Đà Nẵng đề nghị đưa phiếu tín nhiệm vào luật
(Cadn.com.vn) - Sáng 22-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2015 và Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Cạn, Gia Lai, Trà Vinh.
Về Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề nghị, cần nghiên cứu đưa các quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong Nghị quyết số 85/2014/QH13 vào Luật này nhằm đảm bảo tính thống nhất, tránh tình trạng hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân được quy định trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau. Đồng thời đề nghị nghiên cứu tiếp thu đa số ý kiến cử tri, quy định việc lấy phiếu tín nhiệm nên chỉ thể hiện hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”; bổ sung đối tượng được Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp...
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) tham gia thảo luận tại tổ. |
Đối với việc chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, ĐB đề nghị quy định theo hướng, tất cả nội dung chất vấn của đại biểu HĐND đều được trả lời trực tiếp tại kỳ họp của HĐND hoặc phiên họp của Thường trực HĐND. Một số trường hợp cụ thể qua chất vấn xét thấy chưa rõ, người trả lời chất vấn chưa nắm vấn đề thì HĐND, Thường trực HĐND có thể cho trả lời bằng văn bản ngay sau kỳ họp của HĐND và phiên họp của Thường trực HĐND. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, nội dung chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND không nhiều; phạm vi, địa bàn quản lý tại địa phương cũng không quá rộng.
Thời gian qua, hầu hết các nội dung chất vấn của đại biểu HĐND đều được trả lời trực tiếp tại kỳ họp HĐND. Việc trả lời chất vấn trực tiếp nhằm đảm bảo đánh giá chính xác trình độ, năng lực quản lý của người đứng đầu ngành, lĩnh vực tại địa phương, đồng thời qua đó giúp cho người trả lời chất vấn nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình đối với lĩnh vực được giao quản lý.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước, nhưng luật vẫn chưa làm rõ phạm vi, đối tượng và mục đích của hoạt động giám sát. Các quy định về nội dung giám sát còn sơ sài và nặng về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, hiện nay các quy định pháp luật chưa phân định rõ chức năng, trách nhiệm giải trình rõ ràng giữa trung ương và địa phương, chưa phân định rõ vấn đề nào là công vụ quốc gia trên địa bàn và vấn đề nào là công vụ của chính quyền địa phương nên hoạt động giám sát chưa hiệu quả.
Tại khoản 3 Điều 9 quy định đối tượng chịu sự giám sát có quyền từ chối trả lời, cung cấp thông tin thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật. ĐB cho rằng nếu chỉ quy định như vậy dễ dẫn đến trường hợp đối tượng chịu sự giám sát sẽ lạm dụng, gây khó khăn, cản trở việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội. Do đó, ĐB đề nghị luật cần quy định rõ loại thông tin bí mật nào không được cung cấp và loại thông tin bí mật nào phải cung cấp khi có yêu cầu của chủ thể giám sát, đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan, đại biểu khi được cung cấp thông tin phải đảm bảo bí mật theo quy định.
Về hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát quy định tại Điều 8, 11; ĐB đề nghị sau khi kết thúc giám sát, chủ thể giám sát phải có ý kiến chính thức bằng văn bản như nghị quyết, kết luận... khách quan, chính xác, nêu rõ những mặt đã làm được, chưa làm được, hạn chế và các biện pháp, kiến nghị xử lý cụ thể, nhất là kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới cơ chế, chính sách. Văn bản này phải có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát.
Phạm Hữu Hoa