Đà Nẵng cảnh báo, mổ xẻ những bất cập sau thời gian phát triển “nóng”
(Cadn.com.vn) - Đô thị Đà Nẵng phát triển quá “nóng” nên đến thời điểm này bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập, nổi lên là vấn đề quy hoạch xây dựng, giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự... Những vấn đề này được mổ xẻ tại ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 2 HĐND TP khóa IX (ngày 10-8), trong phiên chất vấn.
Bắt đầu khổ vì quy hoạch
Đại biểu (ĐB) Tô Hùng nói, bình quân Đà Nẵng 1 năm phê duyệt hơn 300 đồ án qui hoạch, riêng năm 2011 phê duyệt 476 đồ án qui hoạch, trong đó có 222 đồ án phải giải tỏa, đó là con số rất ngỡ ngàng. Trong khi Hà Nội 3 năm chỉ lập được 71 đồ án qui hoạch. Khi xem lại bản đồ khớp nối của các quận huyện con số này cũng rất dễ hiểu, bởi hầu như tất cả các đồ án qui hoạch đều có chung một kiểu là chia lô. Từ đồng bằng đến miền xuôi miền ngược, từ trung tâm đến vùng ven, cứ có một kiểu. Đất ven đồi chia không được thì ủi ra mà chia. Đất hồ không chia được thì lấp hồ để chia. Đà Nẵng luôn đánh giá tự hào có sông có núi, biển, nhưng mà qui hoạch chỉ có một kiểu. ĐB Hùng đề xuất, sắp tới qui hoạch phía tây đô thị cần phải thận trọng, chứ cứ làm kiểu này sẽ phá nát đô thị Đà Nẵng. Hiện nay Đà Nẵng đang lập qui hoạch phân khu. Người ta lập qui hoạch chung rồi mới đến phân khu, chi tiết, bây giờ Đà Nẵng qui hoạch chi tiết hết rồi, lấp kín rồi, lấy đâu mà qui hoạch phân khu, như vậy có nên hay không?
Giải đáp thắc mắc trên, ông Vũ Quang Hùng- GĐ Sở Xây dựng cho rằng, cần khẳng định những qui hoạch trong những năm qua cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển đô thị. Trong thời gian chưa đầy 20 năm, Đà Nẵng đã trở thành đô thị loại I, không gian đô thị đã mở rộng gấp 3. Trong bối cảnh đó có thể hiểu vì sao các đồ án được lập và qui hoạch với tốc độ rất khẩn trương. Nếu không khẩn trương, để kéo dài, sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Đến nay hàng ngàn dự án đã được triển khai trên địa bàn Đà Nẵng, đảm bảo tương đối đồng bộ, rất hiếm trường hợp sai lệch, đáp ứng được nhu cầu tái định cư, an sinh xã hội. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, phần lớn các đồ án đều có điều chỉnh, có dự án điều chỉnh nhiều lần, mỗi lần điều chỉnh tính một lần. Do điều kiện tài chính chưa cho phép, mong muốn của chính quyền khi lập qui hoạch muốn tạo điều kiện tốt về hạ tầng kỹ thuật cho người dân trong khu vực, tuy nhiên nhiều thời điểm không thuận lợi về nguồn vốn, nên cần có lộ trình từng bước. Tuy vậy, có một số trường hợp do triển khai quá nhanh, thông tin số liệu cập nhật chưa đầy đủ, ý tưởng sáng tạo chưa chín muồi, dẫn đến những bất cập khi triển khai dự án, đây là điều cần rút kinh nghiệm.
Hiện nay qui hoạch của Đà Nẵng gần như phủ kín, chủ trương TP phối hợp với các nhà tư vấn nước ngoài tổ chức các cuộc thi, như thi qui hoạch hai bờ sông Hàn dự kiến có kết quả trong tháng 11. Về qui hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2018 triển khai, nhưng do sân bay, cảng đã quá tải, cần xem xét, do vậy đã mời tư vấn nước ngoài. Thời gian tới, qui hoạch sẽ đi vào chiều sâu chứ không phải chiều rộng như bây giờ.
