Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng chuẩn bị gì khi áp dụng biện pháp mạnh?

Thứ bảy, 14/08/2021 09:00

Nếu tình hình dịch bệnh 2 ngày tới vẫn còn phức tạp, Đà Nẵng sẽ thực hiện nghiêm “ai ở đâu, ở yên đấy” trong vòng 7 ngày. Hiện, các đơn vị, địa phương đang lên kế hoạch để sẵn sàng cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân khi TP áp dụng các biện pháp mạnh.

CAQ Sơn Trà (TP Đà Nẵng) tham gia hỗ trợ cung cấp lương thực cho người dân khu vực cách ly. Ảnh: LÊ ANH TUẤN​

Ngày 13-8, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, trong ngày TP ghi nhận thêm 58 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó có 33 F1 đã cách ly, 9 ca trong khu phong tỏa và 16 ca cộng đồng. Trong 16 ca cộng đồng có 12 ca liên quan đến chợ đầu mối Hòa Cường. Cụ thể, có 5 ca đến khám, xét nghiệm tại các cơ sở y tế; 2 ca đến Trạm Y tế xã Hòa Phong (H. Hòa Vang) khai báo là tiểu thương buôn bán tại chợ đầu mối, được xét nghiệm; 1 ca lấy mẫu tiểu thương chợ Yến Nê (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang), có đến chợ đầu mối mua rau về bán. 2 ca ở Quảng Nam, buôn bán ở chợ đầu mối, vào Trung tâm Y tế Q. Ngũ Hành Sơn lấy mẫu để qua chốt; 1 ca lấy mẫu mở rộng dân cư P. Hòa An (Q. Cẩm Lệ), bốc vác tại chợ đầu mối và 1 ca lấy mẫu tại chợ Đống Đa liên quan F0 bán rau ở chợ Đống Đa, có đến chợ đầu mối mua rau về bán.

Các ca trong cộng đồng còn lại là 2 trường hợp F1 đã hoàn thành cách ly, được lấy mẫu xét nghiệm trong khu dân cư tổ 38 (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu), liên quan chuỗi lò mổ Đà Sơn. Liên quan đến chợ đầu mối Hòa Cường, trong ngày lực lượng chức năng phát hiện 20 ca, trong đó 13 ca là tiểu thương buôn bán tại chợ; 7 ca liên quan F0 chợ đầu mối. Hiện đã có 27 ca mắc COVID-19 liên quan đến chợ này.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, chuỗi lây nhiễm liên quan đến chợ đầu mối Hòa Cường đang có nguy cơ rất cao. Hiện, TP cũng đang tính đến việc áp dụng các biện pháp mạnh hơn trong vài ngày tới. Người dân phải tuyệt đối ở nhà, chỉ có lực lượng tham gia làm nhiệm vụ chống dịch mới được ra đường. Các cơ quan, đơn vị được phép hoạt động cũng phải chấp hành nghiêm nguyên tắc 3 tại chỗ.

 Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng chặt chẽ quy trình cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, bảo đảm thực hiện thuận lợi và thông suốt trong trường hợp thành phố triển khai biện pháp mạnh. Cụ thể, các đơn vị, địa phương nghiên cứu xây dựng theo 5 bước: quy trình cung ứng hàng hóa từ ngoài vào thành phố; nhà cung ứng tổng; vận chuyển đến quận, huyện, phường, xã; từ phường, xã đến khu dân cư và từ khu dân cư đến người dân.

 Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, trong mỗi bước phải đặt ra những yêu cầu cụ thể và khả năng thực hiện để kịp thời thảo luận, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Bài toán cung ứng hàng hóa cho người dân là bài toán không dễ nhưng các địa phương cùng với thành phố phải làm hết sức mình để người dân an tâm ai ở đâu ở yên đấy để chung tay dập dịch.

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho biết, sau khi nắm được tình hình dịch bệnh căng thẳng, người dân cũng đã chủ động tích trữ hàng hóa. “Tuy nhiên, các trường hợp này là những người có điều kiện kinh tế khá giả, họ có khả năng mua nhiều hàng hóa để tích trữ. Còn nhiều trường hợp người lao động nghèo, khó khăn, các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án để hỗ trợ kịp thời, không để ai phải rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn trong những ngày thành phố áp dụng biện pháp mạnh”, ông Chinh chỉ đạo.

Phi Nông