Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng đang tập trung xử lý nhiều vấn đề “nóng”

Thứ bảy, 15/04/2023 06:30
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến chủ trì họp báo quý I.

Sớm cải thiện môi trường đầu tư

Tại buổi họp báo quý I hôm 14-4, lãnh đạo Đà Nẵng đã chia sẻ nhiều thông tin nổi cộm trên địa bàn. Trong đó, mặc dù tăng trưởng kinh tế của TP đạt khá, nhưng số lượng doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động lại gia tăng, sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tụt xuống vị trí thứ 9 cả nước. Thực trạng này đòi hỏi TP phải có những giải pháp cấp bách để xử lý. Ông Lê Minh Tường- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng nói, nguyên nhân chính khiến chỉ số PCI của TP tụt hạng là do nhiều tồn tại trong môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay. Nhiều năm qua TP đã triển khai các giải pháp nhằm nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế tuy nhiên vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt nguồn lực TP chưa được khơi thông, nhiều dự án liên quan tới kết luận thanh tra vẫn đang tháo gỡ khiến việc thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế. Theo ông Tường, từng thành phần chỉ số khiến PCI Đà Nẵng tụt hạng sẽ được TP xem xét, cải thiện trong thời gian tới.

Trong quý I-2023, số DN Đà Nẵng “đóng cửa” nhiều hơn số DN gia nhập và tái nhập thị trường. Cụ thể, 2.231 DN xin ngừng hoạt động, tăng 47% so với cùng kỳ, vượt xa con số đăng ký mới và quay trở lại hoạt động. Ông Tường lý giải, sau đại dịch, khả năng chống chịu của DN bị bào mòn, nhiều DN phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, khiến cho số lượng DN rút khỏi thị trường có xu hướng gia tăng. Phần lớn DN Đà Nẵng tạm ngừng kinh doanh, giải thể có quy mô nhỏ, số lượng lao động từ 5 đến 30 người, không kham nổi chi phí thuê mặt bằng và trả lương nhân viên. Lĩnh vực tạm ngừng, giải thể tập trung chủ yếu các nhóm ngành buôn bán, bán lẻ, xây dựng, công nghiệp chế tạo, chế biến nhỏ, dịch vụ lưu trú… Ngoài ra, những nguyên nhân khác khiến DN Đà Nẵng “đóng cửa” tăng theo ông Tường do khó khăn về dòng tiền, dòng vốn lại đang cạn kiệt, lãi suất tăng cao… Trước những khó khăn của DN, hiện nay TP đang triển khai các gói hỗ trợ, thông tin rộng rãi để DN tiếp cận.

Mạnh tay xử lý sai phạm

Trong quá trình phát triển, nhiều dự án dọc sông, suối, dự án xây dựng sai phép… đã xảy ra, hiện TP đang tập trung xử lý. Dọc sông Hàn hiện có một số dự án lấn sông, được dư luận quan tâm, phản ánh có dấu hiệu sai phạm về quy hoạch, ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến kiến trúc, dòng chảy của sông. Ông Lê Văn Tuấn- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng nói, liên quan tới dự án lấp dòng chảy sông Hàn thì Sở đã tiến hành rà soát, lãnh đạo TP cũng đã có chỉ đạo. Hiện nay các dự án ven sông, có yếu tố lấn sông đã được chủ đầu tư rà soát và điều chỉnh quy hoạch. Việc này gắn với triển khai quy hoạch phân khu bờ Đông sông Hàn theo Kết luận 359 của Thủ tướng Chính phủ mà TP đang thực hiện. Trong quá trình thực hiện quy hoạch phân khu sẽ lồng ghép việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các dự án này.

Ngoài sông Hàn, tại một số suối của Đà Nẵng như suối Lương (Liên Chiểu), Luông Đông (Hòa Vang) tình trạng bị các dự án du lịch “bê-tông hóa” cũng đang nhức nhối. Theo Phó chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu Nguyễn Nhường: “Quận thừa nhận do quản lý thiếu sâu sát dẫn tới tình trạng lấn dòng. Hiện quận đã tiến hành tháo dỡ hoàn toàn để trả lại nguyên trạng suối Lương”.

Tại suối Luông Đông, ông Nguyễn Thúc Dũng- Phó chủ tịch UBND H. Hòa Vang cũng cho biết đã triển khai ra soát tất cả các dự án du lịch dọc suối. Đã phạt chủ đầu tư khu du lịch Núi Thần Tài, yêu cầu phải trả lại hiện trạng. Với khu du lịch Lái Thiêu, Hòa Vang đang kiểm tra, đánh giá nếu ảnh hưởng dòng chảy sẽ xử lý.

Tại dự án chung cư Mường Thanh (Q. Ngũ Hành Sơn), việc xử lý sai phạm cũng được tập trung quyết liệt. Hiện nay chủ đầu tư đã tháo dỡ 50% với khoảng 78 căn hộ ở các tầng trước đây bố trí diện tích bãi đỗ xe, nhà trẻ. Tại khu vực quy hoạch ga đường sắt ở Q. Liên Chiểu có 238 sổ đỏ cấp sai quy định sẽ tiến hành thu hồi trong thời gian tới. Hiện UBND quận Liên Chiểu đã triển khai các thủ tục tiếp theo để thu hồi, hủy bỏ.

HẢI QUỲNH

Khó cưỡng chế doanh nghiệp chây ì nộp bảo hiểm xã hội

Theo ông Nguyễn Đăng Hoàng- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, một số DN nợ bảo hiểm đã xử phạt, có quyết định của UBND TP nhưng vẫn chây ì. Vừa qua, TP đã giao cho Sở cưỡng chế một số đơn vị chây ì. Việc cưỡng chế nhanh nhất là qua tài khoản ngân hàng, còn cưỡng chế thu tài sản rất khó. Tuy vậy, DN có nhiều tài khoản, tài khoản ngân hàng đăng ký thì không có tiền. Đó là chưa kể, nếu tài khoản ngân hàng ở Đà Nẵng còn quản lý được chứ ở địa phương khác rất khó.