Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng cấp bách bảo vệ bờ biển

Thứ hai, 29/10/2018 08:02

Chỉ  trong một thời gian ngắn, bờ biển Đà Nẵng chạy dọc đường Võ Nguyên Giáp qua 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đã bị xâm thực, sạt lở phức tạp ở nhiều vị trí. Không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong mùa mưa sắp đến mà đây còn là một hiện tượng đáng lo ngại, gây “tổn thương” nghiêm trọng đối với một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh.

Huy động máy xúc khắc phục sạt lỡ bãi biển vào ngày 22-10.

Đầu năm 2017, các hộ dân kinh doanh dọc bãi biển Mỹ Khê khu vực ngã ba Nguyễn Văn Thoại – Võ Nguyên Giáp bắt đầu nhận thấy sự bất thường khi bãi cát dần dần bị thu hẹp, nước biển khi có sóng lớn đã xộc vào gần bờ kè, tiến sát chân móng các nhà hàng. Tại nhiều khu vực, đứng dưới taluy bờ kè như đứng dưới công sự, không còn thấy đường hoặc những tòa nhà cao tầng trên đường Võ Nguyên Giáp. Cứ sau mỗi trận mưa lớn, nước từ các cống xả ven biển chảy ra tạo thành những “con kênh” lớn, kéo theo hàng nghìn khối cát theo luồng ra biển. Đến đầu năm 2018, hàng chục mét  bờ kè kéo dài từ bãi tắm Sao Biển 1 qua Sao Biển 2 tại P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn đã bị sóng biển ngoạm sâu, đánh sập gây sạt lở nghiêm trọng. Không chỉ tạo những hố hàm ếch lớn, những đợt sóng lớn đã khoét sâu vào chân móng của các nhà hàng, nhiều khối bê-tông bị giật lòi đế.

Để bảo vệ bờ biển cùng các công trình trong khu vực, hạn chế sạt lở dây chuyền, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa vào hồ sơ nâng cấp bãi tắm để gia cố, sửa chữa. Tuy nhiên, khi chưa thể bắt tay vào thực hiện thì những cơn mưa lớn trong 2 tháng qua mà đỉnh điểm là tối 21-10 đã khiến nước xả qua cửa xả Mỹ An cuốn phăng hàng trăm khối cát, khiến tình hình sạt lở tại khu vực này càng thêm nghiêm trọng. Ông Phan Minh Hải – Phó trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện tượng xảy ra trong thời gian qua ngày càng nghiêm trọng, có nguy cơ sạt lở sâu vào hạ tầng tài sản đã đầu tư, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân và du khách.

Nhiều khu vực dọc bãi biển Đà Nẵng đối mặt với nguy cơ xâm thực, sạt lở.

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND thành phố đã có văn bản giao Sở Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thực hiện các công tác bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, cử lực lượng thường xuyên canh gác, túc trực tại khu vực sạt lở. Song song với việc này, thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan kiểm tra đề xuất phương án xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở, xâm thực để đảm bảo sự an toàn cho bờ biển, các bãi tắm trước tác động của thời tiết, khí hậu. Ngoài nguy cơ xâm thực, các bãi biển của Đà Nẵng còn ở trong tình trạng phập phồng mỗi khi có mưa lớn. Dọc bờ biển thuộc Q. Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn có 9 cửa xả thu gom nước từ các khu dân cư đổ ra biển nhưng chỉ mới có 1 cửa xả hỗn hợp vừa được đầu tư xây dựng nên nảy sinh bất cập. Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, nếu mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ, nước sẽ đổ về với lưu lượng lớn kèm theo rác, nếu xử lý không kịp hoặc các van lật của cửa xả hoạt động không tốt thì sẽ gây ngập các khu dân cư. Trong điều kiện cần giải phóng nước để chống ngập thì lượng nước đổ ra biển rất lớn sẽ rút chân của các bãi cát gây sụt lún như hiện tượng ngày 22-10 tại cửa xả Mỹ An.

Câu chuyện cống xả nước thải từ các khu dân cư ra biển trở thành vấn đề bức xúc của người dân suốt một thời gian dài. Trong đó nhức nhối nhất là khu vực gần cầu Phú Lộc, khu vực P. Mân Thái, cống Mỹ Khê... Không những gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hoạt động du lịch, mỗi khi cửa xả hoạt động với lưu lượng nước lớn thì hàng nghìn mét khối cát hai bên miệng cống bị cuốn phăng, bờ biển sụt lún nham nhở. Trong thời gian qua, phương án thi công cửa xả vượt bãi biển, đưa nước ra xa đã được tính đến nhưng đến hiện tại sau mỗi trận mưa, mỗi vụ xả thải lén, những “con kênh” nhỏ đục ngầu, hôi thối lại ám ảnh người dân và du khách. Theo lãnh Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng, phương án cửa xả xa bờ đã được nghiên cứu tới nhưng vấn đề kỹ thuật phải xử lý như thế nào khi bão, nguy cơ cát vùi lấp, gây tắc đường ống sẽ xử lý ra sao thì vẫn chưa chốt được. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng nếu đầu tư cống nối bãi biển thì sẽ chấm dứt được hiện tượng cát trôi ra biển như cách thoát qua cửa xả. Tuy nhiên cho đến nay phương án này vẫn chưa được hiện thực hóa, nên cứ mỗi trận mưa lớn kéo dài hệ thống thoát nước ven biển lại “tức nước”, bờ biển xuất hiện sạt lở còn người dân tại một số khu dân cư lại thon thót lo ngập úng.

BẢO NAM

Siêu bão gần Biển Đông có sức gió mạnh nhất 200km/giờ

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vào 13 giờ ngày 28-10, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 129,0 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 730km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (185-200km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 13 giờ ngày 29-10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 125,0 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165-185km/giờ), giật trên cấp 17.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 30-10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 120,1 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Tây đảo Luzon. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 13 giờ ngày 31-10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 520km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15. Cấp độ rủi ro thiên tai trên khu vực Đông Bắc Biển Đông: cấp 3.

* Ngày 28-10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Công điện số 53 về việc ứng phó với siêu bão gần Biển Đông, yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các bộ, ngành liên quan thường xuyên theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, giữ liên lạc thường xuyên với chủ và thuyền trưởng các phương tiện, tàu thuyền để thông tin, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

BIÊN THÙY