Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng “đau đầu” giải bài toán đô thị hóa và quản lý khai thác khoáng sản (Bài 1: Làng khô, ruộng cháy vì mỏ đá bao vây)

Thứ năm, 12/08/2021 10:41

Cơn lốc đô thị hóa mang lại cho Đà Nẵng bước nhảy về cơ sở hạ tầng nhưng cũng khiến thành phố phải đánh đổi rất nhiều. Một trong số đó là hệ lụy từ khai thác khoáng sản vỡ quy hoạch. Các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường theo kiểu “qua cầu rút ván” của những doanh nghiệp chằm hăm tận thu tài nguyên cộng với bất cập trong công tác phối hợp quản lý, giám sát, xử lý của cơ quan chức năng đang đặt ra thách thức rất lớn cho tiến trình xây dựng thành phố môi trường.

Tiếng ồn, khói bụi từ các mỏ đá, xe vận chuyển bao vây dân làng.

Nỗi niềm làng thở cũng mệt”

Đã ngót 20 năm kể từ ngày những tiếng nổ mìn đầu tiên vang động núi rừng, người dân thôn Phước Thuận – Phước Hậu (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) trải qua một hành trình sống chung với ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, cuộc sống đảo lộn. Một trong hai niềm mong mỏi là hoặc di dời làng, hoặc đóng cửa những mỏ đá khai thác bất chấp đều chỉ nằm lại ở dạng lời hứa xem xét, báo cáo và có giải pháp khắc phục. Trên thực tế, giải pháp cũng được triển khai thực hiện nhưng kiểu “đá ném ao bèo”.

Từ Quốc lộ 14G rẽ vào thôn Phước Thuận – Phước Hậu đã cho thấy những đặc trưng của một ngôi làng với những mỏ đá liên hoàn, dòng xe ben ngược xuôi chạy trên đường còn nhiều hơn phương tiện tham gia giao thông của người dân. Ngã ba đường công vụ sử dụng cho việc khai thác, vận chuyển đá và đường liên thôn đặc quánh vì bụi đất đá, khói xe lên xuống dốc, tiếng còi hơi ám ảnh. Hai bên đường làng đi vào mỏ đá cây cối tiêu điều, bạc phếch, những ngôi nhà mặt đường gần như sống chung với khói bụi, đồ đạc để ngoài trời phủ bụi vàng khè…

“Dân kêu quá vì xe ben chạy trên đường làng như “ngáo ộp”, họ mới xây dựng đường công vụ. Nhưng mà nhiều khung giờ xe hàng chục tấn cũng tranh thủ phóng vào đường làng để chạy cho nhanh. Nhà mặt đường không mấy ai dám mở cửa”, ông Phú – người dân sống đầu thôn cho biết.

Đi theo những chiếc xe ben gầm rú lên những ngọn đồi, trước mắt chúng tôi là cảnh núi rừng bị đục khoét nham nhở và thô bạo. Xen kẽ những mỏ đá đang chờ gia hạn giấy phép là những mỏ hoạt động hết công suất. Tiếng máy móc đập vào vách núi dội ra kèm theo những cột bụi phả lên lưng chừng như muốn “nuốt chửng” những ngôi nhà đang nằm yên chịu trận. Anh Trần Phước Sơn, người dân địa phương kể lại, đã một thời nhiều người dân Phước Thuận – Phước Hậu mắc bệnh liên quan đến hô hấp nên nơi đây được gọi là “làng no phổi”, “làng thở cũng mệt”. Ai cũng biết nguyên nhân chính là xuất phát từ 7 mỏ đá vây quanh hình vòng cung khai thác ồ ạt, không thực hiện các biện pháp bảo vệ mội trường theo đúng phương án lập trong hồ sơ được cơ quan chức năng phê duyệt.

“Người dân bao bận đem đồ đạc trong nhà ra chặn xe, bao năm kiến nghị chính quyền và ngành chức năng có phương án cải thiện nhưng rồi đâu lại vào đấy”, anh Sơn bức xúc.

