Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng đề xuất Trung ương một số cơ chế, chính sách nhằm phục hồi và phát triển kinh tế

Thứ năm, 16/09/2021 15:53

Tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đầu tư công năm 2022, TP Đà Nẵng đề nghị Trung ương một số cơ chế, chính sách như giảm lãi suất tín dụng, thuế, tính giá điện dịch vụ bằng giá điện sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, đề xuất bên cạnh việc sớm giao chi tiết vốn đầu tư trung hạn thì còn xem xét cho phép việc kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công của một số công trình, dự án trọng điểm do thời gian qua bị đình trệ vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh...

Dự án nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý – 1 trong 25 công trình, dự án động lực, trọng điểm của Đà Nẵng.

Sáng ngày 15-9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 19 tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên về xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công năm 2022. Đây là hội nghị thứ 2 trong chuỗi 3 hội nghị trực tuyến với 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mục đích là để hướng dẫn, trao đổi với các địa phương, qua đó đánh giá những kết quả dự kiến sẽ đạt được trong năm 2021, những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công thời gian qua. Tại điểm cầu TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh chủ trì tham dự hội nghị.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã có nhiều giải pháp, biện pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch - vừa phục hồi và phát triển KT-XH” và đã đạt được một số kết quả khá tích cực. Theo đó, GRDP của các tỉnh, thành khu vực miền Trung trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 6,4%, cao hơn bình quân cả nước (5,64%), kết quả này nhờ vào một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như Quảng Nam (11,72%), Thanh Hóa (8,66%), Nghệ An (7,58%)…; kim ngạch xuất khẩu của các địa phương có sự cải thiện rõ rệt, trong 7 tháng đạt 11 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn do đại dịch nhưng thu ngân sách trong 8 tháng qua cũng đạt được kết quả cao (khoảng 139,3 nghìn tỷ đồng), đạt 88% dự toán. Bên cạnh đó, tuy số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 6,7%, số lao động giảm 5,5% nhưng số vốn đăng ký lại tăng 8,4%, cao hơn bình quân cả nước; cấp mới 59 dự án đầu tư FDI với số vốn đăng ký 1,09 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Các địa phương cũng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ về an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng...

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì thời gian qua, tình hình dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống nhân dân các địa phương. Một số địa phương có mức tăng trưởng thấp như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi. Vì vậy, ước tính có 14 địa phương trong khu vực miền Trung đến cuối năm 2021 có 4/11 chỉ tiêu KT- XH không đạt kế hoạch, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GRDP; quy mô GRDP, GRDP bình quân đầu người và tổng vốn đầu tư toàn XH...

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, thời gian giãn cách xã hội kéo dài, các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ bị ngưng trệ, đời sống người dân bị ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, GRDP của thành phố chỉ ước đạt 4,99%, thu ngân sách ước đạt 86%. Cũng do ảnh hưởng dịch bệnh nên nhiều dự án đầu tư xây dựng phải tạm dừng thi công gần 2 tháng, kéo theo đó ước tính giải ngân vốn đầu tư công đến nay mới chỉ đạt 48%. Từ thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh đề nghị Trung ương một số cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể là giảm lãi suất tín dụng, thuế, tính giá điện dịch vụ bằng giá điện sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, bên cạnh việc sớm giao chi tiết vốn đầu tư trung hạn thì xem xét cho phép việc kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công của một số công trình, dự án do thời gian qua bị đình trệ vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương ủng hộ việc xây dựng Nghị định thay thế nghị định 144 về cơ chế chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, ủng hộ về chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế, khu phi thuế quan và một số dự án có tính chất động lực, trọng điểm của thành phố… Ông Lê Trung Chinh cũng cho biết, thành phố sẽ tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, động viên thúc đẩy doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, sớm lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch.         

Dự án nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý – 1 trong 25 công trình, dự án động lực, trọng điểm của Đà Nẵng sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh sẽ được tổ chức thi công trở lại.

Qua nắm tình hình cũng như tham khảo các ý kiến tham gia của các địa phương, tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dù có nhiều khó khăn và ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô khu vực miền Trung - Tây Nguyên cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên; môi trường đầu tư từng bước được cải thiện; năng lực sản xuất và khả năng phục hồi nhanh của các doanh nghiệp cộng với xu hướng về nhu cầu của thế giới đối với các mặt hàng là thế mạnh của vùng sẽ tăng nhanh; ngành du lịch dịch vụ sẽ sớm phục hồi khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được bao phủ ngày càng cao. Vì vậy trong năm 2022, sẽ có nhiều cơ chế, chính sách phát triển sẽ được bổ sung tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển của vùng. Đơn cử như Đề án phục hồi kinh tế sau đại dịch, các chính sách mới về phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2030, phân cấp phân quyền cho các địa phương trong lĩnh vực đầu tư, đất đai...

Về các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022 của vùng miền Trung – Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các con số cụ thể, theo đó tăng trưởng GRDP là 7-8%; quy mô GRDP đạt 1.350 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 65-68 triệu đồng/người; kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 176 nghìn tỷ đồng.

Riêng TP Đà Nẵng, năm 2022, Bộ KH và ĐT đề nghị mức tăng trưởng GRDP là 7,5%; GRDP bình quân đầu người 92,55 triệu đồng/người; cơ cấu ngành công nghiệp dịch vụ đạt 87,1%, thu ngân sách Nhà nước đạt 43.000 tỷ đồng.

D.Hùng