ĐB Huỳnh Minh Chức phản ánh, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng kẽ hở Luật Đầu tư 2014 trong việc góp vốn, mua cổ phần để sở hữu đất ven biển, dù đất đó không thuộc sở hữu cá nhân người nước ngoài nhưng đất đó thuộc sở hữu Cty nước ngoài, họ toàn quyền quyết định, họ làm gì trong đó mình không biết, không kiểm tra được. ĐB cho rằng cần quản lý chặt chẽ qui hoạch đất ven biển. Hiện nay có 23 dự án bất động sản du lịch được cấp phép nhưng còn nhiều dự án treo, nhưng tại sao thu hồi không dễ. Phải bảo vệ môi trường biển, không để xảy ra sự cố như một số địa phương. Bởi vì khách du lịch đến với Đà Nẵng vì môi trường. Bãi biển Đà Nẵng có tiềm năng phát triển du lịch nhưng cũng là địa bàn, hướng quan trọng trong thế trận phòng thủ của TP và cả MT-TN. Đề nghị TP sớm thu hồi những dự án không triển khai. Khi cấp phép các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài nên cân nhắc kỹ các khu vực nhạy cảm về an ninh quốc gia, nhất là dọc tuyến ven biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, đèo Hải Vân. Nên tranh thủ ý kiến của các cơ quan chức năng cùng tham gia thẩm định về môi trường, về an ninh quốc gia để thuận lợi trong phát triển kinh tế mà không ảnh hưởng đến thế trận QPAN.
Du lịch nghỉ dưỡng chưa nhiều chủ yếu du lịch balô, khách du lịch bình dân giá rẻ, khách này mang lại hiệu quả kinh tế chưa cao. Đề nghị nghiên cứu đề án thành lập Cảnh sát du lịch để làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường du lịch. Vì gần đây có nhiều thông tin phản ánh khách du lịch Trung Quốc có hành động thiếu văn hóa, hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động chui, diễn giải không đúng lịch sử, địa lý Việt Nam và hăm dọa hướng dẫn viên Việt Nam.
ĐB Lê Thị Mỹ Hạnh thì cho rằng, việc rà soát thu hồi các dự án ven biển chậm triển khai tới nay mới được 1 dự án. Đây là vấn đề khó, nhưng khó phải làm, vấn đề TP có quyết tâm không? TP cần giám sát xử lý vấn đề này tới cùng.
Giải thích về ý kiến nêu trên, ông Trần Văn Sơn- GĐ Sở Kế hoạch- Đầu tư cho biết, hiện Đà Nẵng có 14 dự án ven biển chậm tiến độ. Thời gian qua xuống kiểm tra từng dự án, yêu cầu ký cam kết đúng theo luật qui hoạch được gia hạn 24 tháng. Sau thời gian trên nếu không triển khai TP sẽ chấm dứt dự án, thu hồi, có hình thức đền bù. Luật qui định không thể làm trái, có những dự án đến năm 2019, có dự án tới năm 2021.
Trấn áp tội phạm băng nhóm
ĐB Lê Thanh Hải (Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng) cho biết tình hình ANTT vẫn diễn biến phức tạp. CATP đã nắm tình hình nổi lên là hoạt động lữ hành có yếu tố Hàn Quốc, Trung Quốc (tập trung ở Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn), cá biệt có trường hợp hướng dẫn viên người Trung Quốc đã có phát ngôn, cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử Việt Nam cho khách Trung Quốc. Một số khách Trung Quốc đã có hành vi ứng xử không đúng với chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật Việt Nam gây bức xúc trong dư luận. Từ đầu năm đến nay, CATP đã phối hợp với Sở Du lịch xử phạt 27 cá nhân (15 người Hàn Quốc, 12 người Trung Quốc) có hoạt động liên quan kinh doanh lữ hành trái phép. Bên cạnh đó, ĐB Lê Thanh Hải cũng đề cập đến tình hình trộm cắp xảy ra trên địa bàn chiếm tỷ lệ lớn, hơn 65% tổng số vụ vi phạm về TTXH. Tội phạm ma túy, kinh tế, môi trường diễn biến phức tạp.
