Đà Nẵng chuẩn bị gì để đón "sếu đầu đàn"?
Đà Nẵng hiện thu hút được 760 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 209 ngàn tỷ đồng và 1.009 dự án FDI tổng vốn hơn 4 tỷ USD. Trong khoảng thời gian 3 năm qua có 72 dự án trong nước tổng vốn hơn 65,4 ngàn tỷ đồng và 155 dự án FDI tổng vốn hơn 227 triệu USD đầu tư vào Đà Nẵng. Điều dễ nhận thấy là vốn đầu tư vào Đà Nẵng có xu hướng giảm, nhất là vốn FDI và đặc biệt không có nhà đầu tư lớn được ví như "sếu đầu đàn", có khả năng thu hút các nhà đầu tư khác tạo thành hệ sinh thái. Thực tế này có nguyên nhân vì áp lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại khu vực ngày càng lớn, thành phố không có lợi thế đất đai rộng, nhiều ưu đãi, lại có chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, đảm bảo phát triển bền vững. Do đó, để tạo lợi thế thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển, thành phố đã chọn hướng đi khác biệt trong khu vực. Cụ thể, thành phố tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, logistics, kinh tế số, trung tâm tài chính… và nhắm đến những nhà đầu tư chiến lược. Quá trình chuẩn bị để đón nhà đầu tư chiến lược trong những lĩnh vực này đã được thực hiện từ những năm trước.
Chẳng hạn để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển ngành kinh tế khổng lồ logistics, Đà Nẵng đã chuẩn bị hạ tầng rất kỹ từ sân bay, cảng biển, cảng cạn, các tuyến đường bộ, cao tốc kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp. Khi cảng Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung được triển khai xây dựng thì thành phố cũng đồng thời triển khai tuyến đường kết nối từ cảng lên cao tốc, kết nối với các khu kinh tế, khu công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Quá trình xúc tiến đầu tư, nhiều nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Adani (Ấn Độ), Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) cũng quan tâm dự án cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư). Theo đề xuất mới đây của thành phố, dự án cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) có chi phí tính toán sơ bộ khoảng 48.304 tỷ đồng. Cụ thể, sẽ kêu gọi đầu tư 8 bến container (tổng chiều dài neo đậu 2.750 m cho tàu từ 50.000 - 200.000 DWT), 6 bến hàng tổng hợp (tổng chiều dài neo đậu 1.550 m cho tàu từ 50.000 - 100.000 DWT), bến cho tàu pha sông biển, hậu phương cảng. Với phương án kêu gọi đầu tư 1 lần thành phố có cơ hội thu hút được nhà đầu tư lớn, tiềm lực, đầu tư đồng bộ khu bến cảng và khu hậu cần sau cảng. Hiện có một số nhà đầu tư lớn quan tâm như liên danh BRG - Sumitomo, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (đơn vị nắm 75% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng) đã ký thỏa thuận hợp tác với Adani để có thể hình thành liên danh tham gia đầu tư bến cảng Liên Chiểu khi Thủ tướng thống nhất chủ trương kêu gọi đầu tư.
Tương tự, để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, thành phố cũng có quá trình chuẩn bị kỹ về hạ tầng, nhân lực. Ngoài khu công nghệ cao rộng hơn 1,1 ngàn ha với hạ tầng hoàn thiện đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, thành phố còn có Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu phức hợp FPT, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng giai đoạn 1. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng Khu Công viên phần mềm số 2, hiện đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa vào vận hành, khai thác; tiếp tục mở rộng Khu CNTT tập trung Đà Nẵng giai đoạn 2; thu hút đầu tư Khu Không gian sáng tạo Hòa Xuân, hỗ trợ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng Tòa nhà công nghệ cao Viettel, Khu CNTT Đà Nẵng Bay. Nguồn nhân lực công nghệ số của Đà Nẵng hiện khoảng 46 ngàn người, có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số, đứng thứ 2 toàn quốc. Đây là sự chuẩn bị quan trọng để thành phố thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin. Đặc biệt, thành phố đang thu hút các dự án về công nghệ vi mạch bán dẫn nên tập trung đào tạo, phát triển mạnh nguồn nhân lực lĩnh vực này. Hiện nhiều nhà đầu tư chiến lược đang quan tâm đầu tư vào thành phố, như Tập đoàn Công nghiệp Viettel quan tâm dự án Trung tâm phần mềm và công nghệ cao Viettel Đà Nẵng; Tập đoàn LG Electronics (Hàn Quốc) thành lập dự án R&D, Tập đoàn Aeon Mall (Nhật Bản), Tập đoàn Sovico quan tâm đầu tư dự án mở rộng sân bay, Tập đoàn GAZ (Nga) quan tâm đầu tư lĩnh vực sản xuất linh kiện và lắp ráp xe ô-tô...
Đặc biệt, để thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh tế mới như trung tâm tài chính, khu thương mại tự do, công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… rất cần những cơ chế, chính sách đặc thù để tạo sức bật. Đà Nẵng cũng đã nghiên cứu, đề xuất những chính sách rất cụ thể. Chẳng hạn thành phố xin cơ chế thí điểm thành lập trung tâm tài chính quốc tế nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư của các thị trường tài chính truyền thống, thiết lập một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh, có tính gắn kết yếu với các thị trường tài chính trong nước còn đang trong lộ trình tự do hóa tài khoản vốn. Hay thành phố xin cơ chế ưu đãi đặc thù để thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực ưu tiên, như công nghệ trí tuệ nhân tạo (vốn trên 2 ngàn tỷ đồng), công nghệ chip bán dẫn (vốn trên 6 ngàn tỷ đồng), khu thương mại tự do (vốn trên 6 ngàn tỷ đồng), tổ hợp công viên chuyên đề vui chơi giải trí (vốn trên 8 ngàn tỷ đồng)…
Việc chuẩn bị kỹ về hạ tầng, chính sách cho từng lĩnh vực, dự án được kỳ vọng giúp Đà Nẵng thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, có những "sếu đầu đàn" đến "làm tổ". Từ đó, Đà Nẵng sẽ hình thành được các trụ cột kinh tế mới, hình thành một vùng động lực thu hút đầu tư. Hơn nữa, sự có mặt của các nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng khác đến Đà Nẵng.
HẢI QUỲNH