Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng - đô thị bền vững

Chủ nhật, 06/09/2020 20:23

Phát triển bền vững có khả năng chống chịu cao đang là xu hướng và thách thức với nhiều đô thị lớn, trong đó có Đà Nẵng. Mới ở quy mô khoảng 1 triệu dân, đô thị Đà Nẵng đã nảy sinh nhiều bất cập từ giao thông, môi trường, nước sạch đến cơ cấu kinh tế. Đây là thời điểm TP đang tập trung tái cơ cấu phát triển theo hướng bền vững.

 

Những phép thử

Những vấn đề quá tải đô thị hay thiên tai, dịch bệnh bất ngờ ập đến chính là liều thuốc thử, đo độ bền vững của một đô thị. Lợi thế cạnh tranh trong phát triển chỉ đến với những đô thị có khả năng chống chịu và ứng phó tốt. Áp lực lớn nhất với đô thị Đà Nẵng hiện nay là quá tải hạ tầng giao thông, nhất là khu vực trung tâm và các khu vực ven biển phía Đông, nơi hệ thống nhà hàng, khách sạn dày đặc. Việc phát triển nóng hệ thống nhà hàng, khách sạn ven biển phục vụ du lịch kéo theo phá vỡ quy hoạch về giao thông, các bãi đậu đỗ xe, hệ thống cấp nước sinh hoạt và thu gom nước thải. Vì thế, vào mùa hè, cao điểm du lịch, lượng khách tăng đột biến khu vực này thường xuyên ùn tắc về giao thông, quá tải hệ thống cấp nước sạch cũng như thoát nước thải. Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban đô thị, HĐND TP cho biết, việc kiểm soát xả thải tại các nhà hàng, khách sạn ven biển chưa đảm bảo căn cơ, chưa triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát tình trạng xả thải của các cơ sở dịch vụ, kinh doanh ven biển. Có những thời điểm, nước thải quá nhiều, hệ thống hạ tầng không thu gom hết, đã tràn ra biển, gây ô nhiễm.

Không chỉ khu vực ven biển phía Đông, nhiều điểm nóng về môi trường như âu thuyền Thọ Quang, trung tâm giết mổ gia súc Đà Sơn, kênh Phú Lộc cũng tái diễn trở lại. Trong khi, lượng rác thải tăng đột biến vào mùa cao điểm du lịch cũng quá tải hệ thống thu gom. Thùng rác được đặt khắp các tuyến đường, thời gian lưu cữu lâu, vừa mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm. Đáng lo hơn, với lượng rác trung bình hơn 1 ngàn tấn/ngày, chưa đầy 3 năm nữa, bãi rác Khánh Sơn không còn chỗ để chôn lấp, trong khi việc đầu tư nhà máy đốt rác 1.000 tấn/ngày công nghệ phù hợp thì loay hoay mãi phần thủ tục.

Gần đây, đô thị Đà Nẵng còn đối mặt thêm với áp lực thiếu nước sinh hoạt do tình trạng xâm nhập mặn diễn ra với tần suất và mức độ ngày càng tăng cao. Đơn cử năm 2019, số ngày nhiễm mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ là 212/365 ngày, đồng nghĩa với tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra gay gắt, ngay cả trong mùa mưa. Và cũng gần đây, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, nền kinh tế TP được đo bằng thuốc thử “liều cao”, lập tức bộc lộ nhiều bất cập. Với 64% trong cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào dịch vụ, du lịch, một lĩnh vực bị tổn thương suy giảm mạnh mẽ dẫn tới kinh tế TP tăng trưởng âm 3,6%, là TP duy nhất trực thuộc T.Ư tăng trưởng âm. Nếu được đầu tư phát triển cân bằng hơn, kinh tế TP sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn.

Đà Nẵng kiên trì mục tiêu phát triển bền vững. 

Kiên trì mục tiêu bền vững

Đà Nẵng đã xác định mục tiêu phát triển bền vững và đang kiên trì thực hiện thông qua chuỗi giải pháp tổng thể. Trước tiên, để lường trước được những biến động về quá tải đô thị, không để lặp lại “vết xe đổ” do phát triển “nóng” gây ra, TP đã thuê tư vấn Singapore xây dựng đồ án quy hoạch chung có tầm nhìn chiến lược. Hiện nay, đồ án này đang được Bộ Xây dựng xem xét, trình Chính phủ phê duyệt. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói, đây là lần đầu tiên TP có một đồ án quy hoạch chiến lược được nước ngoài tư vấn, cơ bản đáp ứng được mong mỏi, tầm nhìn, có những đột phá về tư duy quy hoạch. Sau đồ án quy hoạch chung sẽ có quy hoạch phân khu, chi tiết, thiết kế đô thị... tạo hành lang quy hoạch tốt nhất phục vụ thời kỳ phát triển mới của TP. Từ đây, tất cả những vấn đề quy mô, cơ cấu, định hướng phát triển đô thị, giải pháp quản lý... đều được tính toán đảm bảo cho sự phát triển bền vững, không phải vừa phát triển vừa phải khắc phục, chắp vá.

Với các vấn đề quá tải về hạ tầng đô thị, TP cũng đang triển khai nhiều giải pháp căn cơ. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho biết, hiện TP đã nhận diện tổng thể tất cả những vấn đề liên quan tới ô nhiễm môi trường và đưa ra những giải pháp mang tính hệ thống để giải quyết. Chẳng hạn trong xử lý rác thải, TP tiếp cận, giải quyết bài toán rác đô thị một cách hệ thống từ thu gom, phân loại, đến đầu tư các điểm tập kết, các trạm trung chuyển, đến KLH xử lý rác theo hệ thống bài bản. Với nước thải sinh hoạt, TP đầu tư nâng cấp các nhà máy xử lý nước thải, đầu tư hệ thống thu gom dọc biển, đảm bảo tất cả nước thải sinh hoạt đều được thu gom, xử lý không để tràn ra biển gây ô nhiễm.

Song song với giảm áp lực môi trường lên hạ tầng, TP cũng triển khai, xây dựng nhiều dự án mới để giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Cụ thể, TP hỗ trợ 161 xe buýt trợ giá với 90 tỷ đồng/năm để kích thích người dân dùng xe công cộng, xây dựng các bãi đỗ xe để tiến tới cấm đậu đỗ ô-tô trên đường gây cản trở giao thông, xây dựng các nút giao thông khác mức như nút phía Tây cầu Trần Thị Lý... Về nguồn nước sạch, bên cạnh việc đắp đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ, TP cho nâng công suất trạm bơm An Trạch, tăng công suất nhà máy Cầu Đỏ từ 230 ngàn m3 lên 290 ngàn m3 mỗi ngày đêm, xây dựng mới nhà máy nước Hòa Liên công suất 120 ngàn m3/ngày đêm, tổng vốn gần 1.200 tỷ đồng. Cùng với đó, hệ thống đường ống cũng được nâng cấp, mở rộng đảm bảo đủ nguồn cung nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất của TP.

Hiện nay TP đang tái cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững hơn, cụ thể tăng tỷ trọng của lĩnh vực công nghiệp, logistics, CNTT. Trong đó, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin... đang được TP đầu tư hạ tầng mạnh mẽ, tạo cơ chế hấp dẫn thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực chất lượng. Ngoài khu CNC hơn 1.000ha, các khu CNTT tập trung, các khu CVPM, Đà Nẵng tìm nhà đầu tư 3 KCN mới tổng vốn hơn 14 ngàn tỷ đồng. Rõ ràng, kinh tế TP đang được tái cơ cấu theo hướng cân bằng, bền vững hơn.

HẢI QUỲNH