ĐB Lê Thanh Hải tham gia chất vấn. |
Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh lưu ý CATP cần hết sức quan tâm đến các băng nhóm tội phạm, nhất là bảo kê, cho vay nặng lãi, cá độ bóng đá. Đà Nẵng không thể có chuyện một số đối tượng xã hội đen đi ngông nghênh ngoài đường, coi trời bằng vung, coi người khác như rơm như rác, sẵn sàng gây gổ đánh nhau. Đặc biệt CATP cũng phải quan tâm CBCS phụ trách trên lĩnh vực này phải hết sức trong sáng, phải coi tội phạm là mục tiêu mà mình săn đuổi, chứ không phải đối tượng đồng hành với mình. Ông Nguyễn Xuân Anh cũng lưu ý phải tăng cường tuần tra giao thông, nhất là ở đường Hoàng Diệu thường xuyên đi ngược chiều. Người ta cho Đà Nẵng là TP tốt nhất Việt Nam mà xe vẫn đi ngược chiều, vẫn vượt đèn đỏ, phản cảm vô cùng. Những cái rất nhỏ, nhưng ảnh hưởng đến môi trường Đà Nẵng ghê gớm, nhất là khi khách du lịch đến đông.
Không vì phát triển mà hủy hoại môi trường
ĐB Trần Đình Hồng phản ánh vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là ở Hòa Nhơn, nơi có các mỏ đất, đá đang được TP cấp phép cho khai thác. ĐB Hồng nói: “Hôm 6-8 vừa rồi Đoàn đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri ở Hòa Vang, sau khi nghe cử tri phản ánh, đồng chí Đinh Thế Huynh- Thường trực Ban Bí thư đã đến hiện trường kiểm tra. Khi tới đó, nếu không có xe dẫn đoàn của CSGT thì xe lãnh đạo TP vào có khi không ra được. Một khu vực nhỏ hẹp, đường chật nhưng có hàng nghìn xe ben, còn gọi là hung thần. Ô nhiễm môi trường rất nặng nề”. Cũng theo ĐB Hồng, Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn ở Hòa Nhơn qui mô 100 ha, khi tham khảo ý kiến người dân không đồng tình nhưng TP vẫn ban hành quyết định này. ĐB Hồng đề nghị TP phải nghiên cứu thấu đáo, cẩn trọng, có cơ sở khoa học, đặc biệt cần tiếp xúc, giải thích, thuyết phục người dân, để không xảy ra những bức xúc không đáng có.
Các ĐB Trần Đình Hồng, Lê Thị Như Hồng tham gia chất vấn. |
Nhiều ĐB khác cũng phản ánh bức xúc của cử tri về nhiều điểm nóng ô nhiễm môi trường dai dẳng, đồng thời đề nghị TP cần quyết liệt đầu tư xử lý môi trường, chọn những đơn vị đủ năng lực để thực hiện. Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung nói: Khai thác đất đá hiện nay gây ô nhiễm môi trường trầm trọng ảnh hưởng tới TP du lịch. Ở trên máy bay nhìn xuống các quả đồi của TP lởm chởm, thương tích. Đề nghị TP rà soát lại cấp phép và hạn chế cấp phép. Trước đây TP buộc DN cam kết hoàn thổ, thậm chí mỗi dự án phải bỏ ra 500 triệu đồng nộp cho TP để ký quỹ hoàn thổ, nhưng không biết bây giờ đã nộp được bao nhiêu, và hiệu quả hoàn thổ thế nào mà nhiều chỗ bây giờ vẫn lởm chởm, không thực hiện được. Với Khu liên hợp xử lý rác thải Hòa Nhơn là cấp bách rồi vì bãi rác Khánh Sơn đã quá tải. Với Khu xử lý mới này, ngoài việc đảm bảo môi trường là tất yếu thì có khó cũng phải đưa vào công nghệ xử lý hiện đại, xử lý hơn 90% rác thải, còn chôn lấp rất ít, chứ không phải phần lớn chôn lấp như ở Khánh Sơn.