Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù quan trọng

Thứ bảy, 19/08/2023 06:52
Lãnh đạo Bộ và các Vụ, Cục thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ KH&ĐT có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH & ĐT Nguyễn Chí Dũng, cùng lãnh đạo 14 Vụ, Cục của Bộ KH&ĐT.

Về phía TP Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Đề xuất vận dụng nhiều cơ chế đã có của các địa phương khác

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Đây là cơ sở quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền TP gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương…

Riêng về cơ chế chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 119 thì có 5 cơ chế, chính sách, trong đó có 3 chính sách đã phát huy tác dụng, đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện là Điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị (Theo Điều 8); tỷ lệ điều tiết ngân sách (Điều 9) và Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu.

Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29-12-2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đã xác định TP Đà Nẵng có vai trò quan trọng trong sự phát triển vùng và trở thành trung tâm nhiều ngành, lĩnh vực như: Đầu tư, hình thành và phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng, an ninh; các trung tâm logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu; xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng; hình thành một số trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đầu tư xây dựng Đà Nẵng trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới, phát triển Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học quốc gia; phát triển Đà Nẵng thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu, thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng.

Đoàn công tác TP Đà Nẵng tham dự buổi làm việc.

Căn cứ những cơ sở chính trị được nêu tại Nghị quyết số 43 và Nghị quyết số 26, cùng với bối cảnh thực tế hiện nay và nhằm khắc phục những thách thức mới, Đà Nẵng rất mong nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ của Bộ KH & ĐT đối với việc xây dựng và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng tại Đà Nẵng trong thời gian đến. Cụ thể, về đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù: Đà Nẵng đề xuất 30 cơ chế, chính sách đề nghị Trung ương xem xét, cho ý kiến, trong đó: có 26 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội; 4 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), HĐND TP quyết định sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận, các đầu mối giao thông, vùng đất tối thiểu 100m dọc các trục đường chính…(tương tự như tại Nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM).

HĐND TP quyết định tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công đối với dự án nhóm B theo lĩnh vực và dự án đầu tư có quy mô vốn giải tỏa đền bù (GTĐB) trên 100 tỷ đồng; quyết định cho phép bố trí vốn đền bù, triển khai quy trình GTĐB sau khi có quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B còn lại (tương tự như tại Nghị quyết số 55 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa).

Về đề xuất cho áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải, hạ tầng logistics, hạ tầng thương mại (tương tự như tại Nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM).

HĐND TP cũng đề xuất về phương án sử dụng ngân sách TP để thực hiện các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương; chi ngân sách của các UBND quận, phường; chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 200 ha; quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha…

Đà Nẵng cũng đề xuất UBND TP được quyết định việc cho phép các tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất có thu tiền thuê đất hằng năm mà tiền thuê đất không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước thì có quyền thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất; quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi có nhà ở, có việc làm, thu nhập, ổn định đời sống; UBND TP xây dựng, trình HĐND TP thông qua và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn; đề xuất Chính phủ phân cấp cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND TP thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với dự án, công trình...; Quốc hội quy định về điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với các công trình công cộng bao gồm nhà, sân bãi để xe, nhà vệ sinh công cộng trên đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn thành phố; TP đặt hàng đối với dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt nằm trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước đối với nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang công nghệ đốt phát điện…

Về chính sách quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo có 6 đề xuất. Về cơ chế, chính sách tiền lương và tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố có 2 đề xuất.

Đề xuất 8 cơ chế, chính sách mới cho Đà Nẵng

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cũng báo cáo, đề xuất 8 cơ chế, chính sách mới cho Đà Nẵng. Cụ thể: Chính sách về quản lý đầu tư có 1 đề xuất, HĐND TP quyết định chủ trương giao cho nhà đầu tư làm chủ đầu tư xây dựng các công trình giao thông, công trình công cộng từ nguồn vốn của nhà đầu tư, không sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ mục đích công cộng của TP (gồm: cầu/hầm đi bộ qua đường, bãi đỗ xe, các tuyến đường giao thông quy mô nhỏ, công viên…). Trình tự thủ tục thực hiện do HĐND TP quyết định (tài trợ bằng sản phẩm).

Về chính sách tài chính, ngân sách Nhà nước, thuế, hải quan có 3 đề xuất: Về vay từ Quỹ dự trữ tài chính, HĐND TP được quyết định vay từ quỹ dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh theo phân cấp. Chính phủ thành lập Khu phi thuế quan về thương mại dịch vụ (gắn với Khu đô thị Sườn đồi) tại TP Đà Nẵng gắn với một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển đột phá cho Đà Nẵng. Cho phép Đà Nẵng là địa bàn được thử nghiệm có kiểm soát công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong quản lý tài sản số.

Đà Nẵng đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tương xứng với vị trí, vai trò trong khu vực

Về chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường có 4 đề xuất: HĐND TP thực hiện việc điều chỉnh Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với những trường hợp mà việc điều chỉnh quy hoạch không làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. UBND TP tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thực hiện dự án xây dựng lại chung cư thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Đà Nẵng. HĐND TP quy định đối tượng, điều kiện, mức miễn, giảm tiền thuê nhà đối với hộ giải tỏa được bố trí thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn. HĐND TP quyết định bổ sung dự án xây dựng trung tâm logistics đối với dự án có quy mô từ 10ha đất trở lên vào danh mục dự án thu hồi đất.

Tại buổi làm việc Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị và thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Đồng thời cho biết sẽ giao các đơn vị chuyên môn của Bộ, thẩm định, rà soát các đề xuất của thành phố Đà Nẵng, báo cáo, xin phép Chính phủ, Quốc hội trong thời gian đến…

T.L – B.T