Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng: Cúp điện kéo dài trên diện rộng

Thứ sáu, 08/08/2014 10:09

(Cadn.com.vn) - Đợt ngừng cung cấp điện luân phiên kéo dài 6 ngày trên diện rộng để tiến hành nâng cấp, thay thế thiết bị đảm bảo cung ứng điện lâu dài của Đà Nẵng đã bắt đầu từ hôm qua (7-8). Nhưng phải vài ngày nữa mới tới thời điểm cúp điện với thời gian dài nhất và phạm vi rộng nhất.

Dự kiến, hết ngày 12-8 chuyện “điện đóm” trong các khu dân cư sẽ trở lại bình thường. Nhiều người dân thành phố đang quan tâm nguyên nhân của việc ngừng cung cấp điện kéo dài vào thời gian nào, ở đâu bị ảnh hưởng nhiều nhất để chuẩn bị các phương án sinh hoạt.

NGÀY NÀO, Ở ĐÂU CÚP ĐIỆN NHIỀU NHẤT?

* Theo thông báo của Điện lực Quảng Nam, quá trình thi công dự án “Nâng công suất máy biến áp 220kV tại Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng” sẽ ảnh hưởng đến việc cấp điện tại một số khu vực của tỉnh này do Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung khống chế năng suất nhận điện.

Cụ thể, công suất nhận điện qua trạm 110kV Điện Nam – Điện Ngọc (Điện Bàn) và trạm 110 kV Hội An sẽ bị khống chế. Ngày 7-8 tổng công suất nhận còn 40MW, 4 giờ sáng ngày 9-8 đến 19 giờ ngày 10-8 tổng công suất nhận còn 33MW.

Theo thông tin từ Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Điện lực Đà Nẵng), để tăng cường năng lực cung cấp điện cho thành phố trong năm 2014 và những năm tiếp theo, Cty Truyền tải Điện 2 đang triển khai thực hiện dự án “Nâng công suất máy biến áp 220kV tại Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng”.

Giai đoạn 1 của dự án là thay máy biến áp AT4 125MVA bằng máy mới có công suất 250MVA đã được hoàn thành và đưa vào vận hành. Việc tạm ngừng cung cấp điện trong thời gian từ ngày 7 đến ngày 12-8 là để phục vụ cho giai đoạn 2 của dự án gồm các hạng mục thay giàn thanh cái 110kV và các thiết bị phụ trợ, đồng bộ với MBA AT4 250 mới được lắp đặt.

Theo ngành điện, nếu không được thay thế kịp thời và đồng bộ, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra một số tình trạng bất thường, không đảm bảo an toàn vận hành tại Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, có nguy cơ xảy ra sự cố, gây mất điện trên diện rộng và kéo dài tại TP Đà Nẵng và các khu vực lân cận.

Việc người dân thành phố quan tâm nhất là thời gian và vùng cúp điện cụ thể như thế nào, vì các thông báo trên cơ quan thông tin đại chúng hoặc là quá khó tìm ra khu vực (trên báo) hoặc là không quan sát kịp (trên đài truyền hình).

Ông Trần Nguyễn Bảo An – Trưởng phòng Quan hệ Cộng đồng, Điện lực Đà Nẵng cho biết, trên các bản thông báo của đơn vị này thường đưa khu vực trọng điểm lên đầu tiên, tiếp đó là mã số trạm biến áp của từng khu vực. Người dân có thể đọc báo, xem đài hoặc trên trang web dnp.com.vn để biết mình đang thuộc trạm biến áp nào trong khu dân cư, từ đó sẽ dễ dàng biết được mã số biến áp đó sẽ cúp điện trong thời gian nào.

Theo lịch tạm ngừng cung cấp điện đã được UBND TP Đà Nẵng đồng ý, từ 4 giờ 30 đến 13 giờ 30  hôm qua (7-8), một số khu vực thuộc các Q. Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu đã cúp điện. Tiếp đó, từ 3 giờ 30 đến 24 giờ ngày mai (9-8), tại Q. Liên Chiểu sẽ cúp điện trên diện rộng, tiếp đó là Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Trong ngày 10-8, từ 0 giờ đến 19 giờ 30 cúp điện tại nhiều vị trí thuộc các khu công nghiệp Hòa Khánh, Thanh Vinh, An Đồn, Cao su Đà Nẵng và một số khu vực thuộc Q. Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Liên Chiểu.