Đường vào các mỏ đá ở thôn Phước Thuận – Phước Hậu.

Đất nông nghiệp chỉ còn… trên giấy

Trước đây, 2 cánh đồng Hố Trân và Hố Bạc của thôn Phước Thuận – Phước Hậu được xem là bờ xôi ruộng mật, trù phú chạy men theo bên núi bên làng. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, diện tích canh tác bị thu hẹp, cả chục hecta đất màu mỡ đã bị bồi lấp cao thành những bãi đất hoang hóa, bạc màu. Các mỏ đá đã lấy tài nguyên mang đi và để lại cho dân làng hậu quả cay đắng.

Từ trên cao nhìn xuống, trận địa đá với khu dân cư được phân định bởi một con đường trắng xóa bụi. Đất rừng của người dân trước đây bị thu hẹp hoặc bỏ hoang đã đành, khoảng 30ha đất nông nghiệp bao quanh làng xóm hầu hết cũng cùn mằn, không thể canh tác được vì bụi đá vào mùa nắng và nước thải từ các mỏ tràn xuống vào mùa mưa. “Cả nhà tôi trước đây có gần 7.000m2 đất nông nghiệp nhưng càng ngày càng hoang hóa không thể canh tác được. Trên 30ha đất canh tác của cả thôn Phước Thuận – Phước Hậu cũng đã bỏ hoang lâu nay rồi. Nhiều người không còn sinh kế phải đi kiếm việc khác làm ở dưới thành phố, trong khu công nghiệp. Đất nông nghiệp của bà con giờ chỉ còn… trên giấy”, anh Trần Phước Sơn cho biết.

Ông Lê Văn Tuân, trưởng thôn Phước Thuận – Phước Hậu kể, hầu hết các hộ dân trong thôn từng có diện tích đất nông nghiệp để đảm bảo cho cuộc sống. Nhưng khi các mỏ đá được quy hoạch khai thác thì đất đai hoặc là vào diện thu hồi, nhận đền bù với giá thấp hoặc bị các mỏ đá “bức tử”, bỏ hoang cằn cỗi. Thời gian đầu, mỗi hecta được các doanh nghiệp khai thác đá hỗ trợ trên dưới 1 triệu đồng/sào. Nhưng về sau, khi rút ruột hết tài nguyên, kể cả phần ngoài giấy phép rồi bỏ đi thì để lại những vùng đất chết. Tiền hỗ trợ cũng chấm dứt mà đất đai thì không còn canh tác được nữa.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp quanh các mỏ đá giờ chỉ còn... trên giấy.

“Mai này núi hết đá hoặc mỏ hết hạn thì người ta phủi tay ra đi. Diện tích đất còn lại đang được hỗ trợ hàng năm rồi cũng chung số phận hoang hóa, bạc màu. Chỉ có cỏ dại mới sống nổi chứ không trồng được cây gì. Họp hành, đơn thư kiến nghị cũng bao nhiêu lần rồi nhưng không biết mai này người dân còn sinh kế gì ngay trên mảnh đất của mình hay không”, ông Tuân trăn trở.

Không chỉ đất nông nghiệp bị “bức tử”, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, người dân còn một mối lo ngại khi chứng kiến những dòng nước đục ngầu từ các mỏ đá chảy xuống vào mùa mưa. Những người già sống ở Phước Thuận – Phước Hậu cho biết, trước đây mước mưa thường chảy vào các vùng đất trũng trong khe núi. Nhưng do bị bội lấp nhiều năm, gần đây nước mưa hòa bụi đá từ núi Eo Gió trên cao tràn vào làng rồi chảy ngược ra phía làng sinh thái Thái Lai phía sông Túy Loan. Nếu không kiểm soát được, sau một thời gian nữa hiện tượng bất thường tại đây có thể ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của thành phố.

CÔNG KHANH – CÔNG HẠNH

Bài 2: Khai thác vô tội vạ, phục hồi kiểu “qua cầu rút ván”