại học, ga hành khách T3 sân bay Đà Nẵng, đường vành đai phía Tây đến cao tốc La Sơn - Túy Loan, tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14B…Theo định hướng, thời gian tới Đà Nẵng sẽ được tạo động lực phát triển mới từ nhiều dự án trọng điểm. Nổi bật như đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y, câng cấp cao tốc La Sơn - Túy Loan, đầu tư các tuyến đường sắt đô thị để kết nối giữa Đà Nẵng với Hội An, Lăng Cô…

Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng động lực khác trong lĩnh vực viễn thông, thương mại, dịch vụ cũng được đầu tư xây dựng. Trong đó, đầu tư xây dựng Công viên phần mềm Đà Nẵng thành khu công nghệ thông tin tập trung trọng điểm quốc gia, hút đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu quy mô khu vực; đầu tư xây dựng Tổ hợp Thể thao, giải trí, thương mại Hòa Xuân (Sporthub), khu phi thuế quan, khu thương mại tự do và Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế hạng A.

Đà Nẵng cần cơ chế đặc thù để thu hút nhân lực chất lượng cao cũng như các lĩnh vực kinh tế mới gắn với cách mạng công nghiệp 4.0.

"Khác biệt" để phát triển

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Việt trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Đà Nẵng cần tiếp tục "khác biệt" để phát triển. Theo TS Cung, quy hoạch Đà Nẵng tới năm 2030 với hàng trăm dự án, số vốn cần huy động để thực hiện quy hoạch 800 ngàn tỷ đồng (32 tỷ đô), bằng 40% GRDP thành phố, trong khi thời gian còn lại khoảng 7 năm. Do đó, cần cơ chế, chính sách đặc thù mới tạo động lực để có thể thu hút nguồn lực đầu tư lớn như thế. TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, Đà Nẵng cần mở rộng không gian phát triển, đầu tư nâng cấp sân bay ít nhất 25 triệu hành khách/năm hoàn thành trước năm 2028; đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu và nâng cấp mở rộng toàn tuyến quốc lộ 14B, 14G kết nối Đà Nẵng với bắc Tây Nguyên, Lào, Myanma.

Để huy động nguồn lực đầu tư, Đà Nẵng cần tăng thêm vốn đầu tư từ nhà nước, đảm bảo phải chiếm từ 25% tổng vốn đầu tư xã hội như qui hoạch. Giải pháp là Trung ương tạm thời không điều tiết thu ngân sách thành phố về Trung ương cho đến năm 2030, đồng thời bố trí đủ vốn thực hiện dự án quốc lộ 14B và 14G cho toàn tuyến kết nối Đà Nẵng với bắc Tây Nguyên. Cho phép Đà Nẵng thực hiện thu hút đầu tư dưới hình thức PPP không hạn chế về lĩnh vực, ngành nghề và quy mô, đặc biệt khuyến khích trong đầu tư phát triển hệ sinh thái du lịch và đô thị hoá. Đặc biệt phải có các biện pháp khuyến khích và ưu đãi khác biệt vượt trội đủ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước); cùng với điều kiện sống và làm việc thuận lợi tương đương khu vực để thu hút và hội tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người lao động trình độ cao trong các ngành công nghiệp công nghệ cao của thành phố…

TS Nguyễn Đình Cung cũng cho biết, để thực hiện 3 trụ cột chính phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43 cần có hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng đến năm 2030. Cụ thể là áp dụng thủ tục đầu tư rút gọn (chỉ định thầu và chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư đồng thời với giao đất, cho thuê đất) đối với dự án quy mô lớn của doanh nghiệp (nhà đầu tư) lớn, có uy tín ở trong nước hoặc quốc tế trong công nghiệp công nghệ cao, logistics, tổ hợp thương mại và văn phòng, trung tâm mua sắm, xử lý chất thải rắn và nước thải, bảo vệ môi trường... Cho phép Đà Nẵng hỗ trợ giá trị quyền sử dụng đất thực hiện các dự án PPP trong các dự án phát triển đô thị hiện đại, xanh và thông minh trên hai bên bờ sông Hàn, dự án đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm, các trung tâm thương mại đa chức năng, các dự án xử lý chất thải… Cho phép Đà Nẵng mở thêm cơ sở casino cho khách du lịch (số lượng, quy mô các cơ sở casino do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định).

Thỏi nam châm liên kết vùng

Ông Lê Anh Đức, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để Đà Nẵng trở thành trung tâm khu vực theo định hướng thì cần triển khai nhanh các dự án hạ tầng liên kết cả phần cứng và phần mềm. Theo ông Đức, bên cạnh đầu tư nâng cấp QL14B, 14G, 14D, xây dựng cảng Liên Chiểu, Làng đại học…có thể xem xét mở một tuyến tàu điện đô thị lưu lượng từ Huế qua KKT Chân Mây - Lăng Cô, đến Đà Nẵng và chạy xuống Hội An - Nam Hội An. Xem xét đầu tư khu logictics chung giữa cảng Liên Chiểu và cảng Chân Mây để sẵn sàng cho việc mở cửa cả khu vực ASEAN. Đồng thời, cần thiết lập trung tâm điều phối dịch vụ hạ tầng liên vùng sử dụng công nghệ số để điều phối chia sẻ luồng vận tải hành khách và hàng hóa qua hệ thống cơ sở hạ tầng vận tải chung của toàn vùng gồm các cảng biển, cảng sân bay; phối hợp xây dựng và thúc đẩy các sản phẩm du lịch phong phú trên cơ sở kết hợp thế mạnh của từng địa phương.

Với hạ tầng phần mềm, ông Đức cho rằng, Đà Nẵng phải tạo ra môi trường sống, làm việc hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao "đổ" về. Thành phố cần các chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cùng quy tụ về, trở thành "vùng đất đáng làm việc", tạo ra các việc làm có thu nhập cao. Ở chiều ngược lại, việc đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao chính là lợi thế nhằm tạo sự hấp dẫn, hội tụ các doanh nghiệp công nghệ cao trong và ngoài nước. Thành phố cần liên kết và tạo điều kiện để các tập đoàn công nghệ trong nước mở các cơ sở đào tạo nhân lực, các cứ điểm sản xuất như FPT, Viettel, Vingroup…

TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển, cần có chính sách, cơ chế ưu đãi đặc thù vượt trội về sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập. Ngoài ra, cần đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, năng lực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp bán dẫn và công nghiệp công nghệ cao khác cho Đại học Đà Nẵng, nhất là trường Đại học Bách khoa và các trường đại học khác. Thành lập quỹ (không giới hạn quy mô với đóng góp của ngân sách địa phương, doanh nghiệp và các nguồn khác) về nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Áp dụng thuế thu nhập cá nhân 10% đối với chuyên gia, nhà nghiên cứu, người lao động có trình độ cao... làm việc tại doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, trong các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao khác tại Đà Nẵng.

HẢI QUỲNH

"Bên cạnh quyết tâm chính trị, đổi mới tư duy và sáng tạo của cả hệ thống chính trị, nhất là những người lãnh đạo, thì cần sớm có một nghị quyết mới của Quốc hội về cơ chế đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng. Điều đó góp phần quyết định vào việc thực hiện thành công nghị quyết 43 của Bộ chính trị và quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050."-TS Nguyễn Đình Cung.