Tiếp đó, từ 5 giờ đến 19 giờ ngày 11-8 cúp một số khu vực thuộc Q. Sơn Trà, 15 giờ đến 19 giờ tiếp tục cúp điện tại một số vùng của Hải Châu và phụ cận. Ngày cuối cùng theo dự kiến (12-8), từ 3 giờ đến 17 giờ 30 sẽ tiến hành cúp tại khu công nghiệp An Đồn, một số khu vực thuộc Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và lân cận. Như vậy, trong 2 ngày 9 và 10-8 là thời gian cúp điện nhiều nhất trên phạm vi rộng nhất.

“Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và hạn chế sự xáo trộn trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân, chúng tôi đã thông báo rộng rãi lịch cụ thể trong những ngày qua. Các cơ quan liên quan cũng cân nhắc nhiều để chọn thời điểm ngừng cung cấp điện, nếu không làm bây giờ thì hệ thống điện phải đối mặt với nhiều nguy cơ xảy ra sự cố, nhất là khi mùa mưa bão sắp tới”, ông An cho hay.

Công nhân Điện lực Đà Nẵng bảo trì điện lưới tại Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng.

KHÔNG ĐỂ “VỪA CHỜ ĐIỆN VỪA KIỆN NƯỚC”

Theo lãnh đạo Điện lực Đà Nẵng, đơn vị đã chủ động các phương án để thực hiện sang tài, hạ tải và cung cấp điện thường xuyên cho các cơ quan quan trọng trên địa bàn thành phố, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc.

Tiếp đó, là đảm bảo thường xuyên có điện tại các bệnh viện, các cơ sở y tế để phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe người dân. Một trong những nỗi lo lắng đối với sinh hoạt của người dân là vừa cúp điện vừa mất nước, chính vì vậy ngành điện cũng đề ra phương án đảm bảo nguồn điện 24/24 tại các Nhà máy nước Cầu Đỏ, sân bay.

Tuy nhiên, trong thời gian từ 5 giờ 30 đến 19 giờ ngày 11-8, và từ 3 giờ đến 17 giờ 30 ngày 12-8, khu vực nhà máy nước tại bán đảo Sơn Trà sẽ bị ngừng cung cấp điện nên Điện lực Đà Nẵng khuyến nghị người dân có phương án chủ động dự trữ nước để sử dụng. Trong công tác phối hợp, ngành điện cũng đã chủ động đề xuất Dawaco có phương án phân phối nước hợp lý, không để cho người dân “vừa chờ điện vừa kiện nước”.

DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG LÊN PHƯƠNG ÁN

Việc tạm ngừng cung cấp điện kéo dài trên diện rộng tác động lớn đến việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó dệt may, sắt thép, vật liệu xây dựng, cơ khí... sẽ phải có những phương án để ứng phó.

Theo khảo sát của chúng tôi, để duy trì sản xuất, hầu hết các doanh nghiệp đều có máy phát điện dự phòng nhưng công suất của các máy này chỉ đủ cung cấp cho phạm vi hẹp chứ không đủ vận hành sản xuất đại trà, thậm chí một số doanh nghiệp phải chủ động tạm ngừng sản xuất, cho công nhân nghỉ việc.

Theo ông Huỳnh Văn Tân – Tổng Giám đốc Cty CP Thép Dana – Ý, doanh nghiệp này nằm trong khu vực cúp điện cả 2 ngày 9 và 10-8, chính vì vậy Cty đã chính thức có thông báo cho công nhân nghỉ việc. “Không một bộ phận nào làm việc được cả, Cty chúng tôi không thể dùng máy phát điện vì cần một nguồn điện năng rất lớn”, ông Tân cho hay.

Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may phải cắt giảm sản lượng và nghỉ hoạt động ở những vị trí không cần thiết, những vị trí còn lại phải nâng cao cường độ để vẫn có thể giao hàng đúng hợp đồng cho các đối tác. Khi nhận được thông báo ngừng cung cấp điện, hầu hết các doanh nghiệp đều lên phương án thay đổi lịch sản xuất, hoặc tổ chức sản xuất bù vào những thời điểm có điện… Chính vì vậy, hầu như không có biến động lớn trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp.

Công Khanh