Đà Nẵng đứng thứ 4 về cải cách hành chính
Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 (PAR INDEX 2018) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS 2018) được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố tại Hội nghị diễn ra chiều 24-5. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Đà Nẵng ứng dụng công nghệ mới – ví MoMo – trong giao dịch tại Trung tâm hành chính TP. |
Theo kết quả công bố, Quảng Ninh và Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR INDEX 2018. Trong khi đó, tỉnh Phú Yên và Bộ GTVT đứng ở vị trí bét bảng.
Quảng Ninh giữ vững ngôi đầu
Kết quả Chỉ số PAR INDEX 2018 của khối bộ, ngành cho thấy, nhóm thứ nhất, đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 80%, bao gồm 14 bộ, ngành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Tư pháp; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Ngoại giao; Khoa học và Công nghệ; Nội vụ; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thanh tra Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhóm thứ hai, đạt kết quả từ trên 70% đến dưới 80%, gồm 4 bộ: Bộ Xây dựng; Thông tin và Truyền thông; Y tế và Giao thông Vận tải.
Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả trung bình đạt 76,92%. Có 29 địa phương đạt Chỉ số cao hơn mức trung bình, trong đó có 9 địa phương đạt kết quả trên 80%; 60/63 địa phương đạt kết quả trên 70%. Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số đạt 89,06%, cao hơn 5,08% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là thành phố Hà Nội, đạt 83,98%.
Các vị trí thứ 4, thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 thuộc về 2 thành phố lớn, lần lượt là Đà Nẵng (đạt 83,70%) và Hải Phòng (đạt 83,68%). Đây cũng là những đơn vị có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính những năm gần đây.
82,99% người dân, tổ chức hài lòng
Theo Báo cáo Chỉ số SIPAS 2018, tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước là 82,99%; hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong khoảng 69,98% - 97,88%. Như vậy, tỉnh có Chỉ số hài lòng cao nhất là 97,88% và tỉnh có Chỉ số hài lòng thấp nhất là 69,98%; sự cách biệt xấp xỉ 28%. Một nửa số tỉnh trong cả nước có Chỉ số hài lòng nằm trong khoảng 81,92% - 97,88%, nửa còn lại nằm trong khoảng 69,98 - 81,92%, cho thấy các tỉnh, thành phố này cần nỗ lực để đảm bảo mục tiêu cải cách hành chính là trên 80% người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào năm 2020.
So với năm 2017, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung trong cả nước năm 2018 tăng hơn 2%.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, năm 2018 tiếp tục ghi nhận những nỗ lực cải cách của các bộ, ngành trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác cải cách hành chính thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trọng tâm là rà soát, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, các thủ tục hành chính đang là rào cản liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
THU THỦY