Đà Nẵng gấp rút ứng phó bão số 3
* còn 138 phương tiện cùng 1.270 lao động đang hoạt đông trên biển. Học sinh được nghỉ học từ trưa 14-9
(Cadn.com.vn) - Sáng 14-9, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3, cơn bão gần bờ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng, theo tinh thần công điện số 07/CĐ-PCTT.
Trước diễn biến của cơn bão gần bờ này, BCH PCLB&TKCN thành phố yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương triển khai công tác ứng phó, sơ tán người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Lực lượng BĐBP phố có trách nhiệm phát lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, phối hợp với CSGT đường thủy, Chi cục Thủy sản tổ chức di dời tàu thuyền trên sông Hàn vào khu tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang một cách an toàn. Theo BCH BĐBP thành phố, đến sáng cùng ngày, đã có 1.445 tàu thuyền với 5.247 lao động của thành phố đã neo đậu an toàn hoặc đang trên đường vào bờ. Hiện vẫn còn 138 phương tiện cùng 1.270 lao động đang hoạt đông trên biển. Trong đó, khu vực Đông Bắc Hoàng Sa là 18 phương tiện/205 lao động, khu vực biển Hải Phòng 14 phương tiện/104 lao động, khu vực ven biển Đà Nẵng – Quảng Nam 47 phương tiện/401 lao động. Các phương tiện đã nắm được tình hình, hướng di chuyển của cơn bão số 3 và hiện đang nhanh chóng di chuyển vào bờ hoặc các đảo để neo đậu, trú tránh.
Ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung di chuyển tàu vào Âu thuyền Thọ Quang. |
Công điện cũng yêu cầu ngành giáo dục phổ biến đến các trường bắt đầu từ trưa 14-9, học sinh trên toàn thành phố được nghỉ học.
Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương thông báo tin bão khẩn cấp cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh; triển khai ngay các phương án phòng chống bão, lũ, lũ quét, sơ tán nhân dân tạo các vùng trũng thấp, vùng ven biển, sông suối có nguy cơ sạt lở. Đặc biệt ưu tiên tổ chức chằng chống nhà cửa tại các khu chở tại định cư.
Trong sáng 14-9, rất nhiều người dân gặp tai nạn, ngã xe trên đường đi làm vì mưa to, gió lớn. Ảnh: Công Khanh |
Trên một số tuyến phố đã xuất hiện cây xanh bị ngã đổ. Ảnh: Công Khanh |
Công điện số 7 cũng yêu cầu Sở Xây dựng, Sở GTVT, UBND các quận huyện và các ngành liên quan chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng đang thi công bằng tháp và cẩu phải hạ ngay và có phương án đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các công trình xây dựng hạ cần cẩu, |
Phó chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết đặc biệt lưu ý UBND huyện Hòa Vang, Q.Liên Chiểu và Cty TNHH Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng triển khai phương án PCLB ở hồ chứa, tổ chức ứng trực 24/24, đảm bảo thông tin liên lạc với các địa phương, sẵn sàng ứng cứu hồ chứa và sơ tán dân tại hạ du. Trong khi đó Sở Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng triển khai vận hành các trạm bơm chống ngập úng trên địa bàn, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thông báo rộng rãi tình hình bão cho nhân dân biết, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt kể cả trong bão. Cty Điện lực Đà Nẵng có phương án đảm bảo an toàn điện trong thời gian có bão và nhanh chóng khắc phục các sự cố điện sau bão. Sở Y tế sẵn sàng phương án cấp cứu nạn nhân và phương án cấp cứu lưu động. Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và hoá chất cần thiết để xử lý môi trường sau thiên tai.
Công Khanh