Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Thứ ba, 30/11/2021 16:18

Nhằm thử nghiệm nội bộ phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm trước khi triển khai thực tế ra cộng đồng, vừa qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP), Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố, Cty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, Liên danh nhà thầu trúng thầu gói thầu xây dựng phần mềm đã tổ chức buổi làm việc bàn về công tác phối hợp triển khai phần mềm. Qua buổi làm việc, các đơn vị thống nhất và sẵn sàng phối hợp cùng Ban Quản lý ATTP triển khai thực hiện thử nghiệm phần mềm.

Ban Quản lý ATTP ký kết hợp tác với doanh nghiệp tham gia dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm chuỗi thịt lợn.

Ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thịt bò

Trước đó, vào tháng 10-2021, Ban Quản lý ATTP đăng thông báo mời các doanh nghiệp trên lĩnh vực này tham gia vào công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Để tham gia chương trình này, doanh nghiệp thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chí về chuyên môn, có đủ nguồn lực để tham gia, tuân thủ các quy định về pháp luật và lãnh đạo đơn vị phải có tầm nhìn, sự quyết tâm. Ngay sau khi thông báo rộng rãi, Ban đã nhận được nhiều phiếu đăng ký tham gia của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng Ban Quản lý ATTP thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 1 của dự án tập trung vào việc triển khai thí điểm đối với chuỗi thịt lợn, thịt bò với sự tham gia của 3 doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện. Do việc áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất lần đầu triển khai nên nguồn nhân lực của các doanh nghiệp gần như chưa thể thích ứng ngay. Chính vì vậy đòi hỏi nhân viên phải thành thạo trong việc ứng dụng phần mềm để xử lý thông tin, tốn thời gian trong quá trình thao tác, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất. "Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rõ rằng, trong công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ trên địa bàn, lĩnh vực ATTP cũng không thể đứng ngoài cuộc. Cộng đồng doanh nghiệp cũng xác định muốn phát triển thì phải áp dụng công nghệ số trong sản xuất, phát triển kinh doanh. Mới đầu bao giờ cũng khó khăn nhưng các đơn vị phối hợp sẽ nổ lực hết mình để hướng tới mục đích cuối cùng là doanh nghiệp phát triển song hành với lợi ích cộng đồng", ông Hải cho hay.

Trưởng ban Ban Quản lý ATTP thành phố Đà Nẵng cũng đánh giá, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm là xu thế bắt buộc của văn minh thương mại, cạnh tranh bằng chất lượng và sự minh bạch. Cùng với việc mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp và cuộc sống người dân thì công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố cũng sẽ từng bước chuyên nghiệp hóa. Sau khi đưa vào sử dụng thành công với chuỗi thịt lợn, thịt bò, Ban sẽ tham mưu thành phố những chính sách hỗ trợ thích hợp cho doanh nghiệp tham gia chương trình và từng bước mở rộng áp dụng cho các loại thực phẩm khác. Nhằm đánh giá, hiệu chỉnh phần mềm trước khi đưa vào áp dụng thực tế, liên doanh nhà thầu sẽ triển khai thử nghiệm phần mềm trên chuỗi thịt lợn từ công đoạn thu mua, giết mổ ra điểm bán lẻ đối với các doanh nghiệp giết mổ và cung cấp thịt lợn đã đăng ký tham gia chương trình.

Thử nghiệm đeo thẻ và nhập dữ liệu tại công đoạn phân mảnh đối với thịt lợn để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thông qua quét mã. 

Giám sát ô nhiễm thực phẩm

Trong những năm qua, công tác giám sát ô nhiễm thực phẩm được Ban Quản lý ATTP triển khai thường xuyên nhằm phát hiện những thực phẩm chưa đáp ứng các chỉ tiêu an toàn theo quy định. Từ đó kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong năm 2021, nhiều thời gian trong năm thành phố thực hiện giãn cách xã hội và tạm dừng các hoạt động để phòng chống dịch COVID-19 nên công tác lấy mẫu giám sát bị gián đoạn, không được triển khai liên tục. 

Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã nới lỏng hoạt động, Ban Quản lý ATTP  tiếp tục triển khai công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm thông qua việc kiểm tra và lấy mẫu tại 21 chợ cấp quận, huyện và 3 chợ cấp thành phố cũng như các siêu thị và cơ sở kinh doanh thực phẩm, cơ sở tham gia chuỗi cung ứng. Lực lượng chức năng thực hiện nghiêm việc lấy mẫu để phân tích các chỉ tiêu về vi sinh như  E.coli, Salmonella, Coliforms, S.aureus, Cl.perfringens, V.parachaemolytius, và độc tố nấm mốc Aflotoxin; các chỉ tiêu về hóa học, kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadimi; các chất cấm như salbutamol, hàn the và tồn dư chất kháng sinh như Flumequin, Enrofloxacin. 

Sau thời gian giãn cách xã hội, lực lượng nghiệp vụ của Ban Quản lý ATTP đã tiến hành lấy 75 mẫu thực phẩm gồm các mặt hàng từ sản phẩm tươi sống như thịt heo, thịt gà, thủy sản tươi và rau củ quả cũng như các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến như chả thịt, thủy sản khô, bánh các loại, các loại ngũ cốc đậu đỗ, gia vị và nước uống đóng chai. Đây là các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày nhằm đánh giá nguy cơ ô nhiễm trong thực phẩm để kịp thời đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp hơn trong thời gian tới. Đối với trường hợp có mẫu thực phẩm chưa đạt các chỉ tiêu an toàn theo quy định, Ban Quản lý ATTP sẽ thông báo cho cơ sở được biết để có biện pháp khắc phục, đồng thời thực hiện truy xuất đến cơ sở sản xuất thực phẩm để kiểm tra, lấy mẫu và xử lý vi phạm theo quy định.

Trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm tại các cơ sở, lực lượng chức năng sẽ phối hợp hướng dẫn tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh phải đảm bảo giữ vệ sinh, mua bán thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bảo Nam