Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng đánh thức bãi biển về đêm

Thứ bảy, 16/11/2019 13:44

Các đơn vị lữ hành, hệ thống nhà hàng, khách sạn dọc bãi biển Đà Nẵng đang rất hào hứng với chủ trương đánh thức bãi biển về đêm trong chiến lược phát triển du lịch của UBND thành phố Đà Nẵng. Theo ngành du lịch, việc hình thành “bãi biển không ngủ”, khuyến khích các dịch vụ hoạt động tới 2 giờ sáng… sẽ là các giải pháp để thành phố thu hút, giữ chân du khách và phát triển kinh tế về đêm thay vì mang tiếng là “thành phố ngủ sớm” như lâu nay.



Để giữ chân và nâng mức chi tiêu của du khách, Đà Nẵng cần có dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, đặc biệt là các tuyến đường ven biển và hai bên sông Hàn.

Sông Hàn, bãi biển thức cùng du khách

Trong báo cáo về thực trạng và giải pháp phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn, ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ hình thành trải nghiệm “biển không ngủ” với việc đa dạng hóa dịch vụ vui chơi, giải trí. Đáng chú ý là chính quyền và ngành du lịch sẽ triển khai các hoạt động mới như khu cắm trại ban đêm, dịch vụ massage bàn chân, chiếu phim trên biển... tại tuyến biển Trường Sa – Võ Nguyên Giáp – Hoàng Sa và Nguyễn Tất Thành. Riêng kế hoạch “Phố đêm 24/7” tại Q. Ngũ Hành Sơn sẽ đầu tư bãi tắm tiêu chuẩn quốc tế kết hợp dịch vụ giải trí 24/7 như: bar, DJ, sân khấu dân vũ, giải khát, ẩm thực kết hợp nhạc flamenco, disco, âm nhạc đường phố, teambuilding, ánh sáng nghệ thuật tại bãi biển kéo dài từ đường Nguyễn Văn Thoại đến đường Ngô Thì Sĩ. Với cơ sở hạ tầng được đầu tư thời gian qua, thành phố sẽ mở rộng, đầu tư phát triển khu phố du lịch An Thượng dọc đường Võ Nguyên Giáp đến đường Nguyễn Văn Thoại, giao trường Cao đẳng Văn hóa nghệ  thuật triển khai các hoạt động biểu diễn nghệ thuật về đêm.

Theo ông Lê Trung Chinh, để nâng tầm các dịch vụ du lịch về đêm, thành phố cũng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư tàu lưu trú tiêu chuẩn 4 – 5 sao, tàu phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí tại vịnh Đà Nẵng. Ngoài việc phát triển dịch vụ Yacht lounge (dịch vụ bar, cà-phê trên du thuyền...), Đà Nẵng cũng sẽ xã hội hóa tổ chức các sự kiện như đại nhạc hội dưới biển, mời các DJ, ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng tham dự, tổ chức diễu hành carnival. Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung phát triển các trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, ngắm cảnh đêm kết hợp vui chơi, giải trí. Các show diễn phục vụ du khách như Charming Đà Nẵng, Hồn Việt sẽ được nhà đầu tư nâng cấp, đổi mới để thu hút du khách trải nghiệm. Ngay đầu năm 2020, Khu trình chiếu “Đà Nẵng Dragon Dome” tại đường Phạm Văn Đồng do doanh nghiệp đầu tư sẽ được khai trương. Tại đây sẽ có chương trình biểu diễn nghệ thuật ánh sáng về văn hóa Đà Nẵng, trưng bày sản phẩm, bán quà lưu niệm. Tại Công viên khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ đầu tư các dịch vụ vui chơi giải trí đêm như ngắm cảnh sông Hàn, bán hàng lưu niệm thủ công, biểu diễn ảo thuật, nghệ thuật đường phố, trang trí ánh sáng, các mô hình điểm check-in cho du khách.

Cùng với các dịch vụ đẳng cấp, mới lạ dọc bờ biển, Đà Nẵng cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, sự kiện hai bên bờ sông Hàn để tạo điểm nhấn văn hóa đặc trưng về đêm. Trong đó, các sản phẩm cầu Rồng phun lửa, cầu Sông Hàn quay sẽ được “tích hợp” vào các tour cho phép tàu du lịch thủy nội địa hoạt động đến 24 giờ cũng như tour đi bộ ngắm cảnh. Khu phố ẩm thực đêm Phạm Hồng Thái, phố hải sản Nguyễn Văn Thoại sẽ được nâng cấp và khuyến khích hoạt động  đến 2 giờ sáng. Tại khu vực ven sông từ Công viên APEC đến cầu Trần Thị Lý, đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, phố du lịch An Thượng, tuyến biển Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành, thành phố sẽ thí điểm, khuyến khích cụm dịch vụ nhà hàng, quán bar, pub, cà-phê...

