Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng được xem là điển hình để tham khảo về chuyển đổi số, xây dựng mô hình thành phố chuyển đổi số

Thứ hai, 27/02/2023 08:25
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06, nhất là Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và TP Đà Nẵng, các tỉnh Bình Phước, Nam Định, Bình Dương cũng như sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những thành tựu rất cơ bản, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về chuyển đổi số có nơi, có lúc còn chưa quyết liệt, sâu sát; thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều khoảng trống; chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao còn hạn chế; chuyển đổi số còn khoảng cách lớn giữa thành thị và nông thôn; an toàn, an ninh mạng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều…

Đặc biệt, theo Thủ tướng, quá trình thực hiện quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy (từ ngày 1-1-2023) vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân. Người dân vẫn còn nhiều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.

Thủ tướng lưu ý, chuyển đổi số là xu thế, đã và đang được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài xu thế này, nếu không chuyển đổi số nhanh, chuyển đổi số mạnh, chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả thì sẽ bị tụt hậu.

Chỉ ra một số tồn tại và một số bài học kinh nghiệm, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, năm 2023, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.Chuyển đổi số là xu hướng, xu thế, phong trào không thể đảo ngược, có tính toàn cầu, toàn dân, toàn xã hội, nên cần được nắm bắt, tận dụng cơ hội để kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Chuyển đổi số phải có tư duy đi tắt, đón đầu, đi trước, về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến… Đồng thời, cần quán triệt quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia cần khai thác, phát huy để trở thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số. Các bộ, ngành, địa phương phải đổi mới cách làm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp…

Theo báo cáo tóm tắt định hướng các nhiệm vụ trọng tâm triển khai chuyển đổi số quốc gia năm 2023 và dự thảo kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trình bày tại Hội nghị, chủ đề của Năm dữ liệu số quốc gia - 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu, gồm: bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu và an toàn dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp để tạo ra sự thay đổi căn bản trong tạo lập, khai thác dữ liệu số từ đó tạo ra giá trị mới, thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam...

Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số trong năm 2023 đặt ra 32 chỉ tiêu quan trọng quốc gia, tương ứng với đó là 32 nhóm nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, mỗi bộ, ngành, tỉnh, thành phố sẽ được giao thêm 1 nội dung đặc thù và một số nội dung đã rõ cách làm nhưng cần tiên phong, làm nhanh, làm ra kết quả trước để tạo cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm cho các bộ, ngành và địa phương khác tham khảo hoặc nội dung mới, chưa rõ cách làm để làm thí điểm, từ đó nhân rộng. Như vậy, mỗi bộ, ngành, địa phương sẽ có 32+1 nhóm nhiệm vụ trong năm 2023.

Trong một số nhiệm vụ trọng tâm do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện, có việc tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng. Theo đó, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số theo dõi, đôn đốc TP Đà Nẵng tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình, cụ thể là ban hành kế hoạch hành động triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình trong quý 1-2023, tổ chức sơ kết triển khai mô hình trong tháng 9-2023 và tổ chức tổng kết triển khai trong tháng 12-2023.

Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở tất cả các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn. Về kế hoạch hành động trọng tâm của Năm dữ liệu số quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, trong tháng 4-2023 sẽ được phát động Tháng dữ liệu mở.

Quang cảnh điểm cầu TP Đà Nẵng tham dự Hội nghị.

Các bộ, ngành, địa phương cần ban hành kế hoạch về dữ liệu mở trong tháng 4 để đến trước tháng 8-2023, tất cả các bộ, ngành, địa phương hoàn thành truy xuất lần đầu về dữ liệu mở theo kế hoạch.

“Các bộ, ngành, địa phương cần tham khảo cách làm về dữ liệu mở của Đà Nẵng và TPHCM. Chúng tôi theo dõi thì thấy rằng, Đà Nẵng và TPHCM làm dữ liệu mở rất hiệu quả và có tác dụng”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Tháng 5 sẽ là Tháng cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố phiên bản 1.0 của hệ thống bản đồ dữ liệu quốc gia. Đối với việc này, các bộ, ngành, địa phương có thể tham khảo kết quả và cách làm cơ sở dữ liệu chuyên ngành của một số bộ, ngành, địa phương làm tốt, trong đó có TP Đà Nẵng.

Tháng 8 là Tháng nhân lực dữ liệu. Các bộ, ngành địa phương triển khai phổ cập, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà. Các bộ, ngành, địa phương có thể tham khảo kết quả và cách làm của một số địa phương đã làm tốt trong năm 2022, trong đó có TP Đà Nẵng.

Về dịch vụ công trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, thực tế hiện nay, hơn 70% thủ tục hành chính có thể được đưa lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình, chẳng hạn như TP Đà Nẵng đã đưa đến 95% thủ tục hành chính lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Qua tổng hợp theo dõi, nhiều địa phương có các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến và đã được thực hiện tốt. Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị các địa phương tham khảo sáng kiến, kinh nghiệm của Đà Nẵng trong việc ban hành văn bản chỉ đạo chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng để cải tiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến; ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến so với thời gian xử lý thời gian trực tiếp để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn; triển khai “trợ lý ảo” hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến...

T.N