Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng chấp nhận tốn kém vì bữa ăn người dân!

Thứ bảy, 21/05/2016 10:15

(Cadn.com.vn) - 1 giờ 30 sáng 20-5, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng bất ngờ thực hiện chuyến kiểm tra không báo trước tại 2 địa điểm là nguồn cung thực phẩm lớn trên địa bàn thành phố gồm chợ Đầu Mối và Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm. Phát hiện những bất cập trong quản lý cũng như kinh phí trong quá trình đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng, ông Thơ khẳng định: "Không được tiếc tiền cho những việc quan trọng, thành phố chấp nhận tốn kém, kỳ công vì bữa ăn của người dân".

Tẩy chay ngay rau củ quả có vấn đề

Tại chợ Đầu Mối, nơi mỗi ngày nhập về khoảng 220 tấn rau củ quả, ngay sau khi kiểm tra việc xuất nhập, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thực hiện kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả kiểm tra cho thấy, các mẫu rau nhập từ Đà Lạt đều đảm bảo chất lượng.

Ông Nguyễn Tứ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho hay, trong thời gian qua đơn vị đã phối hợp với Ban Quản lý chợ Đầu Mối kiểm tra thường xuyên, đột xuất các xe chở hàng, đặc biệt là rau từ Tây Nguyên và trái cây từ phía Bắc. Quá trình thử test nhanh phát hiện một số mặt hàng có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nhưng khi gửi đi xét nghiệm chuyên sâu tại TP Hồ Chí Minh để kiểm tra đa dư lượng thì tất cả đều nằm trong ngưỡng cho phép. Kinh phí cho mỗi mẫu thử test nhanh là 80 nghìn đồng nhưng để phát hiện đa dư lượng thì lên đến 2 triệu đồng/mẫu.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nói ngay: "Kinh phí cao mấy cũng phải xét nghiệm kỹ để người dân yên tâm dùng. Đừng để nhà nào cũng phải lo sợ, làm mấy thùng xốp, trồng rau trên sân thượng để ăn. Mà như thế có khi giá bó rau lại đắt hơn. Thành phố sẽ chi tiền để kiểm tra triệt để. Có đắt hơn một tí mà chất lượng đảm bảo thì hợp tác, đơn vị cung cấp nào không đạt tiêu chuẩn thì tẩy chay ngay, không cho vào chợ.  Phải làm mọi cách để bữa ăn của người dân được an toàn".

 Để quản lý nghiêm ngặt nguồn rau củ quả nhập vào, ngoài việc tăng cường lấy mẫu kiểm tra, ông Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo Sở NN&PTNT, Văn phòng tham mưu UBND thành phố có quy định, chế tài đối với các nhà cung cấp về việc đảm bảo chất lượng rau củ quả. Đây chính là lỗ hổng từ trước đến nay trong việc kiểm tra đầu vào của nông sản. Từ nay, qua kiểm tra, phát hiện sản phẩm của đơn vị nào có hàm lượng chất tồn dư bảo vệ thực vật vượt ngưỡng lần đầu sẽ cảnh cáo, tái phạm sẽ không cho vào chợ, không tiếc thương gì hết!

Chủ tịch UBND TP, ông Huỳnh Đức Thơ (bìa phải) và Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng (thứ 3 phải sang) kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu vực giết mổ gia cầm.

Giết mổ gia súc: Cải thiện môi trường hoặc chấm dứt!

 Tại Trung tâm giết mổ gia súc gia cầm thành phố, nơi mỗi đêm giết mổ khoảng 1.200 con heo và 60 con bò, lãnh đạo Đà Nẵng và lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều bất cập. Sau khi kiểm tra chi tiết từng khu vực, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cho rằng, việc giết mổ chưa thực sự đảm bảo vệ sinh vì sàn mổ còn quá thấp, tù đọng nước, một số khu vực, các bộ phận của gia súc, gia cầm bày la liệt trên nền, trang bị bảo hộ của công nhân còn luộm thuộm, thiếu chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn nước vệ sinh trước khi mổ được lấy từ mạch nước ngầm trong điều kiện hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh, chất lượng thịt sau giết mổ.

Trong chuyến kiểm tra, lực lượng chức năng đã xét nghiệm nhanh để kiểm tra xem có chất tạo nạc hay không đối với các đàn heo chuẩn bị giết mổ tại Trung tâm giết mổ gia súc gia cầm. Kết quả các mẫu đều âm tính với chất Salbutamol.

Tại Cảng cá Thọ Quang, sau khi thăm hỏi, động viên ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo cán bộ chuyên môn của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản lấy mẫu hải sản từ các tàu đánh bắt xa bờ về xét nghiệm để công bố thường xuyên cho người dân yên tâm sử dụng. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm soát vị trí đánh bắt của các tàu để đảm bảo nguồn cá vào cảng, đưa đi tiêu thụ tại thị trường Đà Nẵng không ảnh hưởng gì như các tỉnh ở Bắc Trung Bộ. 

Tại khu vực xử lý nước thải, lực lượng chức năng đã bị "sốc" khi mùi nước hôi thối bốc lên từ mương thoát lộ thiên được ngụy trang bằng những miếng tôn mỏng để đối phó. Trước nhiều lỗi khó chối cãi, ông Dư Đức Tuấn - Quyền Tổng giám đốc Cty CP Proximex Việt Nam, đơn vị chủ quản của Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng cho biết, trước đây Trung tâm được xây dựng với quy mô giết mổ khoảng 600 con/đêm, nay công suất giết mổ tăng cao nên hệ thống xử lý nước thải chưa kịp đáp ứng. Để đầu tư hoàn chỉnh sẽ tốn một số tiền rất lớn, khoảng 24 tỷ đồng. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ khẳng định, tốn kém đến mấy thì sản xuất cũng phải gắn với việc đảm bảo môi trường. Thành phố sẽ nghiên cứu hỗ trợ một phần về vốn đầu tư, còn Cty phải nhanh chóng khắc phục được vấn đề ô nhiễm. Không chỉ tác động đến đời sống người dân trong khu vực mà bản thân nước thải không đạt chuẩn khi thải ra sẽ ngấm vào đất rồi quay lại dùng để vệ sinh gia súc trước khi giết mổ là không được. Thành phố cũng sẽ yêu cầu Cty Cấp nước Đà Nẵng đầu tư hệ thống nước thủy cục tới đây để mọi hoạt động giết mổ phải sử dụng nước sạch.

"Khó gì thì khó, phải đầu tư! Nếu không đầu tư, thành phố sẽ xem xét việc tồn tại hay không tồn tại Trung tâm này. Trong tương lai sẽ hỗ trợ vốn, mặt bằng và hỗ trợ xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch cho chính doanh nghiệp, và người dân hoàn toàn yên tâm với thịt gia súc, gia cầm được xuất ra từ đây. Nhưng là một doanh nghiệp có vốn Nhà nước, song song với việc kinh doanh thì phải thực hiện sứ mệnh đảm bảo an toàn bữa ăn cho người dân", ông Thơ kiên quyết.

                       Công Khanh