Đà Nẵng đặt mục tiêu thay đổi trạng thái sau 10 ngày
Đà Nẵng đã bắt đầu bước vào 10 ngày tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh để dập dịch. Mục tiêu cuối cùng trong lần bắt đầu mới này là đưa cuộc sống bình thường trở lại.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương cùng thành phố phải quyết tâm thay đổi trạng thái về dịch bệnh sau 10 ngày tới.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều 26-8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, trong vòng 10 ngày tới, các quận, huyện, xã, phường không thay đổi được được trạng thái dịch bệnh ở địa phương mình nghĩa là không hoàn thành nhiệm vụ.
F0 cộng đồng giảm
Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cho biết, trong ngày 26-8, Đà Nẵng ghi nhận 144 ca mắc COVID-19, trong đó 60 ca cách ly tập trung; 29 ca cách ly tạm thời tại nhà; 44 ca trong khu phong tỏa và 11 ca cộng đồng.
Trong 11 ca cộng đồng có 7 trường hợp phát hiện khi lấy mẫu xét nghiệm hộ gia đình. Cụ thể, quận Hải Châu ghi nhận 4 ca (tại các phường Hòa Cường Nam, Thạch Thang, Bình Thuận); Liên Chiểu ghi nhận 1 ca (tại phường Hòa Khánh Bắc) và Thanh Khê ghi nhận 2 ca (tại các phường Tam Thuận, Vĩnh Trung). Trong 7 trường hợp này có 3 ca liên quan chuỗi lây nhiễm chợ đầu mối Hòa Cường và 4 ca chưa xác định nguồn lây.
4 ca cộng đồng còn lại là các trường hợp có triệu chứng đến khám tại các cơ sở y tế. Trong đó, 1 trường hợp có triệu chứng đến khám tại Bệnh viện Gia đình, đã lấy mẫu xét nghiệm hộ gia đình ngày 22-8 và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Có 2 trường hợp là người nhà đưa bệnh nhân đi khám ở Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, trong đó 1 trường hợp đã lấy mẫu xét nghiệm trong khu vực phong tỏa và có kết quả âm tính vào các ngày 16 và 23-8; trường hợp còn lại cũng đã lấy mẫu khu vực phong tỏa, có kết quả âm tính vào các ngày 16 và 18-8.
Trường hợp thứ 4 là điều dưỡng Khoa Nhi, Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vào các ngày 14, 17, 20 và 23-8. 7/11 ca cộng đồng được ghi nhận trong ngày chưa rõ nguồn lây.
Trong ngày, ngành y tế ghi nhận thêm 23 trường hợp mắc COVID-19 thông qua việc lấy mẫu xét nghiệm hộ gia đình.
Tính từ 10-7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 3.455 ca mắc COVID-19. Hiện, ngành Y tế đang điều trị cho 1.921 bệnh nhân mắc COVID-19.
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố, chuỗi lây nhiễm liên quan đến chợ đầu mối Hòa Cường vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ chuỗi lây này, dịch bệnh đã lan rộng khắp thành phố. Hiện, Hải Châu vẫn là địa bàn “nóng” nhất về dịch bệnh.
Lực lượng Công an kiểm soát lao động giao ca trong sáng 26-8.
Tiếp tục tổng lực xét nghiệm
Đến ngày 26-8, công tác xét nghiệm đại diện hộ gia đình đợt 3 đã hoàn tất. Qua 3 đợt này, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 1.437 ca mắc COVID-19. Cụ thể, Hải Châu 509 ca, Cẩm Lệ 317 ca, Thanh Khê 270 ca, Ngũ Hành Sơn 100 ca, Sơn Trà 100 ca, Hòa Vang 71 ca và Liên Chiểu 66 ca. Trong đó, số ca trong cộng đồng được phát hiện lần lượt qua 3 đợt là 81, 121 và 36 ca.