Một điểm vui chơi giải trí phục vụ du khách bên bờ biển Đà Nẵng.

Quán bún trong khu ẩm thực kinh doanh về đêm của Đà Nẵng.

Tránh “xung đột” với cuộc sống người dân

Chủ trương của thành phố Đà Nẵng nhận được sự đồng tình rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp lữ hành. Lâu nay có rất nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ mức chi tiêu, thời gian lưu trú của khách du lịch tại thành phố không cao là vì dịch vụ không đủ để họ thoải mái móc hầu bao. Điệp khúc “ngày chơi, đêm ngủ” được lặp lại dẫn đến sự nhàm chán, không có hấp lực để du khách muốn khám phá, dù tiềm năng du lịch về đêm của Đà Nẵng là rất lớn. Theo bà Đặng Thị Châu Anh – Tổng quản lý khách sạn Holiday Beach, đây là chủ trương rất đúng của thành phố để phát triển du lịch. Hiện nay Đà Nẵng gần như chưa có khu phố đi bộ, mua sắm dành cho du khách vào ban đêm. Theo bà Châu Anh, các trục đường du lịch, có nhiều khách sạn như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Thoại... cần phải có nơi cho du khách chi tiêu, giải trí về đêm như bán hàng lưu niệm, cửa hàng áo quần, nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ theo nhiều cấp độ sang trọng khác nhau, dịch vụ spa và đặc biệt là thức ăn đường phố.

Song song với sự đồng tình của ngành du lịch, chủ trương này cũng gây ra một số băn khoăn từ người dân và cơ quan quản lý. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thành phố có chiến lược mới cho du lịch nhằm phát triển kinh tế đêm là điều cần thiết, nhưng phải làm sao để tránh xung đột với cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân. Cụ thể nhất là không gây khó khăn cho một chủ trương khác mà thành phố đang thực hiện: đó là xử lý, hạn chế ô nhiễm tiếng ồn về đêm. Câu chuyện này, bà Châu Anh nhìn nhận: “Cái mới thì bao giờ cũng có sự xung đột nhất định với cái cũ. Nhưng xét cho cùng phát triển du lịch cộng đồng thì người dân được lợi rất nhiều. Điều cần thiết là chính quyền có định  hướng chung”. Ông Nguyễn Như Nam - Tổng Giám đốc Cty CP Du lịch VietNam TravelMart, cũng cho rằng phát triển dịch vụ về đêm là rất cần thiết để mời gọi và giữ chân du khách. Nhưng kèm theo đó thì phải có quy hoạch về khu vực, thời gian đối với dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm, ăn uống. Cùng với phát triển du lịch cộng đồng thì cũng phải tính toán, hạn chế tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân.

Nhìn về góc độ đảm bảo ANTT, theo Đại tá Trần Thanh Nhơn – Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Đà Nẵng, trong quá trình thực hiện mệnh lệnh của Giám đốc Công an thành phố về kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phát nhạc quá lớn, quá thời gian, lực lượng chuyên môn cũng gặp một số người phản ứng. Họ cho rằng muốn phát triển du lịch ban đêm thì phải có dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách. Nếu không có ca nhạc, hát hò thì rất đơn điệu, buồn tẻ. Đại tá Nhơn cho rằng, nếu lấy lý do này để giải thích thì sẽ có ngày thành phố “vỡ trận” về ô nhiễm tiếng ồn. Cái được thì chỉ dành cho các cơ sở kinh doanh, và phải đánh đổi bằng cuộc sống của đa số người dân. “Chủ trương này hợp với việc phát triển du lịch về đêm, nhưng thành phố cần quy hoạch cụ thể về thời gian, khu vực, phạm vi hoạt động. Cần thiết phải có khu vực riêng cho những loại hình kinh doanh này, đảm bảo về khoảng cách với khu dân cư, thời gian hoạt động, cách âm đúng tiêu chuẩn. Phát triển kinh tế rõ ràng là cần thiết nhưng đảm bảo ANTT, phục vụ cuộc sống của người dân cũng rất quan trọng”, Đại tá Trần Thanh Nhơn phân tích.

ĐÔNG A