Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng đón lượng khách kỷ lục trong một kỳ nghỉ lễ

Thứ hai, 04/05/2015 11:52

(Cadn.com.vn) - Với việc có thêm các sản phẩm du lịch mới, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng, cơ sở lưu trú ngày càng nhiều, dịch vụ được cải thiện, Đà Nẵng đã đón lượng khách lớn nhất từ trước tới nay trong một kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, để giữ được đà tăng trưởng cũng như xây dựng vững chắc thương hiệu điểm đến mới nổi, ngành du lịch thành phố vẫn còn đó nhiều việc phải làm.

THÊM NHIỀU ĐIỂM ĐẾN

Tất nhiên, sự kiện thu hút lượng du khách đông đảo nhất chính là DIFC 2015. Theo các đơn vị lữ hành thì phần lớn khách đặt tour để vui chơi, giải trí ở Đà Nẵng trong dịp này đều có kèm theo dịch vụ xem pháo hoa. Cũng trong dịp này, thành phố có thêm các sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác, trở thành điểm đến của đông đảo du khách như bến đỗ du thuyền DHC Marina, Làng Pháp, Khu du lịch Tâm Linh, các vườn hoa mới tại Bà Nà Hills, Khu vui chơi Asia Park đưa vào hoạt động giai đoạn 1 công viên vui chơi giải trí cảm giác mạnh ngoài trời. Cạnh đó, các sản phẩm du lịch khác vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của du khách như Trung tâm giải trí phức hợp Helio, Vòng quay Mặt trời, phố chuyên doanh Lê Duẩn, du lịch thưởng ngoạn sông Hàn trên tàu du lịch.

Ngoài các hoạt động phụ trợ cho DIFC 2015 được tổ chức thì mùa du lịch biển Đà Nẵng năm nay kéo dài qua 2 giai đoạn của kỳ nghỉ lễ đã kéo một lượng du khách rất đông. Theo Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày các bãi biển đón khoảng 60.000 lượt du khách. Không chỉ tổ chức các hoạt động lấy du khách làm trung tâm, lần đầu tiên bãi biển Mỹ Khê có thư viện và nhà vệ sinh chất lượng 5 sao, khu vui chơi phục vụ du khách miễn phí. Đây là công trình mang tính công cộng được khách sạn Holiday Beach xây dựng theo mô hình các bãi tắm của Nam Mỹ.

Sau khi tắm biển trên các cầu cảng được kết bằng phao xốp hiện đại, đảm bảo an toàn, người dân và du khách có thể thả lỏng cơ thể, đọc sách báo, tập thể dục bằng máy miễn phí ngay trên bãi biển. Ngoài ra còn có một khu vui chơi dành riêng cho trẻ em được lắp đặt ngay trên các bãi cát. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng, đây là một mô hình bãi biển hiện đại, tạo điểm nhấn, góp phần thu hút và giữ chân du khách khi đến với biển Đà Nẵng.

Ông Trần Chí Cường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố cho hay, tổng lượng khách đến tham quan, du lịch tại thành phố trong dịp DIFC 2015, dịp lễ 30-4, 1-5 và Giỗ Tổ Hùng Vương đạt khoảng 460.000 lượt khách (tăng 16,5% so với dịp DIFC 2013).  Riêng lượng khách do các đơn vị kinh doanh du lịch phục vụ đạt khoảng 282.473 lượt (tăng 19,5% so với năm 2014, tăng 37,7% so với dịp DIFC 2013, trong đó khách quốc tế 48.543 lượt, khách nội địa 233.930 lượt).

Lượng khách đến Đà Nẵng ngày càng đông đảo khi số lượng các chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng trong dịp này là 147 chuyến (tăng gần gấp 3 lần với năm 2014). Đối với các chuyến bay nội địa, từ ngày 25-4 đến 4-5, Vietnam Airlines tăng tải trên các đường bay đến Đà Nẵng là 168 chuyến. Hãng Vietjet cũng tăng chuyến trên đường bay Hà Nội - Đà Nẵng thành 8 chuyến/ngày.

Lần đầu tiên bãi biển Đà Nẵng có cầu cảng phao, thư viện, khu vui chơi, nhà vệ sinh công cộng 5 sao miễn phí.

VẪN CÒN TÌNH TRẠNG “DU LỊCH ĂN XỔI”

Xét về toàn cục, đây là một kỳ nghỉ lễ thành công cả về việc thu hút khách du lịch, mang về nguồn thu lớn cũng như xây dựng hình ảnh Đà Nẵng là điểm đến an toàn, thân thiện. Nhưng khách quan mà nói, vẫn còn những “hạt sạn” mà cơ quan chức năng cố gắng dẹp bỏ lâu nay vẫn chưa thực hiện được.

Dù cụm từ “chặt chém” năm nay không còn quá bức xúc nhưng trong những ngày lễ, đặc biệt là trong 2 đêm diễn ra DIFC 2015 vẫn còn nhiều nhà hàng, khách sạn tranh thủ “chém kín” khi biết du khách đã vào thế bí. Nhiều nhà hàng ven các đường Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng đã rất vồn vã mời mọc khi pháo hoa chưa vào tiệc nhưng đến khi tính tiền đã khiến thực khách “chết đứng” vì những cái giá trên trời. Theo một số “nạn nhân”, dù ngồi trong những quán rất bình dân, thậm chí là lụp xụp nhưng bia và các loại thức ăn bình thường có giá tương đương ở... vũ trường!

Trong dịp lễ, cơ quan chức năng thành phố đã tiến hành kiểm tra 371 nhà hàng, khách sạn, đơn vị lữ hành, qua đó phát hiện 154 đơn vị có hành vi vi phạm về biển hiệu, không niêm yết nội quy, quy chế, kinh doanh sai nội dung, vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm đồng thời đề nghị UBND thành phố xử phạt 547,3 triệu đồng.

Đối với hành vi nâng giá, bán không đúng giá niêm yết và không đảm bảo chất lượng dịch vụ như cam kết, theo phản ánh của người dân, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện 7 đơn vị vi phạm, trong số này có 6 khách sạn và 1 tàu du lịch.

Ngoài ra, theo tìm hiểu từ một số đơn vị lữ hành có uy tín, hiện tượng ôm phòng, lách quy định, bán tour, tạo “cháy” ảo để trục lợi vẫn còn tồn tại và ngày càng tinh vi. Để đảm bảo quyền lợi cho du khách, UBND thành phố yêu cầu các khách sạn không được nâng giá phòng quá 50% so với mức bình thường.

Ngay lập tức nhiều khách sạn đã đăng ký với giá cao hơn thực tế để khi tăng thêm 50% nữa sẽ thu về bộn tiền. Phó giám đốc một Cty lữ hành ví dụ, một khách sạn có giá thực tế trong những ngày bình thường chỉ khoảng 800.000 đồng/đêm thì gần đến lễ họ sẽ công bố mức 1.000.000 đồng/ đêm để khi tăng thêm 50% họ thu về 1,5 triệu đồng thay vì 1,2 triệu đồng.

Theo đánh giá, đây là một kỳ DIFC thành công nhất, kỳ nghỉ lễ gộp mà Đà Nẵng đón lượng khách lớn nhất từ trước đến nay chỉ trong vòng 1 tuần lễ. Từ đây, thương hiệu du lịch thành phố cũng được nâng lên đáng kể đối với du khách ở hai đầu đất nước cũng như bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để thương hiệu này được bền vững thì ngành du lịch thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm.

Đông A