Trong 10 ngày đến, Đà Nẵng tiếp tục tổng lực xét nghiệm để bóc tách F0. Cụ thể, trong các khu phong tỏa (vùng đỏ) sẽ xét nghiệm toàn bộ người dân 3 ngày/lần, sau 7 ngày sẽ xét nghiệm lần thứ 4. Vùng vàng xét nghiệm 100% đại diện hộ gia đình 2 lần. Vùng xanh xét nghiệm đại diện hộ gia đình 2 lần; lần 1 100%, lần 2 50% đại diện hộ gia đình .
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho hay, việc tiếp tục tổng lực xét nghiệm trong 10 ngày tới là yêu cầu quan trọng. Ngoài hướng đến cắt nguồn lây, ngành Y tế phải có kế hoạch xét nghiệm để sàng lọc, bóc F0 ra khỏi cộng đồng một cách hiệu quả nhất. “Hơn 20 ngày, lực lượng Y tế tiến hành xét nghiệm đến lần thứ 6, Sơn Trà mới có lần đầu tiên không có F0 trong cộng đồng cho thấy dịch COVID-19 rất phức tạp. Vì thế, công tác xét nghiệm phải tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc”, ông Quảng chỉ đạo.
Quyết tâm thay đổi trạng thái
Liên quan đến công tác kiểm soát hoạt động của người dân, ông Quảng yêu cầu các địa phương phải siết chặt kiểm soát trong các kiệt, hẻm. “Nếu không kiểm soát được khu vực này thì chúng ta mãi mãi chạy theo dịch. Qua quá trình kiểm tra cho thấy hiện rất nhiều kiệt, hẻm chưa được kiểm soát chặt, có tình trạng người dân đi ra ngoài và ngồi trước cửa nhà nói chuyện với nhau không đảm bảo khoảng cách an toàn. Đối với chủng virus đang lây lan, chỉ cần có 1 F0 xuất hiện trong các kiệt, hẻm thì nguy cơ thành ổ dịch là rất cao”, ông Quảng nhận định.
Cũng theo ông Quảng, để công tác phòng, chống dịch những ngày tới đạt hiệu quả cao hơn, thành phố cần đánh giá lại những kết quả đã đạt được; đồng thời chỉ rõ những mặc còn hạn chế, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa. “Thời gian qua chúng ta đã đầu tư rất nhiều công sức, thời gian và đã xác định được các vùng khách nhau. Những ngày tới, chúng ta phải quyết tâm làm giảm nguy cơ ở các vùng vàng, vùng đỏ và đặc biệt phải giữ cho được vùng xanh. Địa phương nào không thay đổi được trạng thái, giảm được nguy cơ về dịch bệnh thì người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm”, ông Quảng nhấn mạnh.
Đà Nẵng tiếp tục bước vào 10 ngày áp dụng các biệp pháp mạnh để dập dịch.
Không “khoán trắng” cho tổ trưởng dân phố
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều 26-8, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chỉ đạo, những ngày tới, ngành Y tế cần tiếp tục tổ chức tiêm vaccine cho người dân, ưu tiên cho những đối tượng có nguy cơ và đối tượng tham gia vào công tác phòng, chống dịch.
Những ngày qua, thành phố tiếp tục ghi nhận nhiều F0 có triệu chứng ho, sốt, tự đến các trung tâm y tế để khám. Để tránh việc lây nhiễm ra cộng đồng, ông Chinh yêu cầu ngành Y tế phải tuyên truyền rộng rãi cho các trường hợp này nắm rõ, khi có biểu hiện như trên phải ở yên một chỗ, cán bộ địa phương sẽ xuống tận nhà kiểm tra sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm.
Song song đó, để kịp thời cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, ông Chinh cho biết, thành phố đồng ý cho các địa phương mở lại chợ truyền thống nhưng phải tuyệt đối đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Bên cạnh, các địa phương cần bổ sung lực lượng thanh niên, phụ nữ tham gia vào việc mua hàng hóa cho người dân, tránh tình trạng “khoán trắng” cho tổ trưởng tổ dân phố.
Phi Nông