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh, Đà Nẵng không đánh đổi sự phát triển để hủy hoại môi trường, đó là quan điểm xuyên suốt. Vừa rồi lãnh đạo TP cũng xuống tận hiện trường để xử lý các điểm nóng ô nhiễm môi trường. Quan điểm là không nhân nhượng với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Một, hai lần là đóng cửa. Ở nước ngoài người ta làm rất nghiêm, đóng cửa ngay lần đầu chứ không có lần 2 nữa, nhưng mình vẫn còn nặng cái tình quá. Đơn cử như chỗ Trung tâm chế biến gia súc gia cầm, xả thải ra môi trường nguy hiểm. Nhưng tới giờ nghe nói vẫn tạo điều kiện. Tạo điều kiện 1-2 lần thôi, làm gì có lần thứ 3, thứ 4 mà xả như thế, dân người ta kêu. “Quan điểm của tôi, vấn đề môi trường phải quyết tâm ở mức cao nhất, bởi vì nếu chúng ta không xử lý quyết liệt, cái hậu quả mình gánh một phần nhưng thế hệ sau này gánh nhiều hơn nữa. Tăng trưởng kinh tế 1% mà môi trường bị hủy hoại 3%, thì không có lý do gì nhân nhượng vấn đề môi trường. Bất cứ cơ sở nào trên địa bàn Đà Nẵng vi phạm về môi trường đề nghị phải xử lý ở mức cao nhất. Lần đầu có thể vi phạm chứ lần thứ 2 dứt khoát phải đóng cửa. Mình sợ đóng cửa ảnh hưởng kinh doanh của người ta nhưng người ta có nghĩ tới quyền lợi của người dân đâu. Đà Nẵng môi trường mà không đảm bảo thì không còn gì nữa. ANTT và môi trường phải là số 1, còn cái số 2 số 3 là gì sẽ tính tiếp”, Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.
Giám đốc Sở TN&MT Lê Quang Nam đã trả lời chất vấn của các ĐB xung quanh thực trạng nước thải không xử lý xả thẳng ra biển, nước rỉ bãi rác Khánh Sơn, các trạm xử lý nước thải gây ô nhiễm, tình trạng khai thác khoáng sản... Ông Nam cho biết, hệ thống xả nước thải sinh hoạt của Đà Nẵng chung với nước mưa, nên khi mưa xuống quá tải, nước thải ở 29 cống xả trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành, 16 cống xả tuyến đường Hoàng Sa trực tiếp chảy ra biển. Việc này không chỉ ô nhiễm môi trường biển mà còn mất mỹ quan. Tuy vậy, để giải quyết thực trạng này cần đầu tư lớn để tách nước mưa ra khỏi nước thải, toàn bộ nước thải phải được xử lý trước khi thải ra biển. Thực tế, với công nghệ hiện tại, nước thải sinh hoạt của Đà Nẵng cũng chỉ được xử lý bước 1. Riêng hoạt động khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, ông Nam cho biết việc ký quỹ hoàn thổ môi trường thấp nên nhiều DN sau khi khai thác không hoàn thổ, họ bỏ quỹ luôn. Đây cũng là bài toán khiến ngành TN&MT rất đau đầu. Ông Nguyễn Xuân Anh cũng nói rằng, khai thác đất đá ở phía Tây thành phố giờ tan hoang hết, để lại những hố to hơn cả hố bom nguyên tử. Ông đề nghị UBND TP khi cấp phép phải đúng qui trình, cần thiết phải tăng mức ký quỹ lên vài tỷ đồng, để DN chấp nhận thì vào khai thác, đảm bảo hoàn thổ môi trường đúng qui định.
K.Thanh- H.Hậu