Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng giải thể 61, hợp nhất 12 tổ chức phối hợp liên ngành: Cần thiết, phù hợp

Thứ tư, 20/05/2015 08:49

(Cadn.com.vn) - Việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký quyết định giải thể, hợp nhất các tổ chức phối hợp liên ngành trên địa bàn thành phố thời gian qua đã gây sự chú ý, quan tâm của dư luận và nhân dân trong và ngoài thành phố. Có khá nhiều luồng ý kiến liên quan đến vấn đề này, tuy nhiên chủ đạo vẫn là đồng tình, ủng hộ cách làm của Đà Nẵng.

Theo quyết định của Chủ tịch UBND thành phố, 61 tổ chức phối hợp liên ngành (tên thường gọi là Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban điều hành, Tổ công tác...) sẽ được giải thể, đồng thời hợp nhất 12 tổ chức phối hợp liên ngành (PHLN) khác trên địa bàn thành phố. Ông Võ Công Chánh, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, các tổ chức PHLN có chức năng tư vấn, giúp UBND thành phố, chủ tịch UBND thành phố nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, triển khai, giải quyết một số nhiệm vụ, công việc quan trọng theo quy định của Nhà nước hoặc theo nhu cầu của thành phố, có tính chất và yêu cầu phối hợp hoạt động liên ngành, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong thời gian qua nhiều tổ chức PHLN đã làm tốt vai trò tư vấn cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND thành phố các giải pháp triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên các ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và điều hành của UBND thành phố. “Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các tổ chức PHLN còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể là chất lượng, hiệu quả tư vấn chưa được thể hiện rõ nét; trách nhiệm quản lý, phối hợp quản lý không rõ ràng; nội dung tư vấn lệ thuộc nhiều và chủ yếu do cơ quan chuyên môn làm thường trực đề xuất, đảm nhận; hoạt động chủ yếu là hội họp định kỳ từ 1 đến 2 lần trong năm, thành phần nhiều, dẫn đến quá tải quỹ thời gian của lãnh đạo UBND thành phố và lãnh đạo các ngành, địa phương”..., ông Chánh cho biết.

Vì vậy theo ông Chánh, mục tiêu sắp xếp lại các tổ chức PHLN nhằm đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn trong công tác tham mưu quản lý ngành; thực hiện đúng phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý nhà nước; hạn chế tình trạng dựa dẫm vào tập thể, trách nhiệm không rõ ràng. Đồng thời giảm tải quỹ thời gian hội họp của lãnh đạo UBND thành phố và các ngành, địa phương để tăng thời gian cho công tác kiểm tra cơ sở, nắm tình hình thực tế phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố... “Giảm số lượng và sắp xếp lại tổ chức PHLN một cách hợp lý so với số tổ chức hiện có nhằm giảm số lượng, thành phần các cuộc họp, tiết kiệm ngân sách thông qua cắt giảm kinh phí phục vụ cho hoạt động của tổ chức PHLN, góp phần cải cách chế độ công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước”, ông Chánh đánh giá.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, đây là việc làm sáng suốt, đúng xu hướng tinh giảm bộ máy hiện nay, đồng nghĩa với đó là tăng thêm nhiệm vụ, chức năng, trách nhiệm của các sở, ban, ngành mà trước đây từng có tư tưởng ỷ lại một số tổ chức PHLN. Một cách làm hợp lý, không cực đoan nữa, theo ông Tiếng đó là vẫn giữ lại, sáp nhập một số tổ chức khác, có nghĩa tăng thêm nhưng là để giảm.

Đồng quan điểm với ông Bùi Văn Tiếng, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng nhìn nhận, mỗi tổ chức PHLN ở từng thời điểm, thời kỳ có nhiệm vụ, vai trò riêng. Việc giải thể, hợp nhất tổ chức PHLN bây giờ là cần thiết. Theo đó, cần rà soát, đánh giá cụ thể, cái gì thật cần thiết thì mới giữ lại, bằng không thì giải thể hoặc sáp nhập cho phù hợp, kể cả những tổ chức mà trung ương quy định nhưng địa phương thấy không hợp thì cũng kiến nghị cho sát với thực tế địa phương.

D.H