Đà Nẵng đảm bảo tốt nhất các điều kiện để Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế
* P.V: Được biết, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Đà Nẵng hoàn tất. Bà có thể chia sẻ đôi chút về quá trình chuẩn bị này?
- Bà Lê Thị Bích Thuận: Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Đà Nẵng đã hoàn tất. Năm nay, Đà Nẵng có 13.560 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó, có 12.852 thí sinh dự thi vừa để công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển Cao đẳng, Đại học; 103 thí sinh đăng ký thi để xét tuyển tốt nghiệp và 605 thí sinh đăng ký thi để xét tuyển Cao đẳng, Đại học.
Trước khi thành lập các Điểm thi, Sở GD-ĐT đã khảo sát cơ sở vật chất tại các trường dự kiến đặt điểm thi, bảo đảm quy định về phòng hoặc nơi để vật dụng không được mang vào phòng thi của thí sinh cách phòng thi tối thiểu 25m… Sau khi hoàn thiện số liệu, Sở GD-ĐT đã thành lập 28 điểm thi chính thức với 575 phòng thi, 45 phòng chờ, 28 phòng dự phòng và 1 điểm thi dự phòng. Tại các điểm thi đã chuẩn bị cơ sở vật chất, ánh sáng, quạt thoáng mát, vệ sinh các phòng thi, chuẩn bị để đảm bảo công tác coi thi theo yêu cầu.
Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, Sở đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật coi thi, giám sát thi cho gần 2.500 cán bộ, giáo viên dự kiến tham gia công tác coi thi. Tổng lực lượng huy động để tham gia Kỳ thi gần 2.800 lượt người (chưa kể lực lượng công an địa phương được huy động để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông (ANTT, ATGT) trước các điểm thi và lực lượng giáo viên dự phòng cho các công tác thi).
Ban Chỉ đạo cấp thành phố đã thành lập Đoàn Kiểm tra tại các Điểm thi. Đoàn kiểm tra gồm 3 tổ kiểm tra tại các điểm thi với các nội dung kiểm tra về cơ sở vật chất, thiết bị các điều kiện đảm bảo khu vực thi; công tác bảo mật và phòng chống cháy nổ; tình hình ANTT, ATGT, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, công tác hỗ trợ, tiếp sức mùa thi trước và xung quanh điểm thi; công tác bảo đảm an ninh, bảo vệ an toàn đề thi, bài thi.
* P.V: Thưa bà! Tại buổi kiểm tra về công tác chuẩn bị thi của Đà Nẵng ngày 13-6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn – Trưởng Đoàn công tác Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024-đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của Đà Nẵng. Để có được điều này, Sở GD-ĐT đã có sự phối hợp như thế nào với các ban, ngành trên địa bàn?
- Bà Lê Thị Bích Thuận: Không phải đến năm nay mà từ trước đến nay, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời. Năm nào các đơn vị, cá nhân được giao trọng trách tổ chức cũng nỗ lực, cố gắng hết sức để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, chu đáo và đạt hiệu quả.
Tương tự, năm nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại TP Đà Nẵng cũng gặp nhiều thuận lợi, nhờ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, sự chỉ đạo kịp thời của UBND thành phố, Ban Chỉ đạo thi và sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng với các sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện và các tổ chức xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, Sở GD-ĐT đã chủ động phối hợp với Công an TP Đà Nẵng đảm bảo ANTT, ATGT, phòng chống cháy nổ tại địa điểm in sao đề thi, các điểm thi và địa điểm chấm thi; vận chuyển và bảo quản đề thi, bài thi an toàn, có phương án dự phòng, đề phòng tai nạn giao thông, cháy nổ. Trong đó, hai đơn vị đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra các thiết bị lưu trữ dữ liệu, camera phục vụ cho công tác coi thi, chấm thi. Từ ngày 17 đến 21-6 tiến hành lắp đặt, kiểm tra chạy thử tất cả các hệ thống camera tại các địa điểm tổ chức coi thi, chấm thi trước khi Kỳ thi diễn ra. Bố trí lực lượng tham gia đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi; tăng cường phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong các kỳ thi; sẵn sàng các phương án dự phòng để xử lý mọi tình huống bất thường có thể xảy ra.
Cùng đó, Sở cũng đã phối hợp với các Sở, ngành, Điện lực Đà Nẵng bảo đảm cung cấp điện; bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh tham gia Kỳ thi v.v.
Cũng như mọi năm, Sở phối hợp Thành Đoàn Đà Nẵng huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện tổ chức các hoạt động “Tiếp sức mùa thi”, có phương án hỗ trợ phương tiện đi lại, nước uống… cho phụ huynh và thí sinh trong thời gian diễn ra thi. Đặc biệt, đối với các thí sinh người dân tộc đang học nội trú tại trường THPT Phạm Phú Thứ, Sở GD-ĐT đã hỗ trợ kinh phí để cho các em ôn tập trước kỳ thi cũng như hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn và phương tiện đi lại (nếu có) trong các ngày các em tham gia dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Sở cũng đã làm việc với Trưởng các Điểm thi để có những hỗ trợ phù hợp đối với những học sinh khuyết tật dự thi như mở cửa thang máy để các em di chuyển, cử lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ đi lại trong đầu và cuối buổi thi v.v.
* P.V: Đây là kỳ thi của lứa học sinh cuối cùng học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006, bà có lời gì dành cho các sĩ tử trước thềm thi cử?
- Bà Lê Thị Bích Thuận: Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi đánh dấu một chặng đường kết thúc 12 năm của HS. Đây cũng là dịp đánh giá lại quá trình dạy học để từ đó làm tốt hơn công tác giáo dục ở các nhà trường.Với tính chất đặc biệt quan trọng đó, thay mặt ngành GD-ĐT, tôi chúc các em mạnh khỏe, bước vào phòng thi với tâm thế thật bình tĩnh, tự tin, đọc đề thi thật kỹ và làm bài tốt nhất trong khả năng có thể của mình. Đặc biệt, các em nghiêm túc thực hiện theo đúng quy chế thi, tránh để xảy ra tình trạng đáng tiếc buộc cán bộ coi thi phải lập biên bản, đình chỉ thi. Nhân đây, tôi cũng xin gửi đến quý cha mẹ có thí sinh dự thi năm nay hãy động viên, nhắc nhở con em giữ gìn sức khỏe, ăn uống nghỉ ngơi khoa học, đặc biệt đừng tạo áp lực khiến con trẻ căng thẳng. Một lần nữa, tôi chúc các em học sinh sẽ hoàn thành tốt các bài thi của mình.
* P.V: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Thanh Hoa (thực hiện)