Đà Nẵng chưa khai phá hết năng lực của nhân tài
(Cadn.com.vn) - Ngày 1-10, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo góp ý chuyên đề “Đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đề án đào tạo nguồn nhân lực; định hướng công tác thu hút, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”. Bên cạnh những thành tựu được coi là “quả ngọt”, nhiều ý kiến cũng đã chỉ ra những bất cập, hạn chế, chính quyền thành phố cần có những thay đổi để hướng đến hiệu quả hơn trong chính sách đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài cho sự phát triển KT-XH của thành phố trong tương lai.
Các đại biểu thảo luận, góp ý cho công tác đào tạo, thu hút nhân tài của Đà Nẵng. |
BỔ SUNG NGUỒN NHÂN LỰC KẾ CẬN
Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố cho biết, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã bố trí và sử dụng 1.269 nhân lực theo diện được thu hút đồng thời có 639 lượt học viên được cử đi học theo đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) với 610 người tham gia. Trong số 610 người tham gia đề án có 433 người đã tốt nghiệp, 85 người đang học và 92 người vi phạm hợp đồng và xin ra khỏi đề án.
Theo đánh giá của hội thảo, từ chỗ lực lượng cán bộ có trình độ chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng từ sau thời điểm chia tách, đến nay Đà Nẵng đã kịp thời bổ sung một thế hệ cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, đáp ứng chiến lược phát triển lâu dài của thành phố. Nếu so sánh năng lực công tác của đối tượng thu hút và đào tạo với các công chức có trình độ tương đương, cùng vị trí làm việc thì 70,9% lãnh đạo các đơn vị khẳng định là họ có năng lực nổi bật hơn, tiếp cận công việc nhanh hơn, hiệu quả tốt hơn.
Ngoài ra các đối tượng đào tạo ở nước ngoài đã thể hiện sự năng động, tự tin trong các quan hệ giao tiếp quốc tế và thể hiện năng lực phản biện trong tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách. Số liệu thống kê cho thấy, đã có hơn 11,4 tổng số cán bộ thu hút được bố trí, đảm đương các chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp thành phố đến phường, xã. Con số này ở lĩnh vực đào tạo theo Đề án 922 là 14,2%. Sở Nội vụ thành phố cho hay, trong khi lợi thế của phần lớn các đối tượng thuộc diện thu hút là kinh nghiệm làm việc thì các học viên thuộc diện đào tạo lại nổi bật ở trình độ ngoại ngữ và tin học.
BẤT CẬP TRONG BỐ TRÍ , SỬ DỤNG “NHÂN TÀI”
Đề án 922 đã dùng 634 tỷ đồng ngân sách cùng 27 tỷ đồng khai thác học bổng cho các học viên hoàn thành chương trình học, cạnh đó là một khoản lớn khác dành cho chính sách đãi ngộ người tài thuộc diện thu hút. Dù đã đạt được những hiệu quả bước đầu nhưng nhiều đại biểu cho rằng việc bố trí công việc, tạo môi trường làm việc để khai phá hết năng lực của những người trong diện này chưa thật sự hiệu quả. Điều này không chỉ gây lãng phí sau đào tạo, thu hút mà còn khiến người tài cảm thấy hụt hẫng dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám.
Trong 561 lượt khảo sát nhân tài diện thu hút, có 19,8% cho rằng vị trí công việc chưa phù hợp với chuyên môn. 64,6% học viên của Đề án 922 cho biết công việc được bố trí không phù hợp với chuyên ngành, sở trường. Nhiều người không thích nghi được môi trường làm việc hành chính và cho rằng lãnh đạo thiếu quan tâm, chưa cởi mở, chưa lắng nghe tiếp thu ý kiến từ cấp dưới. Qua khảo sát, 12,5% học viên Đề án 922 đang đi làm cho biết sẽ không tiếp tục làm việc, với các nguyên nhân môi trường chưa tốt, mức lương chưa đảm bảo cuộc sống, không có cơ hội thăng tiến. Có học viên tham gia đề án chờ đến hết hợp đồng với thành phố để "nhảy việc" với mức lương cao hơn. Bên cạnh đó, đến nay đã có 52 người xin ra khỏi Đề án, 40 người vi phạm hợp đồng (chiếm hơn 15% tổng số người được cử đi học). Em Phan Thị Thu Trang, một học viên thuộc Đề án 922, được đào tạo chuyên ngành Công nghệ sinh học phân tử tại Anh Quốc cho biết, ngoài khó khăn về điều kiện kinh tế, học viên về nước đối diện với việc thiếu máy móc thiết bị dẫn đến những kiến thức được học ở nước ngoài không thể đưa vào ứng dụng trong thực tế nghiên cứu. Môi trường làm việc hiện tại bị bó hẹp, cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành rất hạn chế.
Theo ông Huỳnh Văn Hoa - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, hiện nay “nhân tài” sau khi đào tạo chưa được phân công công việc chuyên môn phù hợp, dẫn đến tâm lý hụt hẫng. Sau khi được đào tạo về nước, họ phải thích ứng với điều kiện công việc được bố trí, việc ai nấy làm, không có sự liên kết giữa các em, không có nhóm thủ lĩnh Đề án để liên kết với nhau cùng hiến kế cho thành phố. Trong khi đó, cho đến nay, thành phố chưa chủ động đối thoại với các học viên. Còn ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đà Nẵng cho rằng, nhân dân kỳ vọng rất cao vào đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tuy vậy sau khi về làm việc cho thành phố thì bị chê bai vì không soạn thảo được một văn bản đúng quy chuẩn! Thực tế họ được cử đi đào tạo là để phục vụ những chuyên ngành, phần việc cao hơn, quan trọng hơn. Cho nên lỗi này nằm ở bố trí công việc chưa phù hợp với con người. “Nhân tài ra đi, chảy máu chất xám chủ yếu là do chúng ta ứng xử không phù hợp, lúc họ ở xa thì ta trải thảm đỏ, lúc về thì đối đãi chưa đúng mực”, ông Tiếng nói.
Với những bất cập, hạn chế bộc lộ trong thời gian qua, đại diện các sở, ban, ngành cho rằng Đà Nẵng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong định hướng và thực hiện phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giữa thu hút và đào tạo. Đối với ngành nào có thể thu hút được thì không đào tạo, mà việc này chỉ thực hiện ở những lĩnh vực thành phố đang thiếu và yếu, phù hợp với định hướng trong tương lại. Ông Nguyễn Thương - Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là việc làm cho tương lai, do đó trong thời điểm hiện tại chưa thể có đánh giá hiệu quả một cách chính xác. Khi đất nước hòa nhập sâu mới thấy đội ngũ này quan trọng. Ông Thương ví, nguồn nhân lực chất lượng cao là những hạt giống, tuy nhiên việc nảy nở, phát triển như thế nào phụ thuộc vào mảnh đất gieo trồng và môi trường chăm sóc.
Đông A