Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng đăng cai hội thảo Khoa học Quốc tế về Trí tuệ nhóm

Thứ hai, 16/12/2019 16:45

Đó là thông tin được BTC cho biết tại buổi họp báo diễn ra ở Trường CĐ Công nghệ thông tin (CNTT) Hữu nghị Việt- Hàn (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) ngày 14-12.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành đến từ Trường ĐH Bách Khoa Wroclaw, Ba Lan cùng lãnh đạo trường CĐ CNTT Hữu nghị Việt- Hàn đồng chủ trì buổi họp báo (người thứ hai từ phải sang). ảnh: P.T

Theo đó, Hội thảo quốc tế lần thứ 12 về Trí tuệ nhóm năm 2020 (ICCCI) sẽ do Trường CĐ CNTT Hữu nghị Việt- Hàn phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Wroclaw (Ba Lan) đồng tổ chức tại Đà Nẵng, dự kiến diễn ra từ ngày 27 đến 29-7-2020. Được biết, ICCCI là diễn đàn quốc tế cấp cao thường niên dành cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy và quản lý gặp gỡ, trao đổi học thuật, giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học hữu ích, những ý tưởng độc đáo, các ứng dụng nổi bật trong lĩnh vực CNTT nói chung và trí tuệ nhóm, tính toán thông minh nói riêng. Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ sẽ được công bố tại hội thảo này.          

Hội thảo quốc tế ICCCI được sáng lập, chủ trì bởi một nhà khoa học người Việt Nam- GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành (Đại học Bách Khoa Wroclaw, Ba Lan), được tổ chức lần đầu tiên tại TP Wroclaw (Ba Lan) năm 2009. Chia sẻ thông tin tại buổi họp báo, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành cho biết, Quỹ cung cấp kinh phí cho nghiên cứu của Thế giới và Châu Âu rất cần những nhà khoa học trẻ từ các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Hiện tại các nhà khoa học Việt Nam tham gia rất nhiều đề án của Châu Âu. Vì thế, hội thảo lần này được tổ chức tại Đà Nẵng sẽ là cơ hội để các nhà khoa học trẻ Việt Nam giao lưu, gặp gỡ, kết nối mối quan hệ với các nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới để tìm kinh phí cho các công trình nghiên cứu khoa học của mình. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học trẻ Việt Nam có điều kiện công bố các công trình nghiên cứu khoa học của mình…

Theo BTC, trung bình mỗi kỳ hội thảo nhận hơn 250 bài báo khoa học do các nhà khoa học đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới gửi đến. Thông qua ủy ban bình duyệt, tỷ lệ chấp nhận bài báo đủ tiêu chuẩn trình bày trực tiếp tại các phiên hội thảo là 40%.

P.THỦY